Vào thập niên 80, Amiga là nền tảng máy tính cá nhân nổi bật nhất với hệ thống đồ họa và âm thanh tiên tiến, sở hữu cho mình những trò chơi cực kì chất lượng và đã trở nên rất hiếm ngày nay
Cách đây hàng chục năm, khi máy tính cá nhân (PC) vẫn còn là một điều khá mới mẻ, nhiều công ty đã cho ra mắt những chiếc máy tính dựng sẵn với phần cứng tùy chỉnh và hệ điều hành riêng. Số khác thì chọn ra mắt các bộ phận của máy tính và để cho người dùng tự dựng nên phiên bản của riêng mình với một hệ điều hành tổng quát như MS-DOS. Commodore là một trong những công ty phát triển PC cho riêng mình, và cũng là đơn vị đã phát triển ra hệ máy console chơi game tân tiến Commodore 64.
Dòng máy tính dựng sẵn của Commodore được gọi là Amiga, với nền tảng đồ họa và hệ thống âm thanh cực kì hiện đại vào giai đoạn thập niên 80, nếu so với các đối thủ khác. Đáng tiếc rằng Amiga không thể duy trì sự phát triển trong thập niên 90, và Commodore dần đi vào quên lãng kể từ năm 1994 đến nay. Nhưng không thể phủ nhận nó đã trở thành chiếc máy tính cá nhân với những trò chơi điện tử xuất sắc, và giá trị của những trò chơi đó đối với dân đam mê sưu tầm là cực kì đáng chú ý.
Abandoned Places 2
Nhà phát triển: ArtGame
Nền tảng: AmigaOS
Ngày phát hành ban đầu: 1993
Giá thị trường: 85$ (Không hộp), 335,71$ (Fullbox) và 671$ (Sealed)
Trong giai đoạn cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, các trò chơi nhập vai trên PC thường thể hiện dưới góc nhìn thứ nhất, cho game thủ nhìn thấy những gì nhân vật của họ thấy. Điều này về sau dẫn đến sự ra đời của thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS). Nhưng trước đó, rất khó để định hình nên một thế giới góc nhìn thứ nhất, khiến cho các nhà phát triển tạo ra một giao diện lớn cho các trò chơi nhập vai, thu hẹp khu vực góc nhìn thứ nhất mà họ phải miêu tả.
Họ cũng tập trung vào phát triển hệ thống hầm ngục cho game của mình, vì chúng dễ thiết kế hơn. Abandoned Places 2 là một trò chơi nhập vai như vậy, nhưng các nhà phát triển người Hungary tại ArtGame đã không đi theo truyền thống này, mà tạo ra một trò chơi với rất nhiều thứ để làm phía trên mặt đất giống như dưới lòng đất. Đáng tiếc rằng sau đó họ bị nhà phát hành gây khó dễ, nên chỉ cho ra đời 3 trò chơi. Cùng với độ hiếm, chất lượng trò chơi đã giúp Abandoned Places 2 trở thành một món đồ sưu tầm thật sự.
Maniac Mansion
Nhà phát triển: Lucasfilm Games (Sau này là LucasArts)
Nền tảng: Commodore 64, Apple II, MS-DOS, Amiga, Atari ST, NES, Macintosh
Ngày phát hành ban đầu: 05.10.1987
Giá thị trường: 149,95$ (Đĩa không), 384,37$ (Fullbox), 769$ (Sealed)
Vào thời điểm hãng LucasArts tạo ra những trò chơi phiêu lưu đầu tiên (Dưới cái tên Lucasfilm Games), họ đã tạo ra các phiên bản riêng biệt cho từng nền tảng phổ biến. Do đó mà Maniac Mansion, trò chơi đầu tiên dùng engine SCUMM, ra mắt trên nhiều hệ thống khác nhau. Nó sở hữu chất lượng đồ họa cực kì chi tiết vào thời điểm ra mắt, và tận dụng tối đa khả năng của Amiga.
Trò chơi tương thích với chuột máy tính, một bước tiến lớn so với những chiếc tay cầm đơn giản của thập niên 80. Giữa việc Maniac Mansion là một trò chơi phiêu lưu ấn tượng được tạo ra bởi một nhà phát triển nổi tiếng và phiên bản Amiga là một trong những lựa chọn tốt nhất, không quá bất ngờ khi các bản đĩa hoàn chỉnh của nó rất hiếm và mắc tiền. Hoặc bạn có thể mua trên Steam với giá rẻ hơn khá nhiều.
Starush
Nhà phát triển: Ubisoft
Nền tảng: AmigaOS
Ngày phát hành ban đầu: 1992
Giá thị trường: 290,33$ (Đĩa không), 638,73$ (Fullbox), 1,277$ (Sealed)
Ngày nay, Ubisoft được biết đến bởi các seri game thế giới mở rộng lớn như Far Cry và Assassin's Creed. Nhưng vào thập niên 80 với 90, công ty này từng có một thư viện game rất khác biệt. Với tên gọi khi đó là Ubi Soft, hãng đã tạo ra một trong những trò chơi bắn súng màn hình ngang khá độc đáo mang tên Starush, mang đến một đoạn phim mở đầu khá dài và chất lượng đồ họa chi tiết.
