Bạn có nằm trong số những người ủng hộ series truyền hình này bằng cách xem nó trên truyền hình?
Bạn có không xem Game of Thrones thì chắc hẳn, bạn cũng bị những người nghiện xem loạt phim truyền hình ăn khách này (như tôi) giảng giải về những nhân vật, những mối quan hệ và những sự kiện đẫm máu diễn ra trong phim. Nếu bạn không xem Game of Thrones, bạn vẫn bị bao quanh bởi vô vàn những người có xem, và điều đó cho thấy sức lan tỏa của nó lớn tới mức nào.
Lớn tới mức nó được “vinh danh” là show truyền hình được “xem lậu, tải lậu” nhiều nhất từ trước tới nay.
Tập đầu tiên của mùa thứ Bảy được tải về hoặc được xem lậu tổng cộng 15 triệu lần tại Mỹ, 6,3 triệu lần tại Anh, theo số liệu mà Công ty công nghệ chống việc sao chép bất hợp pháp MUSO cung cấp. Nếu như con số này mà có thật, thì số lượng những người theo dõi series phim này tại Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều con số 16,1 triệu người mà HBO đưa ra.
Hiển nhiên là điều này vô cùng bất lợi với HBO, khi mà họ bỏ ra tới 6 triệu USD để sản xuất mỗi tập phim. Ba con rồng, những con Sói Lớn – Dire Wolf, những Bóng Trắng – White Walker đều cần kĩ xảo máy tính động tay vào. Đó là những công đoạn tốn kém và đáng lẽ HBO phải kiếm được lời, vô số lời từ khoản đầu tư ấy. Đây cũng là sự bất lợi mà những hãng phân phối Game of Thrones khác như Sky Plc tại Anh hay Orange SA tại Pháp gặp phải: họ chi tới 10 triệu USD một năm để được sở hữu bản quyền loạt phim ăn khách này.
Hãng phân phối phim truyền hình Sky đưa ra con số báo cáo rằng vào ngày chính thức phát sóng tập đầu tiên của mùa Game of Thrones này, có tổng cộng 2,8 triệu người ngồi xem trước màn hình, dự kiến sẽ lên tới 4 triệu người khi những người lỡ mất buổi chiếu đầu tiên có thời gian xem lại. Công ty MUSO tính ra rằng có tới 6,25 triệu người Anh đã tải lậu/xem lậu tập đầu tiên này. Và hiển nhiên là bất kì ai đã tải lậu/xem lậu rồi thì sẽ chẳng có nhiều lý do để mà đăng ký gói dịch vụ hàng tháng của nhà cung cấp phim.
Ánh mắt buồn của một White Walker khi biết phim mình đóng bị xem lậu.
Rõ ràng là vấn nạn “phim lậu” khiến ngành truyền hình bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng họ không phải là lĩnh vực duy nhất bị việc hàng lậu hay vẫn đề ăn cắp bản quyền tấn công. Đơn cử như ngành bán lẻ thiệt hại nhiều tỷ USD mỗi năm với những sản phẩm giả, lậu, “fake 1” cho tới “fake n” tràn lan trên thị trường.
Có lẽ, để có thể có lợi nhất cho mình, ngành công nghiệp giải trí qua phương tiện truyền hình này phải giải quyết vấn đề với những nền tảng phim trực tuyến lớn mạnh, ổn định và tuân thủ luật pháp, chứ chạy theo những trang online nhỏ lẻ để “đòi tiền bản quyền” thì quả thật là hết hơi. Một phép so sánh rất hay mà trang tin Bloomberg đưa ra: những ông chủ của ngành truyền hình không thể ra trận chiến đấu với một kẻ thù vô hình mà không hề hay biết kích cỡ, sức mạnh và tiềm lực của đối phương.
