Những tựa game có thể “phá vỡ bức tường thứ tư” không khác gì Deadpool
Trong năm 2017, chúng ta đã từng chứng kiến gã lính đánh thuê lắm mồm Deadpool nói chuyện trực tiếp với khán giả, thậm chí là trong hồi ức của hắn. Còn trong thế giới game thì sao?
Trong khi khái niệm “Phá vỡ bức tường thứ tư” đã từng được gã lính đánh thuê lắm mồm Deadpool thực hiện khá tốt trong bộ phim cùng tên được chiếu vào đầu năm ngoái, nó cũng đã từng xuất hiện trong một số tựa game, với những cách kì lạ khác nhau. Những tựa game được liệt kê bên dưới không chỉ thừa nhận sự tồn tại của người chơi, mà còn sử dụng những cơ chế và công nghệ trong game để hoàn toàn điều khiển những kì vọng của game thủ, khiến họ phải đặt câu hỏi đâu là game, và đâu là thực tại. Hãy cùng điểm qua xem những tình huống nào đã khiến người chơi phải ít nhiều băn khoăn trong quá trình chơi.
Psycho Mantis đọc tâm trí của bạn trong Metal Gear Solid
Trong khi Metal Gear Solid không phải tựa game đầu tiên phá vỡ bức tường thứ tư, sự vận dụng những mẹo của nó và trận đấu trùm với Psycho Mantis đã khiến nó trở nên đáng nhớ. Là một gã tội phạm tâm lý mạnh mẽ đến mức đáng kinh ngạc, Psycho Mantis điều khiển tâm trí của Solid Sanke, khiến cho màn đấu trùm trở thành một bài kiểm tra về suy nghĩ … bên ngoài chiếc đĩa. Bằng việc đọc thẻ nhớ của bạn, Psycho Mantis có thể bình luận về những tựa game bạn từng chơi qua, khiến người chơi cảm giác như bản thân là một nhân vật trong thế giới game.
Psycho Mantis có thể mô phỏng toàn bộ chiêu thức của Snake, khiến nó trở nên không thể bị đánh bại, trừ khi người chơi có thể ngăn cản hắn đọc tâm trí mình - bằng cách cắm bộ điều khiển vào cổng của người chơi thứ hai. Metal Gear được biết đến vì những khoảnh khắc phá vỡ bức tường thứ tư khá ngẫu nhiên, nhưng đánh bại Psycho Mantis phụ thuộc vào những hành động được thực hiện bên ngoài game, khiến nó trở thành một trong những game có những khoảnh khắc đó ấn tượng nhất.
The Secet of Monkey Island tự nhận xét giá của game
Bất kì tựa game nào do Tim Scafer thực hiện đều có một sự hài hước, và không đâu thể hiện rõ nét bằng The Secret of Monkey Island của LucasArts phát hành. Game chứa đựng rất nhiều mối liên hệ đến những tựa game khác của hãng như Grim Fandago và LOOM, và các nhân vật của game cũng có những lời thoại kì quái liên quan đến … giá tiền của các tựa game. Nhiều hơn một lần, các nhân vật sẽ nhận xét về mức giá quá cao của game, nói rằng họ cảm thấy như bị xé ra, và, trong khi nhìn vào camera trong game, còn nói họ tưởng tượng rằng người xem cũng cảm thấy tương tự.
Điều này thậm chí còn đi xa hơn nữa - lần đầu tiên Guybrush Threepwood nhìn thấy Monkey Island, anh ta nhận xét rằng nó “rất đáng giá 59.95 đô-la cộng thêm thuế!”. Chưa kể ở giai đoạn cuối game, người chơi có thể lựa chọn từ các tùy chỉnh đối thoại để nhân vật chính Guybrush cho biết bạn không bao giờ nên trả quá 20 đô-la cho một tựa game. Có lẽ đó là điều mà nhiều người sẽ cảm thấy đồng tình.
Khí ga của Scarecrow tiết lộ cơn ác mộng của game thủ trên Xbox 360
Mỗi game thủ đều sống trong nỗi lo sợ về những lỗi có khả năng phá vỡ game của mình. Với các game thủ Xbox 360, giai đoạn những chiếc máy này xuất hiện Red Ring of Death (Vòng tròn đỏ chết chóc) chắc chắn được xem là “đen tối” nhất, khi một lỗi đồ họa có thể khiến cho toàn bộ chiếc máy bị hỏng. Batman: Arkham Asylum biết điều đó, và đã tận dụng nó để tạo nên một trong những khoảnh khắc phá vỡ bức tường thứ tư tuyệt vời nhất - khi Batman dính phải hơi ga của Scarecrow, những điều lạ lùng bắt đầu xuất hiện.