Người chơi thậm chí còn được điều khiển một số phương tiện di chuyển băng qua toàn bộ các màn chơi của game, và đối đầu với những kẻ thù, môi trường đa dạng khác nhau. Starush có thể không phải là trò chơi hay nhất mọi thời đại, và cũng không phải trò chơi duy nhất Ubisoft từng ra mắt trên Amiga, nhưng nó là cột mốc khởi đầu thú vị cho một trong những công ty làm game lớn nhất thế giới.
Moonstone: A Hard Days Knight
Nhà phát triển: Rob Anderson
Nền tảng: Amiga, DOS
Ngày phát hành ban đầu: 1991
Giá thị trường: 468,68$ (Đĩa không), 1,031$ (Fullbox), 2,109$ (Sealed)
Mortal Kombat đã tạo nên những làn sóng trên toàn cầu vào năm 1992 với các pha kết liễu cực kì bạo lực và máu me. Nhưng một năm trước đó, Moonstone: A Hard Days Knight vốn đã thúc đẩy những giới hạn bạo lực trong một trò chơi điện tử có thể mô tả trên hệ máy Amiga. Trò chơi được phát triển bởi Rob Anderson và Mindscape phát hành, vốn là một trong những nhà phát hành game lớn của giai đoạn đó.
Trong game, tối đa 4 người chơi cạnh tranh với nhau để giành lấy Moonstone, bằng cách điều khiển nhân vật di chuyển quanh một bản đồ lớn, trước khi bước vào những khu vực chiến đấu riêng biệt. Mặc dù được đón nhận tốt khi ra mắt, nhưng vì đồ họa bạo lực của nó, trò chơi đã bị cấm ở Đức và không bao giờ phát hành tại Mỹ. Những yếu tố đó khiến cho nó trở thành một trong những game Amira hiếm nhất hiện tại.
The Great Giana Sisters
Nhà phát triển: Time Warp Productions
Nền tảng: Amiga, Amstrad CPC, Atari ST, C64, MSX2 (và các bản port khác)
Ngày phát hành ban đầu: 06.05.1987
Giá thị trường: 481,25$ (Đĩa không), 1,735.15$ (Fullbox), 3,470$ (Sealed)
Gần như không thể phủ nhận rằng The Great Giana Sisters là một nỗ lực sao chép trắng trợn Super Mario Bros. dành cho Commodore 64 và Amiga. Super Mario ra mắt vào năm 1985, với vô số các trò chơi đi cảnh và bản sao mới được ra mắt những năm sau đó. Nintendo đã đe dọa sẽ khởi kiện nhà phát triển Time Warp Productions và nhà phát hành Rainbow Arts nếu họ tiếp tục bán trò chơi. Và để đáp lại, hai công ty lặng lẽ rút chúng khỏi thị trường.
Tuy vậy, những ai có may mắn sở hữu trò chơi trước khi nó bị thu hồi khỏi các cửa hàng đều rất yêu thích nó, đặc biệt là vì phần nhạc nền, và những khía cạnh mà trò chơi không thực sự lấy thẳng từ Super Mario Bros. Chất lượng của The Great Giana Sisters, cùng với việc rất khó để tìm được đĩa game gốc, là lý do các nhà sưu tầm sẵn sàng bỏ ra cả ngàn đô để sở hữu trò chơi siêu hiếm này.
Castlevania
Nhà phát triển: Novotrade
Nền tảng: AmigaOCS
Ngày phát hành ban đầu: 1990
Giá thị trường: 1,363.63$ (Đĩa không), 2,999.99$ (Fullbox), 6,000$ (Sealed)
Các nhà phát triển game Nhật Bản vốn đã luôn chần chừ trong việc ra mắt game trên nền tảng PC, cho đến thời gian gần đây. Xuyên suốt thập niên 80 và 90, console với game thùng được người Nhật ưa chuộng hơn, nên các nhà phát triển cũng tập trung vào đó nhiều hơn. Đôi khi họ cũng thử nhắm đến cộng đồng game thủ PC ở Mỹ, nhưng thường là cấp phép game của họ cho các bên thứ ba, có nhiều kinh nghiệm hơn trong lập trình cho PC , nhưng lại ít kinh nghiệm hơn trong việc làm game chất lượng.
Castlevania cho hệ máy Amiga là một trường hợp như vậy: Bản quyền của nó được trao cho hãng phát triển nhỏ ở Hungary mang tên Novotrade. Và trong khi phiên bản Castlevania trên hệ máy NES là một thành tựu đáng nhớ, phiên bản Amiga lại là một mớ hỗn độn. Dĩ nhiên với một nhà sưu tầm, họ không quan tâm nhiều đến khả năng chơi được.
Ngay khi Konami nhận ra phiên bản Castlevania trên Amiga thảm họa như thế nào, họ đã nhanh chóng rút nó khỏi thị trường. Kết quả là giống như The Great Giana Sisters, Castlevania trên Amiga là một mảnh lịch sử là Konami muốn mọi người quên đi, nhưng điều đó lại khiến giá trị của nó tăng lên cực kì khủng khiếp với giới sưu tầm.