Đây chính là lỗi lầm mà ngành công nghiệp âm nhạc đã mắc phải hồi năm 1990, khi ngành này đã cố gắng kiện những công ty nhạc trực tuyến nhỏ lẻ với tội ăn cắp nhạc và nỗ lực đối đầu với những trang web chia sẻ nhạc miễn phí như Napster – một cuộc chiến tốn kém nhưng chẳng đem lại kết quả gì cho toàn bộ ngành công nghiệp âm nhạc vốn vẫn đang trì trệ. Toàn ngành đã không thể được cứu, cho tới khi những nền tảng chia sẻ nhạc có bản quyền, hợp pháp xuất hiện – đó là những Spotify, Apple Music, ...
Những ông lớn điều khiển ngành truyền hình cần phải rút ra được bài học, từ chính ví dụ về ngành âm nhạc mới xảy ra cách đây vào năm. Họ cần phải nhắm tới những đối tượng sẵn sàng trả tiền cho một sản phẩm tuyệt hảo, và họ cũng phải làm ra được một sản phẩm tuyệt hảo để thỏa mãn nhu cầu của những vị khách ấy.
Có thể, điều đó sẽ đồng nghĩa vưới việc họ phải tạo ra những sản phẩm rẻ hơn, với những mức giá “dễ thở” hơn để giới trẻ có thể mua được. Đã có những ví dụ thành công đầu tiên với cách tiếp cận này, đó chính là HBO Now – một dịch vụ chiếu phim trực tiếp trên nền tảng web, cho phép người dùng bỏ qua hoàn toàn việc lắp cáp lằng nhằng và bất tiện. HBO Now tăng trưởng bù đắp được số lỗ phát sinh từ việc người ta không còn đăng ký truyền hình hàng tháng nữa. Chính HBO Now đã khiến thu nhập của HBO tăng 4,9% - tương đương với 5,9 tỷ USD hồi năm ngoái.
Tuy vậy, không thể làm ngơ trước vấn nạn “hàng lậu” đã và đang giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp truyền thông. Hãng cung cấp dịch vụ Sky bỏ ra tiền tỷ để sở hữu giải Ngoại hạng Anh, nhưng số lượng người xem đang giảm một cách đáng kể. Một trong nhiều lý do có lẽ là tới từ những dịch vụ xem trực tiếp trái phép, tuy nhiên không thể chỉ đổ lỗi cho việc này được. Và hiện tại, nhà phát hành cũng đã tiến hành phạt những đơn vị cấp phát dịch vụ trái phép.
Nhưng tiến bộ nhất và đáng chú ý nhất, đó là họ đã học được từ cái ví dụ về nền công nghiệp âm nhạc kể trên: họ khiến cho những sản phẩm của mình rẻ hơn và có vẻ ngoài hấp dẫn hơn với những người thường xuyên xem phim lậu. Họ có những gói chương trình thể thao hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng, cung cấp thông qua hệ thống Now TV chạy trên nền tảng web.
Người hâm mộ của từng bộ môn thể thao riêng rẽ có thể mua gói truyền hình chỉ bao gồm duy nhất môn thể thao đó thôi. Ví dụ, một người yêu thích đua xe có thể mua kênh Công thức Một của Sky với giá 18 pounds một tháng (khoảng 538.000 vnđ).
Hiện tại thì chưa rõ, những nhà phát triển và phát hành Game of Thrones sẽ đi theo hướng nào: cố gắng chiếm lấy cảm tình của những người ủng hộ, của nhân dân như cách Jon Snow hay mẹ rồng Daenerys Targaryen thực hiện, hay cố gắng kiểm soát mọi thứ bằng sức mạnh như Cersei Lannister. Nhưng rõ ràng rằng, như bạn thấy trong phim (nếu như bạn có xem), cách thức của Jon Snow hay Danny khôn ngoan hơn, có lợi về lâu dài hơn nhiều.
MUSO chú thích rằng thông số được công bố dựa trên lượng traffic thu về được từ 200 triệu thiết bị của 200 nước, và số lượt visit của 23.000 trang chứa “hàng lậu” nổi tiếng. Tuy vậy, con số trong biểu đồ vẫn mang nhiều tính ước lượng.
Theo Genk