"Khi thói quen xấu của sinh viên" được đem lên làm đề tai trong game

Cuộc thi làm game trong 24h năm nay đã gây ấn tượng cho mọi người với đề tài rất mới lạ

Mang tên gọi Game UIT Hackathon 2016, đây là cuộc thi làm game thường niên dành cho sinh viên của các trường đại học tại TP HCM, do khoa Công nghệ Phần mềm của trường Đại học Công nghệ Thông tin - ĐHQG HCM tổ chức.

Theo đó, mỗi đội có 24 giờ (từ 7h30 sáng ngày 28/5 đến 7h30 sáng ngày 29/5) để hoàn thành một sản phẩm game trên nền tảng mobile (được quyền sử dụng mọi engine, library) theo chủ đề cho trước. Sau đó, 10 đội xuất sắc nhất sẽ có 10 phút trình bày và phản biện sản phẩm của đội mình trước hội đồng ban giám khảo. Và đề tài của năm nay đã gây bất ngờ lớn cho tất cả thí sinh tham dự khi đó là yêu cầu "Làm game để thay đổi thói quen xấu của người Việt Nam".

thoi-quen-xau-cua-nguoi-viet-thanh-chu-de-lam-game-cua-sinh-vien

Đề tài khá lạ và độc đáo của cuộc thi Game UIT Hackathon năm nay.

"Lý do lựa chọn đề tài này để cho thấy game không phải chỉ để giải trí, mà còn có thể giáo dục cho lớp trẻ. Chúng tôi cũng muốn đề cao vai trò, trách nhiệm của người làm game trong việc định hướng nội dung và cuối cùng là mong các bạn trẻ, những người tham gia cuộc thi, quan tâm cuộc thi sẽ suy nghĩ về các thói quen xấu,  từ đó chính mình hạn chế, thay đổi bản thân", thầy Phạm Thi Vương, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Phần mềm trường ĐH CNTT, thành viên ban tổ chức giải thích với Gamethu.net.

Với 216 sinh viên từ nhiều trường địa học đã đăng ký tham dự, chia làm 50 đội, 48 sản phẩm game đã được hoàn thành trong thời gian 24 giờ và 10 game có chất lượng tốt nhất đã lọt vào chung kết. Theo đánh giá của ban tổ chức, các đội thi năm nay đã có sự chuyên nghiệp hơn năm ngoái rất nhiều. Gần như đội nào cũng có artist riêng, mang theo bảng vẽ kỹ thuật số. Chất lượng các sản phẩm game làm ra được cả giám khảo và người xem đánh giá cao, thậm chí một số game có thể phát triển thành sản phẩm thương mại thực sự.

Trong thời gian thi đấu, các đội game đều "chiến đấu" một cách ngoan cường và gần như thức trắng đêm để hoàn thành sản phẩm. Có nhóm phân chia giờ ngủ, nghỉ cho từng người theo ca để cả đội vẫn giữ được sức khỏe cũng như không làm chậm tiến trình công việc.

thoi-quen-xau-cua-nguoi-viet-thanh-chu-de-lam-game-cua-sinh-vien-1

Hình ảnh ghi lại lúc 2h sáng trong khuôn khổ thời gian diễn ra cuộc thi.

>>> Xem thêm một số hình ảnh thú vị về cuộc thi làm game 24h này.

Trong một quãng thời gian khá ngắn là 24 tiếng, thế nhưng vẫn có đội game hoàn thiện được sản phẩm 3D với chất lượng đồ họa khá tốt, gây bất ngờ cho ban giám khảo. Một số đội game khác lại ghi điểm bằng màn thuyết trình hấp dẫn và đầy thuyết phục.

Trong đó, đáng chú ý nhất là trò chơi có tên gọi Anti Infection (Breaking the Habit). Nội dung game là câu chuyện mà tác giả kể về người bố nghiện thuốc là và bia rượu của mình. Trong game, người chơi sẽ tập trung di chuyển các "vệ tinh" để đánh bật những thói quen xấu ra ngoài, bảo vệ cơ thể. Với game này, nhóm tác giả hi vọng sau khi chơi, ý thức của mọi người sẽ được nâng cao, có động lực thay đổi bản thân mình và bảo vệ người khác. Chinh phục hoàn toàn ban giám khảo, đây cũng là sản phẩm đoạt giải nhất của cuộc thi năm nay.

Còn gây ấn tượng nhất là sản phẩm game có tên gọi Sát giờ. Trò chơi có nội dung về những chiếc xe chạy ẩu, vượt đèn đỏ và gây ra tai nạn. Hình ảnh những chiếc xe đụng nhau được làm bằng đồ họa 3D, tạo nên hiệu ứng cực mạnh với người chơi. Sản phẩm này đoạt giải nhì của cuộc thi.

Những tác phẩm khác của cuộc thi cũng mạnh dạn đụng chạm tới những vấn đề nóng bỏng, từng được dư luận đề cập tới nhiều như rác thải, thói quen chen lấn khi xếp hàng, vấn đề tiết kiệm thực phẩm, tính lười biếng, thói quen băng qua đường...

thoi-quen-xau-cua-nguoi-viet-thanh-chu-de-lam-game-cua-sinh-vien-2

Hình ảnh ấn tượng về các sản phẩm sau khi hoàn thành của những lập trình viên đang là sinh viên.

Được sự tài trợ và ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, các thí sinh đoạt giải ngoài cơ hội thử sức mình còn nhận được những giải thưởng xứng đáng. Tổng giải thưởng lên tới hơn trăm triệu đồng. Giải nhất cuộc thi là 30 triệu đồng tiền mặt cùng một gói hỗ trợ khởi nghiệp 3.000 USD và học bổng. Một studio game đã đứng ra hỗ trợ để một nhóm thí sinh có thể tiếp tục phát triển sản phẩm, đưa game ra thị trường. 

Đánh giá chung về cuộc thi làm game năm nay, ban giám khảo nhận định các đội thi có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt nhân lực và công nghệ. Các đội cũng cập nhật nhiều công cụ mới để làm game nhanh và hiệu quả. Phần lớn sản phẩm thu được có tính hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật và ứng dụng. Tuy nhiên, về mặt nội dung và ý tưởng, chưa có nhiều đội tạo được sự đột phá.

"Trải qua sự kiện, mình tiếp nhận được rất nhiều điều bổ ích cho chính mình trong tương lai, học hỏi thêm kinh nghiệm làm game của các anh chị đi trước", sinh viên Lê Đức Tiến cho biết.

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang