Không chỉ là một bộ phim hành động kĩ xảo lóa mắt, "Ghost in the Shell" còn chứa đựng những thông điệp, câu hỏi kì lạ liên quan tới "con người".
Thương hiệu Ghost in the Shell lần đầu được biết đến với danh nghĩa là một bộ truyện tranh vào những năm 1980, tuy nhiên phải mãi đến khi được chuyển thể thành hoạt hình năm 1995, cái tên này mới được biết đến rộng rãi trên toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, kha khá các sản phẩm nối tiếp và ăn theo Ghost in the Shell đã được tung ra, nhưng được chú ý hơn cả vẫn là bản gốc cùng với series kéo dài 2 phần Ghost in the Shell: Stand Alone Complex, hay gần nhất chính là phiên bản làm lại năm 2017 với sự góp mặt của Scarlett Johansson.
Có nội dung khá rộng thiên về mảng hành động kịch tính, nhưng thông điệp chính của thương hiệu này được truyền tải qua các sản phẩm vẫn được giữ nguyên, và bài viết này muốn nhắc đến một đề tài cụ thể: Điều gì có khả năng quyết định nên một con người?
Cái tên của thương hiệu này, "Ghost in the Shell" có thể dịch chuẩn xác nhất (tuy thiếu đi tính nghệ thuật) là "Ma trong cái vỏ". "Ma" ở đây đã được tác giả nhắc đến như linh hồn của một con người, hay cụ thể hơn nữa là linh hồn của Thiếu tá Motoko Kusanagi đang tồn tại trong một cái "vỏ" dựng nên từ máy móc vô tri. Trong cơ thể nhân tạo lạnh lẽo ấy, ý thức và tâm hồn của một con người tồn tại, với những cảm xúc rõ rệt cũng như nhân sinh quan rõ ràng về những điều đang xảy ra xung quanh mình.
Não bộ và trí tuệ của cô nằm gọn bên trong một bỏ bọc hoàn hảo được tạo nên từ những chất liệu tối tân nhất. Nếu như trước đây, đặc điểm dùng để phân biệt một con người và một cỗ máy chính là việc con người có linh hồn, thì điều này sẽ biến Thiếu Tá trở thành một thứ gì?
Mang trong mình những khả năng siêu việt của một thứ vũ khí tối tân, nhưng đồng thời lại bao bọc những đặc điểm rất "người", nhân vật Thiếu Tá đã dành rất nhiều thời gian để thắc mắc với chính bản thân câu hỏi "Tôi là ai?". Liệu cô là một con người thật, hay cũng chỉ là một thứ máy móc trống rỗng, một tạo phẩm đến từ cái nôi của công nghệ?
Một cỗ máy có thể giải được trăm ngàn bài toán khó, có thể sàng lọc hàng triệu triệu thông tin, nhưng nó không thể tự đặt được câu hỏi. Nếu như cỗ máy ấy đã có khả năng chất vấn về những dữ liệu nó tiếp xúc hay trải nghiệm, thì phải chăng đây thực sự là một cỗ máy sống?
Motoko Kusanagi ngờ vực về chính sự tồn tại của mình, bị giằng xé giữa một cái hồn rất "người" và một cơ thể rất "máy". Thể tồn tại của Thiếu Tá không hề được chính thức xác minh trong bộ phim. Thay vì đưa ra lời giải đáp cho một câu hỏi, Ghost in the Shell đưa người xem đến vô vàn những câu hỏi khác.
Trong một thời đại khi công nghệ và sinh học có thể đan vào với nhau, hay thậm chí là không thể tách rời, thì con người thực sự là gì? Phải chăng, một chủ thể chỉ có thể thực sự là "người" khi nó được tạo thành bởi máu thịt, hay chính năng lực tư duy, phản biện và nhận thức mới là thứ quyết định? Và liệu rằng, bất cứ những kẻ nào có hình dạng, tư duy như một con người thì cũng là người toàn vẹn?
Có phải rằng, định nghĩa của "con người" chính là việc cư xử giống người? Nghe có vẻ có lý, nhưng "cư xử" như thế nào mới là giống người? Nó không đơn giản chỉ là việc có ý thức, vì ý thức có thể tìm thấy ở muôn loài. Nó cũng không phải là trí tuệ, bởi lẽ máy móc là một sản phẩm của trí tuệ, thậm chí còn có khả năng gấp hàng trăm ngàn lần chúng ta, nhưng cũng không phải là người.
Thứ có khả năng phân biệt con người ra khỏi bất kì một giống loài nào khác, chính là cách chúng ta lựa chọn để cư xử với những người và vật xung quanh. Có những người chọn cách hòa nhã và thân thiện, trong khi có những kẻ lại chỉ đi tìm kiếm xung đột. Cho dù là thế nào, thì đó cũng là chất "người" không thể chối bỏ. Bởi lẽ, hiền hậu hay cục súc, đều là những thứ một cỗ máy không thể đạt tới, và thậm chí nếu nó có đạt tới trình độ đó, thì liệu nó có còn là một cỗ máy hay không? Motoko trong Ghost in the Shell đã làm bạn với những chú chó, đã lặn thật sâu trong làn nước để tìm lại những cảm xúc cực điểm của trái tim kim loại, và đã tìm lại được tình yêu với một "người" khác.
"Ra là thế!..."
Ghost in the Shell là một trong những bộ phim hành động hiếm hoi có khả năng khiến người xem suy ngẫm. Thông điệp được đưa ra rõ ràng và sắc nét (cho dù có bị xử lý khá vụng về ở phiên bản 2017), đơn thuần tựa như một câu hỏi, hay thậm chí là một lời nhắc nhở, về chính bản thân của chúng ta.
Bài viết này, cũng như bộ phim, chỉ xin phép nới rộng chủ đề được nhắc tới đó, làm rõ vấn đề một chút thay vì đưa ra bất kì lời giải đáp nào để thỏa lòng cho những bộ óc "người" đam mê tìm tòi đang theo dõi. "Con người" là một phạm trù lớn, rộng, và không chắc chắn. Vì vậy, lời đáp cho dấu chấm hỏi đã được đặt ra, có lẽ tốt nhất là để cho từng bộ óc xem xét mà thôi.