Luộc trứng rùa biển quý hiếm ăn còn "khoe" lên MXH, cô gái có nguy cơ bị phạt 50 triệu đồng?
Từ năm 2014, các loài rùa biển, trong đó có rùa Vích đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của chính phủ.
Từ rất lâu, tất cả các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) đều bị xử lý hình sự bất kể về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
Câu chuyện đang được cộng đồng quan tâm dạo gần đây là việc cách đây 1 tháng, T.H - cô gái Hà Nội đến huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) du lịch. Chuyến đi của cô có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ và trong đó nổi bật nhất là việc: cô gái rất vô tư luộc vài quả trứng rùa biển quý hiếm ăn dù biết đó là hàng cấm.
T.H đăng ảnh chụp trứng rùa biển trên Instagram hôm 13/02 và còn đặt hashtag #trứngvic (trứng rùa vích)
Không dừng ở chuyện ăn uống, T.H còn đăng ảnh chụp hộp đựng khoảng 8 quả trứng rùa trên tài khoản Instagram cá nhân hôm 13/02/2019.
Cận cảnh quả trứng rùa quý hiếm được cô gái chụp lại
Nhiều người dân sống ở huyện Côn Đảo bức xúc khi biết câu chuyện "vô nhân tính" trên, nên đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự với T.H và người cung cấp số trứng rùa biển cho cô. Trước tình hình bị cư dân mạng “ném đá” và lên án, T.H hiện đã khóa tài khoản Instagram và Facebook cá nhân.
Dòng comment "biết luật mà vẫn phạm luật" của cô gái.
Thậm chí, qua những dòng comment của cô gái trẻ, nhiều người cho rằng cô gái càng đáng trách hơn vì biết rõ đây là hành vi bị cấm mà vẫn thực hiện, còn đem khoe lên mạng xã hội:
- Ở Côn Đảo, người ta treo bảng tuyên truyền khắp nơi rồi vậy mà còn cố. Không lý lẽ nào biện hộ được rồi.
- Đây là phạm pháp, biết rõ còn cố tình làm, cần phạt nặng để răn đe....
Cao Quốc Cường (32 tuổi) - người dân sống tại đảo Côn Sơn cũng chia sẻ:
Sinh sống ở đây, mình từng thấy nhiều khách du lịch lén lút tiêu thụ trứng rùa biển nhưng không có cách nào lên án vì không có bằng chứng, lần này thì rõ ràng luôn, cô gái này còn tự đăng lên nữa.
Sau khi phát hiện hành vi của nữ du khách, Quốc Cường đã gửi thư báo cho phòng Bảo vệ động vật thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên và đang chờ phản hồi.
Biển hiệu tuyên truyền được đặt tại Côn Đảo.
Tại sao trứng rùa biển (bao gồm cả rùa vích) lại cần được bảo vệ? Trung bình 1.000 con rùa biển nở ra từ trứng, chỉ có một con tồn tại được đến tuổi sinh đẻ để quay về làm ổ ở nơi nó ra đời. Căn cứ theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu rõ, hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ sản phẩm/bộ phận của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam. Quy định, chế tài xử lý là thế, nhưng vì tư lợi, nhiều người đang khiến loài rùa biển ở Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng. |
Trước đó vào tháng 09/2017, tại huyện Côn Đảo đã tiến hành xử lý hình sự vi phạm liên quan đến trứng rùa biển. Cụ thể hơn, Tòa án nhân dân huyện Côn Đảo đã đưa ra xét xử đối tượng Lâm Trường Xuân (thường trú tại TP.HCM), Đặng Hoàng Đức (nguyên quán Bến Tre, làm việc tại một nhà hàng ở Côn Đảo) và Thái Thanh Tài (nguyên quán Sóc Trăng) về tội vi phạm các quy định về bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các đối tượng này bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì có hành vi mua bán, vận chuyển 30 trứng rùa xanh. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Lâm Trường Xuân lĩnh án phạt 50 triệu đồng, trong khi Đặng Hoàng Đức và Thái Thanh Tài bị tuyên cải tạo không giam giữ lần lượt 9 và 12 tháng.
Số trứng rùa biển tịch thu từ đối tượng
Ngày 04/06/2018, TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tuyên phạt Hoàng Tuấn Hải 5 năm 6 tháng tù giam về hành vi thu gom, chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển, được các cơ quan chức năng phát hiện cuối năm 2014. Đây là vụ án được cho là có số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất trên thế giới.
Rùa biển rất cực khổ mới đẻ ra được những đứa con của mình.
Mặc dù những vụ án gian dối đã được đưa ra ánh sáng và xử phạt nghiêm minh, thế nhưng, từ đó đến nay các vi phạm liên quan đến việc bảo vệ rùa biển cũng thường chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tịch thu tang vật.
Chúng ta cần nhiều hơn sự quan tâm của chính quyền và người dân địa phương cũng như những nỗ lực đáng kể của các cơ quan điều tra, tư pháp tại các huyện/đảo là nơi sinh sống các loài rùa biển, góp phần giúp đỡ giống loài quý hiếm này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Yan
Bài cùng chuyên mục