Live-action chuyển thể từ manga nổi tiếng “siêu bựa” của Nhật Bản trung thành với chất hài của nguyên tác và tràn ngập các chi tiết chỉ-fan-mới-hiểu.
Chưa đọc Gintama, hãy ở nhà!
Nếu chưa bao giờ đọc quá 4 volume của Gintama, tốt nhất là bạn nên chọn xem phim khác vì live-action này sinh ra chỉ để toàn tâm toàn ý phục vụ cho fan cứng của tác giả Hideaki Sorachi. Đạo diễn còn chẳng thèm giới thiệu nhân vật cho tử tế đàng hoàng. Mạch phim dẫn thẳng vào câu chuyện theo kiểu: “Nói làm gì nữa! Ai cũng biết hết rồi". Không phải là fan thì cứ xác định “lạc trôi” từ đầu đến cuối, vừa xem phim vừa hoang mang.
Phiên bản live-action của “Gintama” so với phiên bản anime.
Phiên bản điện ảnh của Gintama được chuyển thể từ Arc thứ 9 của bộ truyện - Benizakura, xoay quanh nhân vật chính là chàng samurai tóc bạc Sakata Gintoki. Vốn có quá khứ oanh liệt là nghĩa sĩ chống lại bè lũ người ngoài hành tinh xâm lược Trái đất, nay anh chỉ còn là một gã trai vô công rỗi nghề, tự mở “Cửa Tiệm Vạn Năng” và làm mọi thứ để kiếm sống.
Lúc này, tại Edo nổi lên một tổ chức khủng bố có tên gọi Keheitai, được lãnh đạo bởi người đồng môn cũ của Gintoki - Takasugi Shinsuke. Với thanh quỷ kiếm Benizakura, chúng đã gây ra vô số những vụ án mạng thảm khốc. Và người kiếm sĩ duy nhất có thể đứng lên chống lại Kiheitai, không ai khác ngoài Gintoki và những người đồng sự dũng cảm.
Trong mấy phim trước, Shun Oguri lỡ ngầu, lỡ đẹp trai quá nên đến phim này anh bựa bù.
Chính vì không thèm đếm xỉa gì đến thị trường “người bình thường” nên mọi thứ của live-action đều như xuyên không từ truyện tranh ra, thoả mãn fan đến độ cao nhất. Khi tên của Shun Oguri được công bố vào vai chính của chàng samurai ngớ ngẩn nhất thiên hà, không ít fan tỏ ra lo lắng vì anh nỡ lòng nào... đẹp trai quá so với miêu tả qua nét vẽ dễ dãi của tác giả. Nhưng khi những phút đầu tiên của phim bắt đầu, mọi hoài nghi đã được đánh tan.
Toàn bộ khí chất bựa nhân của Gintoki được bảo toàn trọn vẹn, thậm chí còn có phần xuất sắc và sinh động hơn trong manga do những hạn chế về thể loại. Gintoki ngoái mũi, Gintoki ham tiền, Gintoki bẩn bựa, Gintoki lầy lội, Gintoki những khi “so deep”, Gintoki của quá khứ, Gintoki lúc chiến đấu, Gintoki hồi còn nhỏ… Nghi ngờ gì nữa, kiếp trước của Shun Oguri chính là Gintoki!
Bộ ba “bựa nhân” chính của phim.
Hai diễn viên chính còn lại trong vai Shinpachi (Masaki Suda) và Kagura (Kanna Hashimoto) cũng cực kỳ xuất sắc. Ngoài đời nhìn thì khá xinh trai đẹp gái, lên phim liền quăng luôn hình tượng của bản thân vào máy nghiền rác. Những cảnh mặt biến dạng khi bị đánh kết hợp với công nghệ slow-motion và phần làm quá của diễn viên Masaki đã đẩy nhân vật này lên một đẳng cấp “lầy lội” khác.
