Tâm thư đầy hoài niệm của 1 game thủ từng gắn liền với hệ Máy Playstation

Tản mạn buồn vui về kỉ niệm tuổi thơ qua từng hệ máy Playstation

Cùng quay ngược thời gian, trở về đầu những năm hai ngàn. Thời ấy, nhà ai sở hữu một chiếc máy Famicom hay Sega là đã thuộc hàng tay to, trở thành anh đại của cả xóm. 7-8 cái đầu trẻ con xúm vào một màn hình lồi bé tí trầm trồ xem các đại ca thể hiện “phá đảo” Contra không mất mạng, rồi những kèo speed run Mario đầy kịch tính, cho đến những chiếc Gameboy thượng đẳng mà chỉ có những thằng nhà thuộc diện rất có điều kiện thời bấy giờ mới có cơ hội sở hữu. Tất cả đều điên đảo vì những chấm pixel đầy màu sắc cho đến cái ngày mà những quán game Play Station và Console thi nhau mọc lên như nấm.

Image may contain: 3 people, people sitting

Bắt đầu với đợt càn quét của hệ máy PS1 với cái giá 1000đ một tiếng. 1000đ thời ấy là được chục bi hay hai cái bánh rán, nói chung là giá trị khó có thể miểu tả bằng lời. Nhưng cái khó ló cái thảm hại nên anh em thường khôn ngoan lựa chọn gói 500đ nửa tiếng cho hợp với túi tiền, hoặc… “Lưỡng Long Nhất Thể” với một hommie nào đó (kể cả éo quen) để có thể dành ra cả tiếng đồng hồ giải ngố.

Chính vì giới hạn về thời gian và tiền bạc - 500đ ngày xưa cũng mua được cả gói xôi, hoặc 2 goi ô mai giun. Dù là 500đ hay 1000đ thì nên có tiêu hay không cũng là cả một vấn đề lớn cần suy được nghĩ một cách nghiêm túc. Sau khi đã hạ quyết tâm và giải quyết được bài toán tâm lý, câu chuyện lại bẻ lái sang hướng khác. Giờ cả hai thằng cùng góp tiền thì thỏa thuận một game để cay chung cũng là một vấn đề không đơn giản. Ngày ấy số lượng game tại một hàng PS phải lên đến hàng trăm. Nào là “Rambo Lùn”, “Tam Quốc Chí”, “Khủng bố hành tinh” hay niềm vui bất tận với “Đua xe thú”. Những ngày tết nhất dư giả (giấu được ít tiền lì xì trước khi bị mommy vay đểu) anh em còn mạnh tay thêm mỗi máy 500đ để thuê thẻ nhớ lấy vũ khí ẩn, xe rồng ẩn, bla bla… Nói chung là kì diệu và bí ẩn không tả xiết.

No automatic alt text available.

Trước chiến thắng vang dội của PS1, những hệ máy khác cũng không bỏ qua cơ hội chen chân vào mảnh đất màu mỡ với những ưu thế riêng vô cùng đa dạng. Như chiếc N64 với đồ họa 3D sống động đến mức cả xóm quên cả đua xe gà và chuyển qua giải quyết ân oán cá nhân trong Smash Bros. Cái cảm giác được vặn cổ, chặt đầu những nhân vật thân thương như Link hay Pikachu còn gì thú vị bằng, những cú hạ sát đầu tư thù và ân oán khiến cho lũ trẻ trong xóm giận nhau như chiếu tối cho đến buổi liên hoan xác thịt tiếp theo trong đấu trường Nintendo đẫm máu. Tưởng chừng như đồ họa 3D ở mức độ này đã là đỉnh cao của đồ họa PS1 và “Đua xe thú” dần bị lấn áp và lãng quên. Khi mà N64 với đồ họa vựa trội tưởng như đã chiếm ghế độc thì những ngôi sao phá hoại tình bạn mới lại nối đuôi nhau xuất hiện cùng với một hệ máy đầu sức mạnh khác.

PS2 xuất hiện. Hung bạo, cuồng loạn, không thể cản phá. Với sức mạnh đồ họa lẫn với số lượng game khủng khiếp đồng nghĩa với việc giá thành cũng không hề phải chăng- 2000đ một tiếng. Cái giá của cuộc chơi đã thay đổi khiến cho bữa sáng nay đã trở thành cái gì đó vô cùng xa vời. Cũng bởi gói xôi hay cái bánh mình cũng đâu có sức mà sánh vai với “Võ đài đẫm máu” hay “Cảnh sát đặc nhiệm”, cái chổi của mommy cũng không thể cản được “Cáo ranh ma” hay “Biệt đội diệt quỷ” và nhất là không gì có thể so sánh được với sức mạnh của “Chiến Thần Ka Ra Tốt”. Tuổi thơ cứ thấm thoát qua đi cho đến ngày PC đổ bộ, nhấn chìm những kí ức tuổi thơ.

