Doraemon đang dần “Mất Chất”? Nội dung ngày càng “Hiền Hoá” gây tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ
Giữa lúc bộ phim Doraemon: Nobita và Câu Chuyện Thế Giới Tranh Ảnh (Doraemon Movie 2025) đang tiếp tục giữ vững phong độ tại phòng vé Nhật Bản và chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam, một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra xoay quanh chất lượng nội dung của loạt phim Doraemon hiện nay.
Nhiều người hâm mộ lâu năm, đặc biệt là khán giả Việt Nam, cho rằng loạt phim đang ngày càng trở nên "an toàn", "dễ dãi" và thiếu đi chiều sâu, tinh thần phiêu lưu cảm động như những tác phẩm trong quá khứ.
Cốt truyện Doraemon đang dần “hiền hóa”?
Theo ghi nhận từ cộng đồng fan tại Việt Nam, không ít người cho rằng loạt phim Doraemon – cả bản truyền hình lẫn điện ảnh – đang ngày càng trở nên “nhẹ nhàng” và thiếu kịch tính. Những mâu thuẫn, cao trào vốn từng là yếu tố khiến người xem xúc động và gắn bó, nay dường như bị làm mờ nhạt hoặc lược bỏ hoàn toàn.
Một ví dụ điển hình là chi tiết Jaian bắt nạt Nobita – vốn là tình huống quen thuộc, thường là khởi nguồn của những rắc rối hài hước hoặc bài học cảm động – nay đã không còn dữ dội như trước. Trong nhiều tập gần đây, cảnh bắt nạt bị rút gọn hoặc thậm chí biến mất, chỉ còn lại hình ảnh Nobita khóc lóc để lấy cớ dùng bảo bối của Doraemon, làm giảm đi tính chân thực và chiều sâu tâm lý của các nhân vật.
Doraemon chỉ còn là "người đưa bảo bối"?
Một số khán giả kỳ cựu cũng chỉ ra rằng Doraemon – linh hồn của toàn bộ loạt phim – đang dần mất đi vai trò “người bạn đồng hành” đúng nghĩa. Thay vì là người chia sẻ, khuyến khích và thậm chí “cản” Nobita khỏi việc lạm dụng bảo bối, Doraemon nay chủ yếu chỉ xuất hiện để… đưa bảo bối, rồi rút lui khỏi mạch truyện.
Sự thiếu vắng những tương tác thân mật, những lời khuyên đầy triết lý và sự can thiệp đúng lúc từ Doraemon khiến nhiều tình huống trở nên "một màu", kịch bản dễ đoán và thiếu đi sự đột phá vốn có trong loạt phim gốc.
Thiếu vắng tinh thần phiêu lưu – cảm xúc trong các phim điện ảnh
Loạt phim điện ảnh Doraemon từng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ nhờ những cuộc phiêu lưu kỳ thú xen lẫn xúc cảm mạnh mẽ. Những phân đoạn chiến đấu đầy kịch tính như trong Nobita và Ba Chàng Hiệp Sĩ Mộng Mơ, Nobita và Vương Quốc Trên Mây, hay các khoảnh khắc cảm động đến nghẹn ngào như cảnh chia tay Riruru trong Nobita và Binh Đoàn Người Sắt, hay sự hy sinh của chiếc xe Buggy trong Nobita và Lâu Đài Dưới Đáy Biển đều là những minh chứng cho chiều sâu của nội dung trước đây.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các phần phim mới thường chọn cách tiếp cận an toàn hơn, tập trung vào yếu tố giải trí nhẹ nhàng, kỹ xảo đẹp mắt và nhịp phim nhanh, thay vì khơi gợi chiều sâu cảm xúc hay truyền tải thông điệp mạnh mẽ như trước.
Thay đổi để phù hợp với khán giả trẻ, nhưng có quá “mất chất”?
Theo phân tích từ một nhóm người hâm mộ lâu năm, trẻ em hiện nay có điều kiện tiếp cận nội dung phong phú, tiết tấu nhanh, nhiều màu sắc và đa thể loại. Do đó, việc Doraemon “dịu hóa” có thể là một nỗ lực để bắt kịp xu hướng, phù hợp với thị hiếu thị trường.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu cứ tiếp tục chọn lối đi an toàn, Doraemon có giữ được trái tim của thế hệ khán giả mới? Và liệu những người hâm mộ trung thành, từng lớn lên cùng Nobita – Shizuka – Jaian – Suneo – Doraemon có còn tìm thấy sự kết nối cảm xúc như xưa?
Nhiều fan đề xuất: thay vì sản xuất nội dung mới hoàn toàn, vì sao không làm lại các phần phim kinh điển của quá khứ với công nghệ hiện đại hơn nhưng giữ nguyên tinh thần ban đầu? Đó có thể là một cách "kết nối lại tuổi thơ" vừa hợp thời đại, vừa tôn trọng bản sắc nguyên thủy.
Bất chấp tranh cãi, Doraemon vẫn là “cỗ máy in tiền” tại phòng vé
Dù nhận về không ít ý kiến trái chiều về chất lượng nội dung, không thể phủ nhận sức hút thương mại của thương hiệu Doraemon. Doraemon Movie 2025 đã bán ra hơn 3,17 triệu vé và thu về khoảng 3,79 tỷ yên chỉ tính riêng tại Nhật Bản.
Tại Việt Nam, Doraemon Movie 2024 đã lập kỷ lục anime có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam với 147,5 tỷ đồng, đồng thời là anime đầu tiên đạt mốc trăm tỷ đồng trong nước – một cột mốc chưa từng có trong lịch sử phát hành phim hoạt hình Nhật Bản tại Việt Nam.
Doraemon – giữa kỳ vọng tuổi thơ và thực tế thị trường
Doraemon là một biểu tượng văn hóa vượt thời gian, gắn bó với nhiều thế hệ khán giả. Việc loạt phim có sự thay đổi để phù hợp với thị hiếu là điều tất yếu. Tuy nhiên, khi những giá trị cốt lõi từng làm nên thành công của thương hiệu dần bị làm mờ, cộng đồng người hâm mộ hoàn toàn có lý do để lo ngại và tiếc nuối.
Liệu Doraemon sẽ tiếp tục là hình mẫu “bạn đồng hành lý tưởng của trẻ em” hay sẽ dần trở thành sản phẩm thương mại hóa theo dòng chảy thị trường? Câu trả lời phụ thuộc vào lựa chọn của chính những nhà sản xuất – và phản hồi từ những người xem vẫn còn yêu quý chú mèo máy xanh từ những ngày đầu tiên.
Bài cùng chuyên mục