Xếp hạng 10 bộ phim của Christopher Nolan
Nếu đặt tất cả 10 bộ phim của Christopher Nolan lên bàn cân, thì tác phẩm nào sẽ là chiến thắng?
Nhân dịp tác phẩm thứ 10 – Dunkirk ra mắt, chúng ta hãy cùng làm phép so sánh các phim của Nolan với nhau. Bài viết có tham khảo thông tin từ IMDb, Metacritic cùng nhiều bảng xếp hạng của các cây bút quốc tế. Nhưng thứ tự xếp hạng hoàn toàn là đánh giá cá nhân.
10. Insomnia (2002)
Danh sách này không có phim dở (chắc chắn rồi) nhưng sẽ có một phim đáng quên. Và đây chính là cái tên đó. Sau khi gây chú ý với Memento, Nolan có cơ hội thực hiện tác phẩm dài thứ 3 cùng bộ sâu diễn viên đoạt giải Oscar là Hilary Swank, Al Pacino và Robin Williams. Phim làm lại từ bản phim năm 1997 của Na Uy.
Điểm IMDb: 7,2 và Metascore: 78
Nội dung phim xoay quanh một viên thanh tra mắc chứng mất ngủ, bị ám ảnh bởi sự mơ hồ trong quá khứ và nỗ lực truy tìm một tên giết người. Phim có nhiều cảnh quay tốt, truyền tải thành công bầu không khí rùng rợn, bí hiểm. Thế nhưng việc thiếu tiết chế trong khắc họa nhân vật chính cùng khá nhiều cảnh quay thừa thãi làm cho Insomnia trở nên dài dòng. Khán giả thay vì trở nên “mất ngủ” vì phim lại thành ra “ngủ quên” khi theo dõi câu chuyện có tiết tấu chậm chạp và u tối này.
9. Following (1998)
Một nhà văn trẻ túng quẫn với sở thích quái gở là theo dõi những người lạ mặt trên đường phố Luân Đôn để tìm nguồn cảm hứng. Bộ phim trắng đen này là tác phẩm dài đầu tay của Christopher Nolan với kinh phí chỉ vọn vẻn 6.000 USD. Phim hội tụ rất nhiều yếu tố mang phong cách Nolan: câu chuyện phi tuyến tính, những nhân vật có tâm lý phức tạp và một kết thúc bất ngờ.
Điểm IMDb: 7,6 và Metascore: 60
Với tư cách là phim mở đầu sự nghiệp, Following là tác phẩm đáng nhớ. Nhưng so với các phim “đàn em” sau này, Following có nhiều mặt không hoàn thiện. Điều này có thể lý giải do sự hạn chế về mặt kỹ thuật vì kinh phí thấp và nhất là, sự thiếu kinh nghiệm của Nolan.
8. The Dark Knight Rises (2012)
Ngay cả Chrisopher Nolan cũng không thể tránh khỏi “lời nguyền phần 3” vẫn ngầm tồn tại trong các phim bom tấn Hollywood. Không đến mức thảm họa như Sam Raimi với Spider-Man 3 nhưng The Dark Knight Rises thực sự là phần kém nhất trong trilogy Batman danh tiếng mà Nolan tự gầy dựng.
Điểm IMDb: 8,5 và Metascore: 78 cùng 1,085 tỷ USD doanh thu.
Nội dung phim bị cho là quá ôm đồm, không kế thừa những di sản để lại từ hai phần trước mà chỉ xoáy vào nỗi đau khổ vô tận của Bruce Wayne khi chứng kiến Gotham sụp đổ. Xuyên suốt phim ngập tràn sự khủng hoảng, bất ổn được xây dựng gượng ép cùng một kế hoạch xấu xa được truyền tải vụng về. Dù vậy, không thể phủ nhận sự kỳ vọng quá cao của khán giả sau một The Dark Knight xuất sắc cũng khiến cho bộ phim phải nhận nhiều sự chỉ trích hơn bình thường.
7. Interstellar (2014)
Đây là một trong những trải nghiệm không gian hùng vĩ, choáng ngợp và chân thật nhất từng được tạo ra trên màn ảnh rộng. Khá nhiều lý thuyết về thời gian, không gian được cài cắm trong phim nhưng lại thiên nhiều về rao giảng, phô bày suông khiến người xem khó mà tiếp thu hết trong hơn 169 phút.
