Hashtag - nhân tố giúp mạng xã hội 'tiến hóa'

Với việc có mặt trên hầu hết các mạng xã hội lớn của thế giới, hashtag đã và đang hình thành thói quen mới trong việc tiếp nhận và chia sẻ tin tức của các cư dân mạng, đồng thời đem lại diện mạo khác cho các phương tiện truyền thông xã hội.

 gốc của những ‘hàng rào’ hashtag

Hashtag là một từ hoặc chuỗi các ký tự bắt đầu với một dấu thăng, giúp chúng ta phân loại các bài viết theo một chủ đề. Người đọc có thể click vào hashtag để tìm kiếm những nội dung liên quan đến chủ đề đó.

Nhiều người biết đến hashtag qua Twitter, nhưng thực tế hashtag có mặt từ trước đó trên mạng lưới chat nhóm IRC với chức năng tạo các nhóm trò chuyện theo chủ đề riêng. Đến năm 2007, những "hàng rào" hashtag (từ ngữ có gắn dấu # ở trước) mới bắt đầu xuất hiện trên Twitter do Chris Messina, một chuyên gia nổi tiếng về phần mềm ở Mỹ, khởi xướng.

Hashtag - nhan to giup mang xa hoi 'tien hoa' hinh anh 1

Hashtag tạo nên những chủ đề nóng trên Twitter.

Kể từ đó, hashtag bắt đầu được người dùng Twitter sử dụng để đăng những tin tức liên quan đến các sự kiện nóng hoặc những đề tài được nhiều người quan tâm. Những hashtag nóng hổi nhất trong ngày sẽ được Twitter lọc ra và đưa vào một danh sách gọi là “Trending Topics” (tạm dịch: những chủ đề đang nóng), nhờ đó, người dùng Twitter có thể cập nhật những tin tức quan trọng mà không cần đọc báo.

Bắt nhịp với xu hướng đó, rất nhiều mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến đã sử dụng hashtag cho nền tảng của mình, tiêu biểu là Instagram, Google+, Pinterest, Sina Weibo, Tumblr… và gần đây nhất là Facebook.

Người dùng dựng ‘hàng rào’ hashtag để làm gì?

Mạng xã hội được tạo ra để người dùng thỏa mãn nhu cầu được bộc lộ cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, người dùng cũng cần đến một sự đồng điệu với cái tôi cá nhân của mình, họ cần biết xem ai đang đề cập đến những điều mình vừa trình bày. Và đó là một trong những lí do để một người dùng mạng xã hội cần đến hashtag.

Hashtag - nhan to giup mang xa hoi 'tien hoa' hinh anh 2

Trên mạng xã hội, hashtag kết nối những người có chung mối quan tâm.

Chẳng hạn, hashtag giúp các sĩ tử tìm được những người có điểm số môn Địa trong kì thi tốt nghiệp THPT thấp giống mình để cùng than thở, ông A cần tìm một người cũng tâm đắc một cuốn sách, một tựa phim, cô B muốn tham khảo những bình luận, đánh giá liên quan đến một món hàng mà mình dự định mua…

Nói một cách khác, hashtag là một nhân tố làm "phẳng" các mạng cộng đồng trực tuyến. Người dùng dựng "hàng rào" hashtag không có ý nghĩa ngăn cách, trái lại đây lại là một cách thức để kết nối những "cái tôi" đồng điệu trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Các mạng xã hội cần hashtag để làm gì?

Ngoài những lợi ích bề nổi đối với người dùng kể trên, điều dễ nhận ra nhất là hashtag giúp các mạng xã hội có thể thu thập được những từ khóa nóng, nắm bắt được những mối quan tâm của người dùng. Kết hợp yếu tố này với những danh tính cá nhân như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… mà bạn đã khai báo trước đó, nhà quản lý mạng xã hội có thể xếp bạn vào một trong nhiều "mẫu người" khác nhau, giúp cho việc quảng cáo hướng đối tượng được chính xác hơn.

Chẳng hạn, bạn thường sử dụng những hashtag liên quan đến công nghệ, bạn sẽ nhìn thấy các mẩu quảng cáo các thiết bị hi-tech trên giao diện trang cá nhân của bạn. Bạn thường sử dụng các hashtag liên quan đến các món ăn, các mẩu quảng cáo nhà hàng và deal giảm giá sẽ tìm đến bạn.

Không dừng lại ở đó, khi hashtag kết hợp với thông tin địa điểm trên bản đồ (location) do người dùng chia sẻ, các ông chủ sẽ có trong tay một tấm bản đồ chi tiết với những địa điểm hấp dẫn kèm theo đánh giá ngắn gọn của người dùng, từ đó phát triển những dịch vụ mang tính địa phương cho người dùng của mình.

Trở lại câu chuyện của Twitter, ngoài chức năng là một mạng xã hội, dịch vụ tiểu blog này cũng là nơi để người dùng cập nhật những thông tin nóng nhất qua mục “Trending topics”. Mục này được xác lập dựa vào những hashtag được nhiều người tạo ra nhất.

 Hashtag - nhan to giup mang xa hoi 'tien hoa' hinh anh 3
Những thông tin tức thời từ mạng xã hội, được tạo ra dưới sự trợ lực của hashtag, đã và đang cướp đi độc giả của báo chí chính thống.

Khảo sát của Liên minh truyền thông châu Âu (EBU) vào đầu năm 2013 tại một số nước châu Âu cho thấy: 43% thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 có xu hướng đọc tin trên các mạng xã hội (Twitter, Facebook...) chứ không phải từ các nguồn khác. 60% trong số này cảm thấy tin tưởng các tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội.

Như vậy, mạng xã hội đã và đang cướp đi độc giả trẻ của báo chí chính thống. Trong đó, hashtag đóng vai trò tạo lập ra các chủ đề và liên kết cộng đồng cùng bàn luận về chủ đề đó.

Nadja Hahn, một nhà báo kinh tế ở Áo, cho rằng thông tin trên mạng xã hội không thể thay thế báo chí chính thống bởi nó không đáp ứng được tính chính xác, khách quan và những yếu tố cấu thành nên một tác phẩm báo chí.

Do đó, hashtag được cho là chỉ có thể giúp bản thân các mạng xã hội hoạt động tốt hơn, chứ không giúp mạng xã hội "tiêu diệt" báo chí chính thống.

Theo ICT News

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Hình ảnh CGI tệ hại trong "Học viện ma vương" khiến khán giả phẫn nộ

Hình ảnh CGI tệ hại trong "Học viện ma vương" khiến khán giả phẫn nộ

hoanlagvnDũng Nhỏ TT

Công nghệ mô phỏng hình ảnh được tạo ra bởi máy tính (CGI) luôn là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng anime. Mặc dù các hãng phim hoạt hình thường sử dụng hình ảnh 3D để cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng hiệu quả thu về cho đến nay là không đáng kể, và anime The Misfit of Demon King Academy ( Học viện ma vương) là trường hợp mới nhất vấp phải làn sóng phẫn nộ từ người mộ.

Giải trí
Lên đầu trang