Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao ngay cả trong những ngày đông giá rét, những nữ sinh Nhật Bản vẫn mặc những chiếc váy ngắn tới trường chưa. Hãy cùng tìm hiểu lý do khá sâu xa mà không nhiều người biết sau đây nhé.
Nếu để ý tới các tác phẩm truyện, hay phim ảnh của Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nữ sinh thướt tha với bộ đồng phục thủy thủ, váy ngắn áo sơ mi tới trường. Với những ngày hè nóng nực, điều này không quá khó hiểu.
Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao ngay cả trong những ngày tuyết rơi dày đặc, nhiệt độ hạ xuống âm, những nữ sinh Nhật Bản vẫn hồn nhiên mặc những chiếc váy ngắn như vậy tới trường chưa. Hãy cùng tìm hiểu lý do khá sâu xa mà không nhiều người biết sau đây nhé.
Truyền thống tiết kiệm của người Nhật Bản
Chúng ta vốn đã biết, Nhật Bản là đất nước tương đối nghèo nàn về mặt tài nguyên. Và đó cũng là lý do mà sự tiết kiệm đã ăn sâu vào trong tính cách của người Nhật. Họ luôn biết cách vận dụng tối đa những gì mình có một cách chắt chiu và hiệu quả nhất.
Nếu đã từng tới đất nước này, hoặc làm việc với người Nhật Bản thì chắc bạn sẽ hiểu. Đối với họ, thậm chí từng phút giây ngồi không cũng bị coi là lãng phí. Nhờ đó mà hiệu suất công việc của người Nhật luôn nằm trong top đầu của thế giới.
Váy ngắn để tiết kiệm vải mà thôi.
Trở lại những năm tháng trong quá khứ, khi mà Nhật Bản thời phong kiến vẫn còn tương đối lạc hậu, và nhất là đói nghèo. Tài nguyên có hạn khiến cho nền kinh tế Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí ở thời điểm ấy, vải vóc còn được coi là mặt hàng tương đối khan hiếm và quý giá.
Thế nên, những bộ trang phục thiếu vải thời bấy giờ ra đời không nằm trong bất kỳ xu hướng thời trang nào, mà chỉ đơn giản để họ tiết kiệm vải sợi mà thôi. Và đó cũng là nguồn gốc ra đời của những chiếc đồng phục nữ sinh Nhật Bản lúc bấy giờ.
Nữ sinh Nhật đáng yêu trong những bộ đồng phục váy ngắn.
Ngược dòng lịch sử gần hơn chút nữa, chiếc váy ngắn đồng phục đã ra đời tại trường nữ sinh Fukuoka. Ở thời điểm ấy, Nhật Bản bắt đầu tiếp thu những văn hóa của phương Tây, trong quá trình bị các nước đế quốc chiếm đóng.
Và vị hiệu trưởng của trường nữ sinh này, đã tham khảo những chiếc váy đồng phục của người Anh, sau đó rút ngắn chiều dài của váy không nhằm bất cứ mục đích nào khác ngoài tiết kiệm vải sợi và chi phí. Vô tình, những chiếc váy ngắn ấy cũng đã trở thành trào lưu được các trường khác áp dụng sau này, và là một nét truyền thống kéo dài tới tận thời điểm hiện tại của Nhật Bản.
Từ váy ngắn đồng phục cho tới nét truyền thống của người Nhật
Kể từ đó, gần như đa số các trường tại Nhật Bản đều quy định nữ sinh phải mặc váy ngắn khi đi học. Nhưng cũng không một ai cảm thấy phiền lòng với quy định có phần khắt khe này, khi đa phần người Nhật đều hiểu, đó là một trong những cách để họ tiếp nối, và gìn giữ truyền thống từ bao đời nay của mình như một nét đẹp trong văn hóa dân tộc.
Đây thậm chí còn được coi là một nét đẹp trong văn hóa của người Nhật.
Cũng nhờ vậy, mà hình ảnh những nữ sinh thướt tha tới trường trong những chiếc váy ngắn, những bộ đồng phục thủy thủ đã trở thành một thứ gì đó biểu tượng cho xứ sở mặt trời mọc này. Không chỉ dừng ở ý nghĩa là bộ trang phục, những chiếc váy ngắn còn mang ý nghĩa kỷ niệm những ngày tháng thanh xuân, kỷ niệm một tuổi học trò đầy ắp những niềm vui, nỗi buồn và tâm sự tuổi mới lớn của các bạn trẻ.
Bên cạnh đó nữ sinh Nhật Bản còn tin rằng việc mặc váy ngắn sẽ giúp chân dài hơn và trông cao hơn. Họ còn quan niệm rằng đây là phong cách độc quyền chỉ những người trẻ mới được mặc. Đó cũng là lý do mà gần như, đa phần nữ sinh Nhật Bản đều trưng diện váy ngắn tới trường bất kể thời tiết, ngay cả trong những ngày đông giá lạnh.
Theo Tri Thức Trẻ