Điểm IMDb: 8,6 và Metascore: 74 cùng 1 giải Oscar về Hiệu ứng hình ảnh.
Interstellar còn là một bộ phim tham lam của Nolan khi ông cố nhồi nhét nhiều khái niệm trừu tượng trong mô tả vũ trụ, rồi lại dùng nó để làm bối cảnh cho một câu chuyện về tình thân, kèm một chút suy tư về sự tồn tại của con người giữa các hành tinh.
Bỏ qua những tranh cãi về lý thuyết khoa học áp dụng trong phim, sự xuất hiện có phần thừa thãi của các nhân vật (đặc biệt là Matt Damon), Interstellar vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả về một câu chuyện gia đình cảm động. Phim là câu chuyện về cha mẹ với con cái, về nỗi sợ hãi của việc ra đi cũng như làm sao để cân bằng giữa giấc mơ và nỗi lòng của những người yêu dấu. Những phân đoạn đối thoại giữa hai cha con Cooper và Murphy đem đến sự công nhận khác dành cho Nolan trong việc kể chuyện: khả năng tạo ra cảm xúc.
6. Batman Begins (2005)
Không ai có thể nghĩ rằng thể loại tâm lý - tội phạm lại có thể hòa hợp một cách tuyệt vời với thể loại siêu anh hùng như cách mà Nolan đã làm được với Batman Begins. Đây là tác phẩm đưa cái tên Nolan đến với dòng phim bom tấn, là mở màn cho sự hồi sinh của Batman nói riêng lẫn dòng phim siêu anh hùng nói chung.
Điểm IMDb: 8,3 và Metascore: 70
Với sự hỗ trợ vừa vặn của hai kẻ phản diện Scarecrow và Ra’s al Ghul, Batman Begins đem đến chân dung người hùng Bruce Wayne với bao nỗi trăn trở đậm chất “con người”. Điểm bị phàn nàn của phim có lẽ là sự thiếu vắng các cảnh hành động hoành tráng, nghẹt thở vốn được “mặc định” phải có của dòng phim siêu anh hùng. Ngoài ra, Katie Holmes hoàn toàn là sự lựa chọn sai lầm cho người yêu của Bruce Wayne.
5. Inception (2010)
Dù được xem là đã vay mượn ý tưởng từ tác phẩm hoạt hình Paprika của Satoshi Kon nhưng cái cách Christopher Nolan xây dựng nên giấc mơ với các tầng thế giới “chồng” lên nhau bằng người thật việc thật khiến ai cũng phải thán phục.
Điểm IMDb: 8,8 và Metascore: 74. Đây cũng là phim đạt nhiều Oscar nhất của Nolan hiện nay với 4 giải cùng một đề cử Phim Hay nhất.
Chăm chút tỉ mỉ cho từng khuôn hình, hạn chế sử dụng CGI một cách tối đa và đặc biệt là khả năng chuyển cảnh mượt mà giữa các thế giới giúp Inception có phần hình ảnh độc đáo tới khó quên. Nội dung phim diễn ra với hai mạch truyện song song: hành trình đánh cắp giấc mơ của tên trộm tài ba Cobb và bi kịch quá khứ của anh ta với người vợ xinh đẹp.
Ảnh 8: So sánh sẽ thấy rõ độ tinh xảo, chân thật của “Inception” nhỉnh hơn “Doctor Strange” dù hai phim cách nhau 6 năm. Một bên dùng cảnh thật còn bên thì thiên nhiều về CGI.
Dù vậy, ấn tượng về chuyến phiêu lưu lẫn lộn giữa mơ và thật này sẽ kém đặc sắc hơn nhiều nếu không có sự hỗ trợ tuyệt vời về mặt âm thanh, hình ảnh và đồ họa đỉnh cao. Là tác phẩm duy nhất của Nolan từng lọt vào danh sách đề cử Phim hay nhất Oscar nên Inception cũng khá được ưu ái trong các bảng bình chọn.
