Lệnh cấm người đi bộ xem điện thoại hay nhắn tin khi băng qua đường sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 10/2017 tại thành phố lớn nhất Hawaii.
Như vậy, Honolulu trở thành thành phố Mỹ lớn đầu tiên thông qua luật nhằm giảm thương vong từ việc mất tập trung khi đi bộ. Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh thành phố khắp thế giới đang đau đầu tìm cách bảo vệ những người nghiện điện thoại trước nguy cơ tự làm chính mình tổn thương vì đâm đầu vào các chướng ngại vật trên đường hay khi tham gia giao thông.
Theo Thị trưởng Kirk Caldwell, kể từ ngày 25/10, cư dân Honolulu có thể bị phạt từ 15 USD đến 99 USD tùy theo số lần cảnh sát bắt được họ vi phạm quy định. Ông cho biết thành phố của mình có nhiều người bị đâm khi sang đường, chủ yếu là người cao tuổi, nhiều nhất tại Mỹ.
Thị trưởng ký quy định hôm 27/7 sau khi hội đồng thành phố bỏ phiếu 7-2 đầu tháng này. Những người đang gọi dịch vụ khẩn cấp được miễn trừ khỏi lệnh cấm.
Theo một nghiên cứu xuất bản năm 2015 của Đại học Maryland, Mỹ có hơn 11.000 trường hợp bị thương liên quan đến điện thoại khi đang đi bộ từ năm 2000 đến năm 2011. Các phát hiện thúc đẩy Hội đồng an toàn quốc gia bổ sung “mất tập trung khi đi bộ” vào danh sách tổng hợp thường niên các nguy cơ lớn nhất gây ra thương vong tại Mỹ, nhấn mạnh tính trầm trọng của vấn đề.
Những nỗ lực cứu tính mạng của người đi bộ không chỉ tiến hành tại Mỹ. Luân Đôn (Anh) cũng thử nghiệm bọc đệm trước các cột đèn để làm giảm cơn đau cho người đi đường va vào do mải nhìn điện thoại. Tại Đức, thành phố Augsburg năm ngoái hiển thị tín hiệu đèn giao thông dưới mặt đất để tăng sự chú ý của những người đang “cắm mặt” vào màn hình.