"Valerian and the City of a Thousand Planets": Lạc lối giữa thành phố ngàn hành tinh
Với bàn tay nhào nặn của đạo diễn Luc Besson, "Valerian and the City of a Thousand Planets" dĩ nhiên mang một vẻ đẹp kỳ ảo, riêng biệt mà chỉ có ông mới mang đến được. Nhưng đáng tiếc bộ phim lại thất bại nặng nề ở hầu hết những khía cạnh khác.
Valerian and the City of a Thousand Planets có thể được xem là bộ phim tâm huyết nhất trong sự nghiệp của Luc Besson. Từ năm 10 tuổi, ông đã say mê từng trang truyện Valerian & Laureline, tác phẩm được ví như Star Wars của châu Âu. Chính niềm đam mê cháy bỏng này là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời bộ phim khoa học viễn tưởng đi trước thời đại The Fifth Element (1997). Lý do ông lại chọn làm The Fifth Element mà không chuyển thể Valerian & Laureline là vì với Luc Besson, công nghệ thời bấy giờ không thể truyền tải hết sự kì vĩ của bộ truyện gốc.
Năm 2009 đánh dấu cuộc cách mạng kỹ xảo diện ảnh với siêu phẩm Avatar (2009) của James Cameron. Luc Besson xem đây chính bước ngoặc để ông có thể thực hiện dự án bản thân hằng mơ ước suốt 20 năm nay.
Trung thành với nguyên tác, Valerian and the City of a Thousand Planets xoay quanh cuộc phiêu lưu xuyên qua không gian và thời gian của Valerian (Dane DeHaan) và Laureline (Cara Delevingne). Chuyến hành trình đưa họ đến với Alpha – nơi được mệnh danh là "Thành phố ngàn Tinh Cầu". Đây thực chất là một trạm không gian khổng lồ, có vô vàn các sinh vật từ các hành tinh khác nhau cùng chung sống. Tuy nhiên, một thế lực đen tối xuất hiện và đe dọa an nguy của trạm không gian này cũng như là toàn vũ trụ.
Với kinh phí lên đến 200 triệu đô, Valerian and the City of a Thousand Planets là bộ phim đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh châu Âu. Từng khung hình của bộ phim là sự trau chuốt tỉ mĩ của đội ngũ thiết kế. Thế giới trong Valerian hiện lên với nét đẹp đầy mê hoặc. Từ những sinh vật ngoài hành tinh kỳ dị đến trạm không gian Alpha khổng lồ đều vô cùng ấn tượng và độc nhất vô nhị. Đạo diễn Luc Besson cùng nhà quay phim Thierry Arbogast (The Fifth Element) và chuyên gia hiệu ứng hình ảnh Scott Stokdyk (bộ ba Spider-Man) đã tạo nên những khung cảnh đồ sộ, với hàng ngàn chi tiết cùng diễn ra một lúc, đến nỗi khán giả nhiều lúc sẽ choáng ngợp trước những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Giống như những gì Luc Besson đã từng nói "Giới hạn duy nhất của điện ảnh chính là trí tưởng tượng của nhà làm phim", Valerian hoàn toàn không bị gò bó trong bất kì khuôn khổ nào.
Bạn không thể tìm thấy bộ phim nào trong mùa hè này đạt được sự "ảo diệu" về thị giác như Valerian đâu!
Tuy nhiên, tất cả sự tuyệt mỹ về mặt hình ảnh này đều không bù đắp nổi cho sự thiếu hụt dường như là ở tất cả những mặt còn lại! Từ cốt truyện, mạch phim, phát triển nhân vật đều chẳng đâu đến đâu.
Như thể vì quá đầu tư về mặt hình ảnh, Luc Besson đã quên đi việc chăm chút cho cốt truyện. Dường như vì quá yêu thích bộ truyện gốc, ông đã bê nguyên xi những trang truyện lên màn ảnh mà không màn đến việc không phải khán giả nào cũng có niềm đam mê dành cho Valerian như ông. Thay vì lần lượt dẫn dắt để khán giả có thể làm quen với thế giới quá đồ sộ của Valerian, bộ phim vùi dập người xem bằng vô số tuyến truyện liên tiếp xảy ra. Giữa chúng lại thiếu liên kết với nhau, khiến cho Valerian giống như 3, 4 tập phim nhỏ ghép lại với nhau hơn là một câu chuyện hoàn chỉnh.
Bộ phim không có chút cao trào nào. Mọi khó khăn mà 2 nhân vật chính gặp phải đều được họ vượt qua dễ dàng. Chẳng có tình huống hiểm nghèo nào xảy ra để khán giả phải lo lắng cho Valerian và Laurelin cả. Âm mưu của nhân vật phản diện hết cũng hết sức tầm thường, không xứng đáng với quy mô của bộ phim. Công sức khán giả bỏ ra theo dõi hoàn toàn không được đền đáp, tạo nên cảm giác hụt hẫn rất bực mình.
