Pindrop Security, một công ty bảo mật non trẻ ở Mỹ, vừa giới thiệu một công nghệ phân tích âm thanh giúp người dùng nhận diện cuộc gọi từ những kẻ lừa đảo.
Để chống lại những cuộc gọi lừa đảo, hãng Pindrop Security vừa giới thiệu một công nghệ phân tích âm thanh ngay trong thời gian thực, bao gồm nhận diện ngữ âm, xác định tính vùng miền của giọng nói, nhận diện tiếng động môi trường, đặc điểm tần số âm thanh đường dây điện thoại của mỗi quốc gia…
|
Những kẻ lừa đảo qua điện thoại thường mạo danh nhân viên của những tổ chức có uy tín để yêu cầu được cung cấp thông tin tài khoản và danh tính. |
Sau khi phân tích các dữ liệu này, hệ thống của Pindrop Security sẽ xác định được nơi kẻ gian thực hiện cuộc gọi với độ chính xác 90%, trong phạm vi địa lý gần bằng với diện tích nước Pháp.
Chẳng hạn, khi bạn đang ở Mĩ và dùng điện thoại được tích hợp công nghệ phân tích âm thanh, bạn nhận được cuộc gọi yêu cầu tự xưng là nhân viên Apple, yêu cầu bạn cung cấp tài khoản Apple ID và mật khẩu để kiểm tra lỗi (hoặc một lí do ngụy tạo khác), nhưng điện thoại của bạn phân tích ra kết quả người gọi từ… Ai Cập, bạn có thể cúp máy để tránh bị lừa.
Lừa đảo qua các cuộc gọi, hay còn được gọi là "Social Engineering" (tạm dịch: kĩ thuật xã hội), là phương pháp mà kẻ gian đánh lừa người dùng bằng cách đóng giả nhân viên của một tổ chức uy tín, gọi điện thoại (hoặc thông qua các phần mềm như Skype) yêu cầu người dùng cung cấp thông tin danh tính, mật khẩu… để trục lợi bất chính.
Chiêu lừa này được khởi xướng bởi Kevin Mitnick, một hacker khét tiếng. Đây là một chiêu rất cũ, tuy nhiên lại tỏ ra hiệu quả trong thời đại CNTT, vì nó “miễn nhiễm” những phương pháp bảo vệ kĩ thuật số như tường lửa, trình diệt virus… mà đánh thẳng vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng. Cho đến nay, việc truy tìm kẻ gian trong những trường hợp này rất khó và đòi hỏi nhiều thời gian.
Dự án phát triển hệ thống phân tích âm thanh của Pindrop Security đã nhận được khoản đầu tư 11 triệu USD (tương đương 231,4 tỷ VNĐ) từ Scott Weiss, cựu quản lý bảo mật của hãng Cisco, để hoàn thiện và có thể áp dụng vào thực tế.
Theo ICT News