4. Dunkirk (2017)
Bộ phim về cuộc di tản quân sự nổi tiếng quả thật là một đỉnh cao khác của Nolan về mặt kỹ thuật. Các cảnh chiến đấu trên không trung, cảnh chiếc phi cơ nhỏ bé lọt thỏm giữa chân trời bao la hay cảnh hàng ngàn quân Đồng minh đang run rẩy xếp hàng trên bãi biển dưới làn bom của phát xít Đức… vừa choáng ngợp lại vừa đáng sợ. Nhất là khi nó được kết hợp với âm thanh của nhà soạn nhạc Hans Zimmer. Dunkirk là trải nghiệm điện ảnh mà bạn chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn nếu được xem ngoài rạp.
Điểm IMDb: 8,6 và Metascore: 94 (cập nhật tại thời điểm tháng 7/2017)
Tuy nhiên khi so với các bộ phim khác của Nolan, Dunkirk lại là câu chuyện ít kịch tính nhất. Nhịp phim diễn ra chậm rãi, từ tốn và được phân mảng với 3 tuyến truyện khác nhau. Nolan trung thành với cách kể chuyện phi tuyến tính nhưng có vẻ như lần này, hiệu ứng mà nó tạo ra là không đáng kể. Ngay cả khi chúng giao nhau ở phân đoạn cuối thì người xem cũng khó mà nhận ra nếu không tinh ý.
3. Memento (2000)
Phim kể về một người đàn ông mắc căn bệnh mất trí nhớ ngắn hạn và hành trình đi tìm kẻ đã giết chết vợ mình. Memento là bộ phim kinh phí thấp đem cái tên Christopher Nolan đến với công chúng thế giới. Và nó cũng là bài toán hóc búa nhất mà vị đạo diễn này từng tạo ra.
Điểm IMDb: 8,5 và Metascore: 80
Cấu trúc đảo ngược, sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại cũng như cách kể chuyện “giật lùi” đã tạo ra một mê cung hoàn hảo, thách thức khả năng suy luận của khán giả trong lần xem đầu tiên. Nhưng điểm thú vị nhất ở Memento lại nằm ở những lần xem lại, lúc đó bạn sẽ nhận ra nhiều điều khác. Nhất là tâm lý phức tạp của con người và khả năng “đánh lừa” của nó.
2. The Dark Knight (2008)
Đây không chỉ là tuyệt tác của dòng phim siêu anh hùng mà còn là một trong số những tác phẩm hiếm hoi đem đến nhiều suy ngẫm cho khán giả qua nhiều năm. Phim là sự kết hợp chỉn chu của nhiều vấn đề chính trị, đạo đức, triết học và tâm lý thông qua câu chuyện của một siêu anh hùng tưởng tượng để phản chiếu hiện thực cuộc sống.
Điểm IMDb: 9 và Metascore: 82 cùng 1 giải Oscar Nam phụ xuất sắc.
Thành công của The Dark Knight còn nhờ vào diễn xuất trên cả tuyệt vời của Heath Ledger trong vai Joker.
1. The Prestige (2006)
Bản thân người viết cho rằng đây là tác phẩm bị đánh giá “không đúng tầm” nhất của Nolan. Hai nhà ảo thuật trong thế kỷ 19 bị cuốn vào vòng xoáy của cạnh tranh, hận thù, mất mát và trả giá. Cách kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ được luân phiên tái hiện qua cảnh người này đọc nhật ký của người kia nhưng hoàn toàn không gây rối rắm. Sự thay đổi nhịp nhàng của mạch truyện kết hợp với diễn xuất chắc tay của Christian Bale và Hugh Jackman thu hút khán giả từ giây đầu tiên cho tới giây cuối cùng.
Điểm IMDb: 8,5 và Metascore: 66
The Prestige không phải là một câu đố mà chỉ đơn thuần là hành trình khám phá tâm lý nhân vật. Phim không chỉ nói lên bản chất trong niềm say mê ảo thuật của con người mà còn phản ánh phần nào tiêu chí làm phim của Nolan thông qua câu thoại: “Bạn không hề muốn biết bí mật ấy hoạt động ra sao. Bạn chỉ muốn bị lừa mà thôi”. Và khán giả cùng các nhà phê bình mê mẩn phim của Nolan vì hai điều: những khuôn hình điện ảnh khác biệt và một lối kể chuyện biết cách “đánh lừa” người xem.
Theo Muzuco
Bài cùng chuyên mục