Siêu phẩm chiến tranh của Christopher Nolan thấp thoáng hình ảnh của nhiều tựa phim kinh điển khác.
Dunkirk của Christopher Nolan đang càn quét phòng vé cũng như trở thành ứng cử viên sớm cho phim hay nhất tại Oscar năm nay. Theo chia sẻ của vị đạo diễn Anh quốc, 11 tựa phim bên dưới đã truyền cảm hứng cho anh làm nên siêu phẩm này.
1. Greed (1924)
Nolan đã ca ngợi tác phẩm của đạo diễn người Mỹ gốc Áo Erich von Stroheim là “bộ phim câm kinh điển của mọi thời đại”. Lấy bối cảnh thành phố California của Mỹ những năm 1920, Greed mượn câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ may mắn trúng số độc đắc để gửi gắm đến khán giả những mặt trái tàn khốc mà đồng tiền đem lại cho con người.
Đặc biệt, kỹ thuật quay phim deep focus (lấy nét sâu) được Stroheim áp dụng trong phim trở thành bài học kinh điển về làm phim được các đạo diễn hậu bối đề cao và học hỏi. Bản thân Nolan đã áp dụng thuần thục kỹ thuật này trong bộ phim khoa học viễn tưởng Inception (2010) và phần nào đó trong Dunkirk.
2. Sunrise: A Song of Two Humans (1927)
Tác phẩm của đạo diễn tài năng người Đức F.W. Murnau có mặt trong nhiều bảng xếp hạng những bộ phim vĩ đại nhất lịch sử. Sunrise là sự kết hợp giữa trường phái biểu hiện của điện ảnh Đức và lãng mạn cổ điển kiểu Hollywood.
Bộ phim khám phá những góc cạnh sâu thẳm mà con người thường bỏ qua khi nói đến tình yêu. Nội dung phim kể về một người chồng ở nông thôn, vì mê đắm đến cuồng dại một cô gái thành thị, đã giết vợ mình để đến với tình nhân.
Nolan cho biết, bộ phim lãng mạn của Murnau đã giúp anh “khám phá khả năng kể chuyện chỉ thuần túy bằng hình ảnh”. Bắt tay vào thực hiện Dunkirk, đạo diễn người Anh cố gắng đi theo phong cách làm phim câm truyền thống và tiếp cận hết mức cách kể chuyện thuần thị giác.
3. All Quiet on the Western Front (1930)
Ngay từ khi ra mắt, bộ phim chiến tranh kinh điển dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Erich Maria Remarque đã phải trải qua hàng rào kiểm duyệt chặt chẽ do nội dung nhạy cảm. Phim kể về một người lính Đức vỡ mộng khi phát hiện ra tính chất phi nghĩa của Thế chiến thứ nhất. Tuy vậy, All Quiet on the Western Front vẫn giành được hai giải quan trọng là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất trong số 4 đề cử tại giải Oscar lần thứ ba.
Kiệt tác của đạo diễn Lewis Milestone cũng là một trong những phim mở ra thời đại phim nói đầy huy hoàng của Hollywood. Nolan đã ca ngợi All Quiet on the Western Front là “bộ phim thể hiện sức kháng cự mạnh mẽ với thói thường về tìm kiếm ý nghĩa và logic trong thân phận con người”.
4. Foreign Correspondent (1940)
Nói đến khả năng sáng tạo sự ly kỳ thì khó đạo diễn nào có thể qua mặt được Alfred Hitchcock. “Khi bàn đến phim ly kỳ và nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh thì không thể không nhắc đến Hitchcock”, Nolan đã từng phải thốt lên như vậy.
Để tạo ra Dunkirk, nhà làm phim 46 tuổi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Foreign Correspondent của Hitchcock, đặc biệt là phân cảnh đặc tả chiếc máy bay rơi xuống biển, một trong những cảnh phim phô diễn kỹ năng làm phim giật gân bậc thầy của vị đạo diễn huyền thoại.
5. The Wages Of Fear (1953)
Từng chinh phục khán giả với bộ phim khoa học giả tưởng Interstellar nhưng Nolan lại thừa nhận rằng ông ghét cay ghét đắng các hiệu ứng kỹ xảo. Vị đạo diễn tài năng luôn tìm đến các tác phẩm xưa cũ để học hỏi cách làm phim cổ điển trong bối cảnh các nhà làm phim thời điểm đó hoàn toàn không có sự giúp sức từ công nghệ CGI trong các cảnh hành động, cháy nổ.
The Wages of Fear chắc chắn là một bộ phim mà Nolan cần. Bộ phim là câu chuyện ly kỳ kể về những người đàn ông phải vận chuyển một khối thuốc nổ mà chỉ cần một cú va chạm nào cũng có thể nổ tung. Dù cốt truyện gay cấn là yếu tố đủ để xây dựng thành một bộ phim hành động kịch tính, song đạo diễn người Pháp Henri-Georges Clouzot đã biến nó thành một câu chuyện lay động về lương tâm và nỗi sợ hãi của con người.
Chỉ với hai chiếc xe tải và bốn người đàn ông, tác phẩm ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước đã đem lại một cảm giác ly kỳ và căng thẳng không kém gì những bộ phim tràn ngập kỹ xảo thời nay.
6. Battle of Algiers (1966)
Không phải ngẫu nhiên mà Oliver Stone, người nổi tiếng với các bộ phim chính trị hay đạo diễn các bộ phim về xung đột sắc tộc Spike Lee đều xem Battle of Algiers là một phim kinh điển, bậc thầy để học tập. Bản thân Christopher Nolan cũng không ít lần bày tỏ sự hâm mộ nhiệt thành với tác phẩm của đạo diễn người Ý Gillo Pontecorvo.
Nolan ca ngợi Battle of Algiers là tác phẩm có sức ảnh hưởng vượt thời gian trong nghệ thuật làm phim giả tư liệu, “tạo ra sự cảm thông đối với các nhân vật dựa trên ngôn ngữ điện ảnh tối thiểu nhất có thể tưởng tượng ra. Chúng ta quan tâm đến những nhân vật trong bộ phim chỉ đơn giản vì chúng ta thấy mình trong vị trí của họ cùng những điều họ phải đối mặt.”
Đặt cạnh Battle of Algiers, Dunkirk của Nolan có sự tương đồng nhất định khi cả hai phim đều không có nhân vật chính mà chỉ có một tập hợp các nhân vật, thậm chí có nhiều nhân vật mà khán giả còn không rõ tên tuổi. Chính vì vậy, các tình tiết trong phim trôi đi như nó vốn thế, tránh cảm giác điện ảnh gượng gạo do dàn dựng, sắp đặt.
7. Ryan’s Daughter (1970)
Ryan’s Daughter là bộ phim cuối cùng của đạo diễn tài hoa David Lean, người đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh bất hủ như Doctor Zhivago, Lawrence of Arabia, Bridge on the River Kwai. Tuy không đạt doanh thu cao tại các phòng vé do bị coi là “nặng màu sắc tình dục”, Ryan’s Daughter vẫn là bộ phim có giá trị trường tồn về nghệ thuật quay phim và dựng cảnh.
Cảnh sắc thiên nhiên huy hoàng tráng lệ trong tác phẩm về Thế chiến thứ nhất đã lay động Nolan đến nỗi ông phải thốt lên: “Đây mới đúng là điện ảnh thuần khiết!”. Mọi tâm trạng, ẩn ức của các nhân vật đều được phô bày một cách trần trụi trước thiên nhiên thông qua những góc máy sắc sảo và tuyệt đẹp.
8. Alien (1979)
Bộ phim mở màn vũ trụ điện ảnh về quái vật không gian của Ridley Scott đã trở thành bài học vỡ lòng dành cho các đạo diễn của dòng phim khoa học viễn tưởng. Chính yếu tố gay cấn, nghẹt thở và đẫm máu trong cuộc chiến sinh tồn giữa phe người và quái vật đã tạo nên thương hiệu đặc trưng cho tác phẩm nổi tiếng này.
