Những thói quen chẳng hề đẹp đẽ này đã vô tình khiến cho hình ảnh game thủ Việt nói chung, trong mắt bạn bè quốc tế, trở nên xấu đi một cách trầm trọng
Nếu chỉ tính riêng với cộng đồng game thủ Việt, những yếu điểm, những thói xấu vẫn còn tồn tại trong một bộ phận gamer đã khiến cho nhiều game thủ khác, cả trong nước lẫn nước ngoài cảm thấy phiền phức, thậm chí là bực mình. Những phiền phức này đã vô tình khiến cho hình ảnh game thủ Việt nói chung, trong mắt bạn bè quốc tế, trở nên xấu đi một cách trầm trọng.
Hack cheat
Câu chuyện muôn thuở của game thủ chúng ta chính là nỗi ám ảnh mang tên hack cheat. Ngay cả bây giờ, khi những game online, đặc biệt là game bắn súng sắp ra mắt cũng đang hứng chịu những thông tin vô cùng bất lợi khi phiên bản game nước ngoài cũng đang phải hứng chịu vấn đề tương tự.
Chuyện người chơi sử dụng hack thì dĩ nhiên đâu cũng có, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng không nơi nào mà người chơi game online lại tiếp tay cho hack như ở nước ta. Cộng đồng gamer trẻ tuổi, hầu hết chưa có suy nghĩ đủ chín chắn (thậm chí còn chưa đủ độ tuổi vào game) rất hay muốn tìm cách hack game, đơn giản chỉ để chứng tỏ bản thân
Lấy ví dụ một trận đấu, khi một game thủ phe bên kia sử dụng hack, cheat, đương nhiên những gamer ở đội còn lại sẽ phát điên vì sự không công bằng này, và tìm cách kick hacker kia ra. Vấn đề lại nảy sinh khi đội chơi có game thủ sử dụng hack, vì muốn có một trận thắng nhanh chóng, sẽ chẳng dại gì mà vote kick “con bò” đang cày giúp cả đội mình.
Văng tục, blame đồng đội
Một bộ phận không nhỏ game thủ Việt chơi DOTA 2, Liên Minh Huyền Thoại hay một vài tựa game online nước ngoài khác đã phải ngán ngẩm nhận xét, rằng đôi lúc game thủ ngoại còn vô văn hóa trong cả giao tiếp lẫn ứng xử trong game so với chúng ta. Lấy ví dụ: Nếu bạn chơi kém, ngay lập tức bạn sẽ nhận được những cụm từ không mấy hay ho mà những game thủ tự nhận mình là giỏi hơn dành tặng cho bạn.
Thế nhưng, nếu so sánh như vậy liệu có phần nào đánh giá thấp những game thủ Việt, cụ thể hơn là những người có ý thức cao trong những tựa game online từ trong nước tới quốc tế? Chúng ta có thể kết lại vấn đề: Cộng đồng game thủ nào cũng có sâu, có thể ít, cũng có thể nhiều. Thế nhưng hãy dùng chính ý thức của chúng ta để những con sâu này không trở thành bộ mặt của cả một cộng đồng game thủ.
Chính việc... bị ăn chửi đã khiến cho phần lớn game thủ trở nên bực bội, cáu gắt khi không thể "thỏa mãn" được ý đồ của mình khi chơi game, qua đó dẫn đến việc chửi tục, chửi thề với lý do để giải tỏa hay giảm stress. Dần dần nó sẽ trở thành một thói quen, một câu cửa miệng khó bỏ gây mất thiện cảm với những người xung quanh trong lúc chơi game hay kể cả là cuộc sống hàng ngày.
Xài game crack
Có thể nhận ra một điều cực kỳ rõ ràng rằng Việt Nam của chúng ta (vị trí phía trên vạch 80 trục tung) dù rằng có chỉ số IQ bình quân lên tới 95 nhưng tỷ lệ sử dụng phần mềm, và trong đó là cả game crack ăn cắp bản quyền vẫn ở mức 80%. Đối với bất kỳ nhà phát triển phần mềm cũng như nhà phát triển game nào, đây là một con số khiến không ít người phải giật mình.
Phải khẳng định một điều, để tiếp cận với game PC, game thủ cần phải có tiền. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta được theo dõi trên các trang tin tức game, hay những group Facebook nơi nhiều game thủ Việt kiêm những người đam mê phần cứng máy tính đỉnh cao tụ họp, chúng ta sẽ chẳng khó khăn gì để được diện kiến những cỗ máy tính chơi game xịn, cấu hình khủng khiếp cùng những món đồ chơi gaming gear cao cấp mà nhiều game thủ nước nhà chỉ dám mơ ước và ngắm nhìn từ xa vì mức giá rất khó tiếp cận.
Chắc chắn một điều, những người dám bỏ cả chục, thậm chí cả trăm triệu mua máy tính chơi game không hề thiếu tiền. Thế nhưng điều ngược đời lại nằm ở chỗ, mua máy tính đắt tiền như vậy để... tải game crack về thưởng thức, để "đo đạc" xem cỗ máy tính chơi game của bản thân mình mạnh tới cỡ nào. Ấy mới là điều đáng đề cập.
Có những người sở hữu máy tính cà tàng, card đồ họa chỉ GTX 650 nhưng vẫn sẵn sàng mua key bản quyền Overwatch để thưởng thức cùng bạn bè và cộng đồng, chỉ cần cỗ máy của họ chạy được game. Chính những con người mà tôi từng được gặp như thế này dẫn tới một kết luận rằng, chúng ta sau một thời gian chung sống với crack, đã không thể nào từ bỏ được nó, dù có cãi nhau, bảo vệ lập trường tới đâu đi chăng nữa.
Ích kỷ
Đây là tật xấu khiến cho không ít trận đấu của game thủ bị phá hoại. Thay vì phối hợp đồng đội, rất nhiều game thủ lại thích chứng tỏ khả năng của bản thân bằng cách… solo. Thế nhưng đời thì không như là mơ, những lần solo này thường khiến game thủ nhận được thất bại cay đắng và khiến cho cả đội mất đi một vị trí cần thiết.
Thêm vào đó là bản tính ích kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều game thủ Việt khi ra chơi tại server nước ngoài cảm thấy cực kỳ xúc động mỗi khi được một người lạ mặt buff máu hộ, chỉ dẫn cách chơi hộ mà không hề đòi hỏi gì. Điều này là rất bình thường với làng game thế giới nhưng lại quá xa xỉ đối với cộng đồng tín đồ ảo nước nhà.
Suy nghĩ "mạnh ai nấy sống" đã ăn sâu vào game thủ Việt đến nỗi họ tranh giành nhau cả những bãi train, sẵn sàng lao vào ăn hôi một con boss mà không đếm xỉa gì tới công sức của người khác. Nhân vật với cấp độ thấp luôn bị đối xử ác nghiệt, thậm chí có trường hợp bang chủ của một bang hội mà còn cuỗm tiền của cả bang rồi chạy mất.
Chính vì tính cách trên nên gamer ngoại rất ngại ngùng khi thấy một người Việt xin vào guild, họ sợ cái tâm lý chỉ nghỉ đến mình, mà điển hình là chuyện thả phanh chat, spam trên kênh chat bằng tiếng Việt mà chẳng cần nghĩ gì tới người xung quanh.