Image may contain: fire, text and food

Tiệm PS so với tiệm net lúc bấy giờ giá thành thường là ngang ngửa hoặc đắt hơn, nhưng ra tiệm net thì thực sư đem lại vô vàn option để giải trí. Nào là nghe nhạc, xem phim, nào là bắn “Háp lai”, đánh “Đế chế” rồi còn bắn “Găn bâu”, cày “Mờ u” rồi rảnh tay thì đi đánh nhím với các cao thủ “Võ Lâm”. Khi đã hết trò thì còn có cũng có thể ra net kiếm tư liệu để học ở những trang web luyện thi mà giang hồ đồi đại như “thiedia.com”, rồi thì “thudam.com” hoặc muốn học ngoại ngữ thì “lauxanh.us”. Nói chung là đáp ứng đủ mọi nhu cầu về tâm sinh lý của những cậu bé mới nhớn thời bấy giờ. Hơn nữa với sự xuất hiện của những hệ máy cầm tay tiện lợi như PSP hay DS càng khiến những cỗ console lỗi thời dần lép vế trước sự da dạng của thế hệ mới.

Dần dà, những vị chủ quán PS cũng chấp nhận thất bại trước sức cạnh tranh khủng khiếp của PC và những hệ máy handheld khác. Không những thế càng về sau, game trên hệ máy PS3 hay PS4 càng đánh vào lứa tuổi trưởng thành cũng như không còn quá mặn mà với những game hỗ trợ nhiều hơn một người chơi. Thay vì mở rộng list game thì họ tập trung nhắm vào lượng game thủ trung thành với môn thể thao vua và cũng là một trong số ít những game mà người chơi còn có thể chơi trực tiếp cùng bạn bè qua hệ máy PS. Đánh dấu cái ngày mà những quán game console dần bị coi như máy chơi game đá bóng Pes. Nhờ có bước tiến hợp thời này mà những quán PS mọc lại nhiều như nấm… Nhưng cũng là những quán “PES” chứ không còn là được biết đến với cái tên PS quên thuộc như xưa kia.

“Ở Việt Nam thì chính xác phải gọi là quán “Pes” chứ ai gọi Play Station. Ra đấy ngoài đá Pes ra thì còn làm gì nữa mà chẳng không gọi là quán Pes?” 
- “Somebody I used to know.”

Đã không còn những ngày phải kì kèo với bạn bè xem hôm nay chơi game gì hay chơi tầm bao lâu nữa vì những cậu bé khi xưa đã lớn, không cần phải kì kèo nhau từng đồng nữa và lựa chọn giải trí cũng vô cùng đa dạng càng khiến cho người ta quên đi cái thời đại hoàng kim độc bá của console. Cái ngày mà những chiếc máy PS không chỉ là máy đá Pes.

Thấm thoắt cũng đã 10 năm, cái ngày mà Steam bắt đầu cập bến. Nhờ vào sức hút và những gói trợ giá đến từ Đức Thánh Gaben mà dân ta bắt đầu được xóa mù chữ và nhận thức được những đặc quyền của việc mua game bản quyền. Với thói quen mua game bản quyền bắt đầu được nhem nhóm, những cậu bé giờ đã trưởng thành công ăn việc làm, ăn bám gia đình ổn định bắt đầu nghĩ đến việc tìm lại tuổi thơ. Tất cả đã mang đến sự trở lại của cộng đồng game Console cũng như nhanh chóng đuổi kịp theo xu thế chung của cộng đồng game thế giới.

Giờ đây, trong những quán “Pes” đây đó cũng có thể xuất hiện vài tựa game kinh điển như “Bloodborne”, “God Of War” hay những game mới cứng như “Red Dead Redemption” cũng không bỏ qua cơ hội chen chân phô diễn khả năng tại những buổi offline cộng đồng đầy ý nghĩa.

P.S. Dù không thể sánh được với thời đại hoàng kim nhưng với những bước chuyển mình chắc chắn như hiện nay thì trong tương lai không xa, sẽ có ngày quán “Pes” sẽ lại một lần nữa trở thành nơi để các game thủ có thể túm năm tụm ba, thưởng thức những tựa game cho mọi lứa tuổi như những ngày xưa ấy.

Nguồn: Trần Bình.

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang