Điện ảnh Việt 2017: kỉ lục, scandal và những đổi thay

Quang BD

2017 không chỉ là năm có nhiều chuyển biến quan trọng đối với điện ảnh thế giới mà còn với riêng Việt Nam. Điện ảnh nhà nước vắng bóng, điện ảnh tư nhân thống trị, sự nổi lên của nhiều nhà làm phim trẻ cùng hiện tượng điện ảnh đình đám “Em Chưa 18” tạo nên một năm đầy sôi động, báo hiệu bước trở mình đang đến rất gần.

Em Chưa 18 là bộ phim đáng chú ý nhất của điện ảnh Việt trong năm 2017. Và theo nghĩa nào đó, tựa phim này có lẽ cũng mang đến hình dung chính xác cho điện ảnh trong nước giai đoạn hiện tại: Chưa trưởng thành, nhưng đã có những dấu hiệu lớn lên. 

Kỉ lục đáng nhớ

2017 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng với nền phim ảnh nước nhà. Ngay ngày đầu năm mới, sau nhiều lần lấy ý kiến, Cục Điện Ảnh đã áp dụng hệ thống phân loại phim mới, thay cho hệ thống cũ lỗi thời từ năm 2007. Hệ thống mới chia phim chiếu rạp ra làm bốn mức phân loại là P (mọi khán giả), C13 (trên 13 tuổi), C16 (trên 16 tuổi) và C18 (trên 18 tuổi). Trước đây, phim Việt chỉ có hai mức phân loại là Đại chúng và Cấm trẻ em dưới 16 tuổi, rõ ràng quá đơn giản với số lượng phim rạp đa dạng hiện nay. 

Dù vẫn còn nhiều vấn đề, chủ yếu ở cách thức xếp loại và mức độ “cắt” với các phim C18, hệ thống phân loại mới vẫn là một bước chuyển tích cực với thị trường phim trong nước. Khán giả có cơ hội tiếp cận với nhiều thể loại hơn trước, còn các nhà phát hành có thêm nhiều lựa chọn. Hệ thống phân loại cũng được chờ đợi trở thành cú hích với các nhà làm phim, khi cung cấp thêm không gian cho tự do sáng tạo.

Cột mốc lớn tiếp theo là thành tích bất ngờ của Em Chưa 18, bộ phim hài lãng mạn do Lê Thanh Sơn đạo diễn và Charlie Nguyễn sản xuất. Không được PR rầm rộ trước khi ra mắt, lại không có sự góp mặt của các ngôi sao phòng vé, bộ phim lại làm được điều không tưởng: trở thành phim ăn khách nhất mọi thời đại của Việt Nam. Tính đến tháng 5/2017, nghĩa là sau 2 tháng ra rạp, Em Chưa 18 đã thu về 169 tỉ đồng, đánh bại cả Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu Lâu, 168,9 tỉ) để trở thành tân vương phòng vé trong nước.


Chỉ trong một tháng, phòng vé Việt chứng kiến hai hiện tượng chưa tùng có nối tiếp nhau – “Kong: Skull Island” và “Em Chưa 18”.

Đã có rất nhiều bài viết phân tích lí do Em Chưa 18 trở thành hiện tượng. Đó là nhờ sự tươi mới của kịch bản, diễn xuất tự nhiên đáng yêu của bộ đôi Kiều Minh Tuấn – Kaity Nguyễn,… Dù thế nào, thành công này đã khẳng định một điều đáng mừng cho các nhà làm phim trong nước. Đó là tiềm năng cực lớn của thị trường nội địa và sự ủng hộ của khán giả dành cho phim Việt, chỉ cần được làm tốt.

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, các hãng phim lớn nước ngoài như Disney hay Warner Bros. dành nhiều sự chú ý cho thị trường phim Việt. Các chiến dịch quảng bá của các bom tấn hàng đầu, như loạt Avengers chẳng hạn, đều dành sự ưu ái nhất định cho Việt Nam. Việc các ngôi sao cố gắng nói ngọng nghịu vài câu chào tiếng Việt không còn xa lạ. Vào mùa hè, đất nước hình chữ S lần đầu trở thành bối cảnh của một bom tấn Hollywood là Kong: Skull Island. Và đến cuối năm, Ngô Thanh Vân được vào một vai phụ trong phần 8 Star Wars, loạt phim thành công nhất mọi thời đại và là một phần văn hóa đại chúng… Theo thống kê của trang CineAsia, tỉ lệ tăng trưởng dựa trên số vé bán ra của thị trường Việt Nam đã tăng đến 150% so với năm ngoái, ở châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc với 200%.

Trước đây, miếng bánh ngon lành này mặc định là dành cho phim nước ngoài. Nhưng những năm gần đây, các kỉ lục phim Việt liên tục được lập nên và phá đi, từ Để Mai Tính 2 (2014), Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015), Em Là Bà Nội Của Anh (2016)… Và đến năm 2017, thành công của Em Chưa 18là điều phải đến. Nó mang đến hình dung về một mỏ vàng đang chờ các đạo diễn trong nước khai phá. Tất nhiên, đó là công việc không hề dễ dàng.

Những bước tiến

Nhắc đến phim Việt dĩ nhiên không thể bỏ qua những scandal hoặc lùm xùm xung quanh, thường có ý nghĩa ở mặt quảng bá. Năm 2017 không là ngoại lệ, điển hình như vụ mâu thuẫn tay ba gần đầy giữa Bình Minh, Tim và Trương Quỳnh Anh, ngay trước thềm ra mắt Giấc Mơ Mỹ. Dù vậy, bộ phim này, với chủ đề người Việt sống ở nước ngoài gần giống như Dạ Cổ Hoài Lang, vẫn mất tăm hơi ở rạp chiếu bóng. Vào tháng 9, bộ phim “đam mỹ” như lời gọi của cư dân mạng - Tao Không Xa Mày cũng làm nóng mặt báo quanh vấn đề tác quyền.

Nhưng có một scandal khác có thể mang ý nghĩa tích cực, là vụ livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn, do Ngô Thanh Vân sản xuất. Một thanh niên ở Vũng Tàu đã thực hiện hành vi này và bị bắt quả tang. Vốn nhanh nhạy về truyền thông, “đả nữ” màn ảnh Việt đã nhanh chóng khởi động một phong trào “Nói không với livestream” và được ủng hộ rộng rãi. Doanh thu của Cô Ba Sài Gòn – vốn có chất lượng gây tranh cãi, tương tự với Tấm Cám trước đó - có thể tăng lên đôi chút nhờ sự việc này. Nhưng không thể phủ nhận rằng, đã đến lúc hành vi vi phạm tác quyền điện ảnh cần phải bị loại bỏ.


Nhiều phim Việt năm 2017 tạo nên hiệu ứng truyền thông tốt và được ghi nhận về nỗ lực làm ra tác phẩm chỉn chu từ phía nhà làm phim.

Xét về chuyên môn, phim Việt của năm 2017 có những điểm sáng đáng ghi nhận. Trong số gần 50 phim Việt ra mắt trong năm, thể loại hài hước vẫn chiếm đa số, nhưng đã xuất hiện các dòng phim mới, như một sự thử nghiệm. Dạ Cổ Hoài Lang, dù không thành công lắm, nhưng là một nỗ lực mang tính tiên phong trong việc chuyện thể tác phẩm kịch nói thành điện ảnh. Phim kể về hai ông già, do Hoài Linh và Chí Tài thủ vai, đối mặt với những khác biệt văn hóa và giấc mơ tan vỡ về cuộc sống nơi đất Mỹ. Dù đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chưa thật sự làm bật được chất “điện ảnh” so với nguyên tác, nhưng đây là một hướng đi đáng để mắt đến. Bởi vì sâu khấu trong nước sở hữu rất nhiều vở kịch có giá trị, đủ sức làm chất liệu cho điện ảnh.

Ở thời điểm cuối năm, đạo diễn Victor Vũ ra mắt Lôi Báo, có thể xem là siêu anh hùng đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Quang Dũng từng có một phim hài tết là Siêu Nhân X (2015), nhưng phù hợp vào thể loại hài hơn là siêu anh hùng. Phải đến Lôi Báo, kể về một họa sĩ có được sức mạnh phi thường sau ca ghép đầu, các yếu tố chủ đạo của phim siêu anh hùng mới được khai thác: năng lực đặc biệt và trách nhiệm với năng lực ấy. Là phim đầu tiên của thể loại, Lôi Báo không tránh khỏi những điểm yếu về diễn xuất cũng như kịch bản. Nhưng từ đây, chúng ta hi vọng rằng có thêm một nhánh phim mới ở thị trường phim nội địa, vốn không mấy đa dạng.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, sau thành công của bộ phim remake Hàn Quốc - Em Là Bà Nội Của Anh, tiếp tục chứng tỏ khả năng với Cô Gái Đến Từ Hôm Qua. Chuyển thể từ truyện dài được yêu thích của Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim là chuyện tình cảm đan xen giữa hiện tại và quá khứ của một anh chàng mơ mộng thơ thẩn. Phim có vay mượn vài trường đoạn trong các phim nổi tiếng, hơi lê thê và vụn ở đoạn cuối, nhưng Nhật Linh đã cho thấy mình là đạo diễn có tay nghề chắc chắn hàng đầu Việt Nam. Các bộ phim của anh có sự chuyên nghiệp và chỉn chu ở tất cả các khâu, vốn nên trở thành tiêu chuẩn chung trong thời gian tới. Thị trường Việt cũng cho thấy sự đồng cảm với các phim lấy bối cảnh quá khứ, gần gũi với các thế hệ 8x, 9x.

Một số phim chọn hướng khai thác văn hóa Việt, thu hút được sự chú ý của khán giả. Ngoài Cô Ba Sài Gòn khai thác chủ đề trang phục áo dài truyền thống, còn có Lô Tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh xoay quanh phận đời người đồng tính ở các hội chợ, Mẹ Chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng lựa chọn không gian gia đình những năm 40-50… Sự đón nhận của khán giá với từng tác phẩm là khác nhau, nhưng điểm chung là các chủ đề này đều thu hút được sự chú ý. Có một sự quan tâm nhất định của khán giả trong nước với các phim chạm vào yếu tố văn hóa địa phương. Tuy nhiên, có lẽ người xem vẫn phải chờ đợi một thời gian để có một bộ phim thật sự hay ở mảng khó nhằn này.

Dấu hỏi từ phim nhà nước


​Bên cạnh những nỗ lực bứt phá, điện ảnh Việt 2017 vẫn chứng kiến sự ra đời của nhiều bộ phim có chất lượng kém cỏi.

Bên cạnh các kỉ lục và thành công phòng vé, năm 2017 cũng chứng kiến không ít bộ phim mất hút chỉ sau một hoặc hai tuần ra rạp. Hầu hết là các phim hài nhảm theo kiểu mì ăn liền, vốn vẫn chiếm số lượng lớn trong danh sách. Có thể kể đến như Lục Vân Tiên: Tuyệt Đỉnh Kungfu, Xóm Trọ 3D, Vú Em Tập Sự… Ngoài ra, ngược với xu hướng quốc tế, các phim phần kế tiếp tại Việt Nam lại không được đón nhận. Lần lượt Hotboy Nổi Loạn 2, 49 Ngày 2, Nắng 2… ra rạp và biến mất trong im lặng. Dòng phim lấy chủ đề giới tính không còn thu hút như trước. Một số phim ăn theo thời vụ như SOS: Sói Trắng của đạo diễn Lê Hoàng về vấn nạn ấu dâm, thất bại cả về doanh thu lẫn chất lượng.


Phim remake vẫn đang là xu hướng thịnh hành.

Ngược lại, thể loại sáng giá nhất vẫn là remake từ phim nước ngoài. Bạn Gái Tôi Là Sếp của Hàm Trần và Sắc Đẹp Ngàn Cân của James Ngô hay Yêu Đi, Đừng Sợ! của Stephane Gauger tiếp tục nối dài vệt phim thành công từ các kịch bản Thái Lan và Hàn Quốc. Sắp tới đây, Nguyễn Quang Dũng cũng sẽ thử sức với Tháng Năm Rực Rỡ, làm lại từ bộ phim Hàn Sunny (2011). Đây là lối thoát cho vấn đề kịch bản vẫn chưa được giải quyết, và có lẽ vẫn là lối thoát duy nhất trong vài năm nữa. Nhưng điều cần ghi nhớ là sẽ đến lúc, dòng phim này sẽ bị bão hòa, và lúc đó không thể dựa vào ai khác ngoài các nhà biên kịch trong nước.

Dù thế nào, phòng vé Việt năm 2017 cho thấy một sự sôi động tích cực, nên được duy trì. Chỉ đó điều, dường như đây là sân chơi của riêng các nhà sản xuất tư nhân. Nếu các năm trước, ít nhất người ta còn điểm mặt nhớ tên được một vài tựa phim, thì năm nay, không hề có bóng dáng của phim nhà nước nào. Cho đến thời điểm cuối năm, các dự án phim được cấp vốn đầu tư như Không Ai Bị Lãng Quên, Người Yêu Ơi, Địa Đạo… vẫn chưa có thông tin ra mắt. Lần đầu tiên từ khi tổ chức, Liên hoan phim Việt Nam không có một tựa phim nhà nước nào tham gia tranh giải. Điểm nhấn duy nhất có lẽ là vụ cãi cọ trên mặt báo liên quan đến việc chia cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam.


“Cha Cõng Con” và “Đảo Của Dân Ngụ Cư” là hai phim nghệ thuật đáng chú ý năm qua.

Trong một môi trường điện ảnh ngày càng phát triển như hiện nay, nguồn vốn từ nhà nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều năm nay, số vốn này bị đổ rất lãng phim cho các phim “cúng cụ” làm ra không ai xem, chỉ nhằm đủ định mức. Trong khi đó, rất nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch… vẫn ngày ngày đi xin tiền tài trợ từ tư nhân để làm phim. Các phim nghệ thuật đáng chú ý trong năm qua như Đảo Của Dân Ngụ Cư hay Cha Cõng Con đều là nỗ lực tự thân từ các cá nhân, nhưng đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước qua các Liên hoan phim quốc tế. Nếu có thể liên kết được giữa nguồn tiền này và các dự án khả thi, có được sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, có lẽ số lượng và chất lượng phim nội sẽ tăng lên đáng kể.

Vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng năm 2017 đã chứng kiến một luồng sinh khí mới từ các nhà làm phim Việt Nam. Một thế hệ đạo diễn mới có tay nghề như Victor Vũ hay Phan Gia Nhật Linh đang dần trở thành trụ cột phòng vé, với các tác phẩm vững tay nghề và chạm đúng thị hiếu người xem. Xem phim cũng đã và đang trở thành một loại hình giải trí phổ biến, với sự phát triển không ngừng của các hệ thống rạp. Các nền tảng đang dần thành hình, và không có lí do gì để nghi ngờ sự tăng trưởng ổn định từ các con số phòng vé trong năm mới 2018.

Là bộ phim nổi bật nhất năm, tựa phim Em Chưa 18 còn có thể xem là một lời miêu tả cho tình hình phim Việt hiện tại. Các nhà làm phim vẫn đang ở vào giai đoạn học hỏi, chưa chuyên nghiệp, chưa có các tác phẩm thật sự xuất sắc và mang bản sắc riêng, nhưng mọi thứ đang vào guồng, đang đi đúng hướng. Nhưng cho đến thời điểm mang tính bước ngoặt, khi thị trường Việt Nam có thể trở mình, điều quan trọng nhất vẫn là sự ủng hộ của khán giả nhà. Từ sự ủng hộ có ý thức của mỗi người chúng ta. Chỉ cần khán giả không bỏ rơi phim Việt, chắc chắn thời điểm ấy không còn xa.

Theo Muzuco

Bài cùng chuyên mục