Tiểu thuyết của Kim Dung đã cùng lớn lên với không biết bao nhiêu thế hệ độc giả trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Á.
Kim Dung trong những năm cuối đời của mình không còn viết sách nữa, và công cũng không thường xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại chúng. Ông đã thật sự đi đến giai đoạn cuối cùng trong cuộc hành trình của mình. Có thể trong tương lai 10, 20 hay nhiều năm hơn nữa thì những câu chuyện của Kim Dung sẽ trở nên xưa của, những nhân vật mà ông đã tạo dựng lên không còn hot đối với giới trẻ nữa, nhưng Kim Dung vẫn sẽ là Kim Dung trong lòng của những người hâm mộ theo năm tháng.
Trong suốt quãng thời gian cầm bút của mình thì Kinh Dung đã kịp hoàn thành tổng cộng 14 quyển tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Hầu hết những tác phẩm đó đều được đặt trong bối cảnh có thật của lịch sử phong kiến Trung Hoa. Ngoài nội dung hấp dẫn, những tình tiết ly kì và nhân vật được xây dựng độc đáo ra, những tác phẩm của Kim Dung còn được cộng đồng cũng như là những nhà phê bình đánh giá cao về triết lý sống và nhân sinh sâu sắc. Đề tài ưa thích của ông chính là về tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ và chủ nghĩa yêu nước cháy bỏng. Xuyên suốt qua 15 tiểu thuyết của ông, có đến quá nửa trong số đó thể hiện được tinh thần này.
Về tư tưởng văn học trong các tác phẩm của mình, Kim Dung luôn coi trọng việc phản ảnh xã hội một cách chân thực là căn bản. Ông không thích lối viết văn hoa với quá nhiều sự mơ mộng và hão huyền. Trong lời tựa của một bộ truyện Lộc Đỉnh Ký phát hành năm 1981, Kim Dung đã viết:
"Có những độc giả bất mãn Lộc Đỉnh ký, vì nhân phẩm của nhân vật chính Vi Tiểu Bảo quá trái ngược với các quan niệm giá trị thông thường. Độc giả tiểu thuyết võ hiệp quen đem mình thay cho anh hùng trong tiểu thuyết, nhưng Vi Tiểu Bảo thì không thể thay được. Trên phương diện này, cướp đi mất niềm vui của bấy nhiêu độc giả, tôi cảm thấy rất có lỗi.
Nhưng nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là người tốt. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, người tốt, người xấu, người tốt có khuyết điểm, người xấu có ưu điểm… đều có thể miêu tả. Việc Trung Quốc thời Khang Hy có loại nhân vật như Vi Tiểu Bảo hoàn toàn không phải là chuyện không có khả năng...
... Nếu nhân vật trong tiểu thuyết trọn vẹn mười phần, thì không thể chân thực. Tiểu thuyết phản ảnh xã hội, trong hiện thực xã hội không có con người hoàn mỹ tuyệt đối. Tiểu thuyết hoàn toàn không phải là sách giáo khoa đạo đức. Có điều người đọc tiểu thuyết của tôi có rất nhiều thiếu niên thiếu nữ, vậy thì cũng nên nhắc nhở với những người bạn trẻ trong trắng ấy một câu: Vi Tiểu Bảo coi trọng nghĩa khí, đó là phẩm đức tốt, còn như những hành vi còn lại, thì ngàn vạn lần đừng nên học theo..."
Tính đến thời điểm tháng 3 năm 2017 thì đã có hơn 98 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung, đây là một con số kỷ lục mà ít có một nhà văn trên thế giới nào có thể làm được. Trong số 15 tiểu thuyết đã phát hành của mình thì có Ỷ Thiên Đồ Long Ký là tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất lên màn ảnh với 14 lần (7 phim điện ảnh và 7 phim truyền hình). Trái với Ỷ Thiên, Phi Hồ Ngoại Truyện lại là tác phẩm chưa một lần được chuyển thể thành phim.
Thời kỳ đỉnh cao nhất của các bộ phim Kim Dung là từ giai đoạn 1980 đến 2000 (61 tác phẩm). Đây là thời kỳ mà điện ảnh Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hồng Kông đã có nhiều bước nhảy vọt lớn. Với nguồn kịch bản "bất tận" từ các tác phẩm chuyển thể của Kim Dung, có thể nói, đây là một trong số những nguồn năng lượng chủ yếu đã thúc đẩy hai nền điện ảnh này tăng tốc mạnh mẽ và thu hút được hàng triệu fan trên toàn Châu Á.
Từ năm 2000 cho đến thời điểm hiện tại thì số lượng những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung đã có dấu hiệu giảm dần (21 phim). Tuy nhiên những bộ phim này vẫn đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển của nền điện ảnh Hoa ngữ. Với việc giới thiệu hàng loạt ngôi sao hạng A đình đám, không quá khi nói rằng, đây như một "lò luyện sao" siêu cấp dành cho màn ảnh Trung Quốc.
Với 98 tác phẩm và gần 4000 tập phim thuộc hai thể loại điện ảnh và truyền hình (chưa tính hoạt hình và các thể loại kịch sân khấu khác), các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã nối lại với nhau như một thước phim dài bất tận mà nếu muốn xem hết, bạn sẽ phải mất 10 năm hoặc nhiều hơn thế.
Ngoài đóng góp lớn lao cho ngành nghệ thuật và giải trí, các tác phẩm của Kim Dung có thể coi là cuốn từ điển nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, bao gồm các lĩnh vực y thuật dân tộc Trung Quốc, châm cứu, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo, các triết học của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, và lịch sử phong kiến Trung Hoa. Cuối năm 2004, nhà xuất bản giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa tác phẩm Thiên Long Bát Bộ vào sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, 3 sử dụng tiếng Trung Quốc.
Sở hữu hơn 300 triệu bản in đã được bán ra (chưa tính các bản lậu), Kim Dung được coi là tiểu thuyết gia người Hoa thành công nhất trong 50 năm trở lại đây. Với những đóng góp của mình, Kim Dung từng được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp (1982), huân chương danh dự OBE của Hoàng gia Anh (1981). Cùng với đó ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai, Hong Kong, British Columbia và tiến sĩ danh dự của đại học Cambridge. Đặc biệt hơn, tên Kim Dung được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), đây là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông – 10/3.
Một lần nữa, bằng tất cả tình cảm, lòng thành kính và sự ngưỡng mộ, xin được tạm biệt và chúc ông yên nghỉ.
Theo Trí Thức Trẻ