Alien không đem đến sự kinh dị ghê rợn, mà đánh thức nỗi sợ trong người xem bằng cách dẫn dắt trí tưởng tượng của họ thông qua sự vay mượn những biểu tượng tâm lý của con người.
Tầm ảnh hưởng của Alien đã tác động một phần không nhỏ đến phong cách làm phim của Nolan trong Dunkirk. Tương tự như tác phẩm về quái vật không gian, câu chuyện của Dunkirk tập trung vào hành trình sinh tồn của những con người bị mắc kẹt vào cuộc chiến vô vọng. Khán giả bị ném vào giữa chiến tuyến với những người lính vô danh mà hầu như không có sự dẫn dắt.
Những mối đe dọa diệt vong thoắt ẩn thoắt hiện càng khiến cho các nhân vật trở nên ám ảnh, đồng thời giúp tạo ra bầu không khí căng thẳng không ngừng khiến người xem lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần để “giật mình”.
9. Chariots of Fire (1980)
“Vẻ lộng lẫy, những câu chuyện đan xen cùng thứ âm thanh hoài cổ của ‘Chariots of Fire’ đã tạo nên một kiệt tác điện ảnh đại diện cho người Anh, những con người có khả năng che giấu nội tâm rất giỏi”, Nolan đã nhận xét như vậy về bộ phim của đạo diễn đồng hương Hugh Hudson.
Tác phẩm kể về câu chuyện của 2 vận động viên điền kinh có tư tưởng tôn giáo xung khắc với nhau đã bất ngờ đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm 1981, qua đó vực lại sức sống cho điện ảnh Anh, cả ở trong và ngoài nước.
10. Speed (1994)
Trong số 11 bộ phim truyền cảm hứng cho Dunkirk, không ít người cảm thấy ngạc nhiên khi Nolan lại chọn Speed của đạo diễn người Hà Lan Jan de Bont, bởi bối cảnh hành động trên ô tô gần như không liên quan lắm đến tính chất lịch sử của một bộ phim về đề tài thế chiến.
Thế nhưng cuộc chạy đua với tốc độ và thời gian trong Speed đã đem đến những bài học quý giá về nghệ thuật xây dựng bầu không khí kịch tính xuyên suốt bằng hình ảnh và âm thanh, đặc biệt là cách sử dụng tiếng đồng hồ đếm ngược gây căng thẳng tột độ. Phân đoạn chiếc xe bus phải bay qua cây cầu đang thi công bị hụt phần giữa với tốc độ gần 100 km/h đã trở thành thước phim kinh điển về cảnh rượt đuổi bằng xe hơi.
11. Unstoppable (2011)
Chốt lại danh sách 11 phim truyền cảm hứng làm Dunkirk cho Nolan là Unstoppable của đạo diễn người Anh Tony Scott. Kiểu làm phim mang dáng vẻ của phim tài liệu với máy quay cầm tay và hạn chế tuyệt đối các thủ thuật kỹ xảo giúp tạo ra nhiều chuyển động chân thực, đem lại cảm giác hồi hộp cho khán giả. Scott kỳ công đến mức cố dựng nên hai chiếc xe lửa thật nhất có thể ở Los Angeles, rồi vận chuyển qua nhiều tiểu bang nước Mỹ tới Pennsylvania. Sau đó, để quay được cảnh tàu hỏa trật đường ray, người em út của đạo diễn Ridley Scott đã sử dụng ít nhất 12 máy quay cho mỗi một chiếc tàu giả, trong đó có 2 chiếc quay từ phía trên.
Phong cách làm phim tối giản về mặt kỹ xảo của Scott phần nào có nét tương đồng với Nolan. Những màn oanh tạc bằng bom, những trận không chiến gay cấn và những phân cảnh chìm tàu khiến khán giả ngạc nhiên bởi chúng hoàn toàn chân thực. Bằng cách ghi hình ngay tại địa điểm diễn ra cuộc di tản trong quá khứ, Nolan “nói không” với CGI một cách tối đa nhất có thể để đem đến cho người xem những trải nghiệm về sự khắc nghiệt mà chiến tranh mang lại.
Theo Muzuco