Kagura cũng không hề làm cho người xem thất vọng. Nếu ai từng xem cô diễn xuất trong các music video với hình tượng dễ thương nhưng nhàm chán sẽ thấy tài năng diễn xuất của em này “không thuộc dạng vừa đâu”. Nữ diễn viên hài thường bị đánh đồng phải xấu mới vui. Và Kanna đã đập tan quan niệm này. Tính bạo lực, ham ăn, sự tưng tửng, phong cách hài thô bỉ bất chấp mọi tình huống, hoàn cảnh đều được Kanna tái hiện rất “có tâm”. Mười năm nữa, khán giả cũng khó lòng quên được vai diễn Kagura của Kanna Hashimoto.
Dàn nhân vật phụ “chất” phát ngất!
Chỉ muốn cho các anh Shinsengumi hẳn một movie riêng.
Dàn Shinsengumi dù là tuyến nhân vật phụ nhưng lại có phần “toả ánh hào quang” chen ngang các nhân vật chính của chúng ta hơi nhiều. Một phần vì hai anh đóng vai đội phó và đội trưởng tiểu đội 1, Toshiro Hijikata và Sogo Okita toàn là trai đẹp quốc dân được già, trẻ, gái, trai, động vật có vú, côn trùng yêu thích.
Khung hình nào có hai anh xuất hiện là coi như các nhân vật khác tự động lui về hậu trường làm phông nền phía sau. Phần còn lại vì hai anh nhập vai xuất sắc, mỗi nhân vật đều có chất “biến thái” riêng khó quên. Một đội phó Yuya Yagira sở hữu tình yêu mãnh liệt với mayonnaise, một hoàng tử S mặt liệt Ryo Yoshizawa nhìn nghiêm túc mà hành động khốn nạn vô cùng.
Nhìn hình ngầu vậy thôi, đừng có tin…
Chắc Gintama là live-action duy nhất có hệ phản diện ai cũng thích vì thi đua “lầy lội” với dàn nhân vật chính. Phản diện tuy rất tích cực làm việc xấu, vô cùng nghiêm túc trong chuyện phá hoại Edo, rõ ràng có nỗ lực tột bậc làm cho khán giả ghét mình. Nhưng thôi, qua tay Hideaki Sorachi thì mong đợi gì phản diện của mình được như Vũ trụ Marvel hay DC nhà người ta. Rõ ràng, kẻ xấu trong Gintama sinh ra là để được yêu mà!
Hai nhân vật bạn thời thơ ấu của Gintoki tuy xuất hiện thời lượng không nhiều, nhưng khá sâu sắc, đủ để cho fan được tận hưởng vài khoảnh khắc “so deep” hiếm có của Gintoki. Nhân vật chị gái Tae của Shinpachi cũng có nhiều phân cảnh xuất sắc, chưa kể còn thả “hint” vô số kể với Gintoki. Mong movie tiếp theo hai người sẽ có đất để thành đôi.
Vũ trụ manga siêu cấp Nhật Bản
Tiếp nối truyền thống parody tập này qua tập khác của Gintama, các nhân vật truyện tranh yêu thích của tác giả trong bộ Dragon Ball, Gundam, phim hoạt hình hãng Ghibli, One Piece...cũng lần lượt xuất hiện từ nhảm nhí cho đến nghiêm túc. Mỗi lần như vậy, fan lại được dịp “À! Ồ!" trong rạp. Có cảm giác như cả thế giới tuổi thơ - thiếu niên - người lớn hiện tại của bản thân đều thu gọn vào trong một live-action Gintama.
Một trăm hai mươi phút coi Gintama, khó lòng mà lựa ra cảnh nào vui nhất. Vì cảnh hài cứ trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau. Lại còn thêm cú nói chuyện với khán giả, tự ý thức mình là nhân vật truyện tranh, biết mình đang đóng live-action. Bước ra rạp tự hứa với lòng 10 năm nữa cũng không coi phim hài tiếp, đau hàm quá. Vậy nên, nhấc mông lên và đi coi thôi, hỡi 8000 anh em fan Gintama!
P/S: Mà quên, đừng mong chờ CGI của Nhật Bổn so với Hollywood nhé, tập trung cười thôi!