Không những thế, 2 nhân vật chính cũng có vấn đề. Bộ phim không hề giới thiệu cho khán giả Valerian và Laureline là ai, họ là người như thế nào mà cứ thế ép buộc khán giả phải dõi theo cuộc hành trình của họ. Không có chút gì gọi là phát triển nhân vật và khi bộ phim kết thúc, khản giả cũng chẳng biết gì thêm về Valerian và Laureline.
Bên cạnh đó, mối quan hệ tình cảm giữa họ rất kiên cưỡng và thiếu tự nhiên. Không biết có phải vì khác biệt ngôn ngữ nên khi dịch từ tiếng Pháp sang, nhiều câu thoại giữa họ rất sáo rỗng và buồn cười. Hai diễn viên chính phối hợp rất tệ với nhau. Dane DeHaan và Cara Delevingne không thể hiện được tình cảm Valerian dành cho Laureline, vì thế việc chứng kiến 2 nhân vật này liên tục tán tỉnh nhau trở nên vô cùng khó chịu.
Những tên tuổi nổi tiếng như Ethan Hawke, Elizabeth Debicki, John Goodman, Rutger Hauer, Alain Chabat và Herbie Hancock mang đến những nhân vật khá thú vị, nhất là gã ma cô Jolly của Ethan Hawke. Trong khi đó, Clive Owen, Ngô Diệc Phàm và Sam Spruell lại xuất hiện khá nhạt nhòa. Nhân vật phụ có nhiều đất diễn nhất là cô nàng vũ công "Bong Bóng" do Rihanna thủ vai. Dù có màn vũ đạo vô cùng bắt mắt nhưng cô ca sĩ nhanh chóng bộc lộ yếu điểm về măt diễn xuất với gương mặt "không cảm xúc" và những câu thoại cứng đơ.
Dù vậy, bộ phim có một đoạn mở đầu thật sự rất thú vị. Suốt những phút đầu phim, ngoại trừ lời bài hát "Space Oddity" do David Bowie trình bày, không có lời thoại nào được thốt ra. Khán giả được chứng kiến cái bắt tay lịch sử của phi hành gia tàu Apollo của Mỹ và tàu Soyuz của Liên Xô, chấm dứt cuộc chạy đua vũ trụ giữa 2 siêu cường và đánh đấu khởi đầu chương trình hợp tác không gian của nhân loại. Trạm không gian quốc tế ISS ra đời và bắt đầu có nhiều quốc gia tham gia vào chương trình này hơn. Cái bắt tay chào đón mỗi khi có một phi hành đoàn mới gia nhập ISS như một hình ảnh mang tính biểu tượng, đại diện cho hòa bình, hợp tác và hữu nghị và khát vọng hướng tới tương lai của nhân loại.
Bất chợt, một con tàu khổng lồ xuất hiện từ không gian sâu thẳm và cập bến ISS. Ngay trước mắt phái đoàn chào đón của loài người là những sinh vật ngoài hành tinh kì lạ, tò mò trước bàn tay đang chìa ra kia. Cái bắt tay đầu tiên giữa con người và người ngoài hành tinh đã mở ra một chương mới trong chương trình không gian. Càng lúc càng có nhiều người ngoài hành tinh xuất hiện, ISS giờ đây trở thành Alpha, biểu tượng của sự hòa hợp mọi chủng tộc trong vũ trụ.
Trích đoạn đầu phim như một lời tiên đoán về những gì đang chờ đợi chúng ta ở ngoài không gian vô định kia, rằng con người không hề đơn độc trong vũ trụ. Nói không ngoa, ấn tượng mà đoạn mở đầu để lại cho khán giả còn nhiều hơn hẳn những gì toàn bộ thời lượng còn lại của bộ phim làm được.
Nhìn chung, Valerian and the City of a Thousand Planets là một sự kết hợp vụng về giữa kỹ xảo đỉnh cao với cốt truyện hời hợt và nhân vật thiếu chiều sâu. Không biết liệu kế hoạch thực hiện tiếp phần 2 của Luc Besson sẽ đi đâu về đâu nhưng khi nhìn lại, ông vẫn có thể tự hào rằng bản thân đã thực hiện được giấc mơ cháy bỏng thời niên thiếu. Biết đâu chừng Valerian cũng sẽ giống như The Fifth Element khi không được công chúng đón nhận trong lần đầu ra mắt nhưng theo năm tháng lại trở thành một tuyệt phẩm khoa học viễn tưởng?
Theo Muzuco
Bài cùng chuyên mục