Trong một số trường hợp, game sẽ bắt đầu trải qua những lỗi đồ họa, khiến người chơi có cảm giác đã xảy ra vấn đề với chiếc máy của mình, làm nhiều người tin rằng chuẩn bị phải chứng kiến Vòng tròn đỏ chết chóc. Khi game được khởi động lại với một khởi đầu được tùy chỉnh - lần này với Joker đang áp tải Batman vào Arkham Asylum - những người chơi có thể thở phào nhẹ nhõm. Cho dù vậy, khí ga sợ hãi gây ra những lỗi đồ họa vẫn cho thấy dường như Batman không phải là người bị ảnh hưởng, mà chính là người chơi.
Nhìn lén Lara Croft trong Tomb Raider 2
Trong khi Lara Croft có thể là một nhà khảo cổ học đam mê phiêu lưu, chắc chắn cô được biết đến nhiều hơn nhờ vào ngoại hình của mình. Những tựa game Tomb Raider đời đầu đã mô tả cô như một cô gái … ngực bự, thường xuyên mặc quần ngắn, với vòng eo nhỏ đến mức đáng kinh ngạc, dẫn đến việc Lara Croft được xem xét là biểu tượng “sex” đầu tiên của thế giới trò chơi điện tử. Mặc dù những người tạo ra Lara nhấn mạnh việc họ muốn tạo ra một nữ anh hùng trong trò chơi điện tử được biết đến vì sự lạnh lùng như nam giới, nó cũng không thay đổi sự hấp dẫn trên cơ thể của cô, vì thế họ quyết định giải quyết mối quan tâm đó trong Tomb Raider 2.
Ở phân đoạn cuối game, sau khi Lara hạ gục một loạt kẻ thù, cảnh game cắt qua tới đoạn Lara ở trong phòng tắm, dần kéo chiếc khăn tắm của mình lên cho đến khi chạm tới mặt của cô. Mặc dù trông có vẻ như cô chuẩn bị thả nó xuống và bước vào bồn tắm, Lara bỗng nhìn vào camera, cầm súng lên và hỏi “Anh không nghĩ mình đã thấy đủ rồi à?” trước khi bắn vào màn hình và kết thúc game. Mặc dù seri game Tomb Raider đã điều chỉnh lại tỷ lệ cơ thể của Lara, khoảnh khắc đó vẫn cực kì ấn tượng, nhằm vào những người chơi tập trung vào cơ thể Lara Croft hơn là gameplay.
Khởi động lại "Danger Room" trong game X-Men
Trở lại những ngày mà phần lớn game đều được chơi theo phong cách Arcade, tức là không có lưu game, và khởi động lại cỗ máy chơi game của bạn lúc đang chơi dở là thứ gì đó mà bạn chỉ làm khi đã thật sự quá chán nản, vì một nút bấm sẽ biến toàn bộ nỗ lực của bạn thành công cốc. Và đó là tình huống của tựa game X-Men, với bối cảnh chính của game là căn phòng Danger Room tại Học viện Dị nhân của Giáo sư X. Đây là một căn phòng dùng để giả lập các tình huống nguy hiểm, cho các dị nhân rèn luyện kĩ năng của mình. Khi một con virus máy tính bẫy họ mắc kẹt trong phòng, họ chỉ có thể chiến đấu vượt qua các thử thách cho đến khi vô hiệu hóa con virus.
Game vốn được biết đến với độ khó của nó, đặc biệt trong màn chơi “Mojo’s Crunch”, khi người chơi được bảo họ cần phải khởi động lại chiếc máy chơi game mà không có hướng dẫn làm điều đó. Câu trả lời? Chính là nhấn nhẹ nút khởi động trên chiếc máy họ đang chơi - nhấn nó quá lâu sẽ dẫn đến việc game thật sự khởi động lại, và toàn bộ tiến trình chơi sẽ bị mất. Để kết thúc sự bạo lực và khó khăn do con virus gây ra, người chơi phải khởi động "nhẹ" chiếc máy của họ - một phương pháp thú vị làm tăng thêm sự căng thẳng của người chơi, khiến họ có cảm giác như mình đang ở trong Danger Room vậy.
Đó là những cái tên tiêu biểu trong nghệ thuật “phá vỡ bức tường thứ tư”, để nhân vật do người chơi điều khiển thật sự tương tác với người chơi. Nếu không tính đến trường hợp Deadpool tự mình nói chuyện với người chơi trong tựa game của mình, thì các tình huống kể trên cũng vô cùng thú vị. Liệu bạn còn khám phá ra những khoảnh khắc nào khác không?
Nguồn: Tổng hợp
Bài cùng chuyên mục