Khám phá thế giới thời trang với ứng dụng Wiindi 2.0

Bạn có bao giờ nghe về Wiindi? Wiindi là một startup mới nổi từ năm ngoái ngay lập tức giành được giải thưởng Judges’ Choice Awards và People’s Choice Awards ở vòng loại cuộc thi Echelon Asia Summit Việt Nam. Ngay sau đó nó lọt vào Top 10 startup ngay tại sân khấu chính của Echelon Asia Summit tổ chức ở Singapore.

 

 

Nhóm phát triển ứng dụng Wiindi

Echelon (e27.co) là cổng thông tin của cộng đồng startup Châu Á. Trang web cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội nghị liên quan đến hoạt động startup. Thành phố Hồ Chí Minh, một nhóm bạn trẻ với dự án khởi nghiệp (startup) đang tìm kiếm khoản đầu tư chiến lược 250.000 USD trong vòng vài tháng tới.

Kể từ đó, nhóm bạn trẻ của chúng ta bắt đầu làm việc không mệt mỏi để cho ra đời ứng dụng Wiindi – Fashion shopping phiên bản 2.0 trên nền tảng iOS cách đây ít ngày. Ứng dụng Wiindi trước đây có chức năng tìm kiếm sản phẩm thời trang và phụ kiện nay gần như lột xác. Wiindi 2.0 mới chú trọng nhiều hơn đến chức năng lưu trữ, phối ghép đồ thời trang và phụ kiện như một tờ tạp chí điện tử (hay tương tự Pinterest trong lĩnh vực thời trang).

Tôi dùng chữ thời trang vì ứng dụng hoạt động không chỉ với các sản phẩm áo quần mà còn bao gồm cả giày dép, túi xách và đủ các loại phụ kiện khác. Miễn là bạn có thể mặc nó thì Wiindi sẽ giúp bạn.

Wiindi tìm kiếm khắp các trang web để đưa ra gợi ý về các sản phẩm thời trang theo ý thích của người dùng. Không chỉ tìm kiếm, ứng dụng còn hướng dẫn và đưa ra các lời khuyên về cách phối ghép phục trang với nhau. Cuối cùng khi người dùng ưng ý, họ sẽ được đưa đến trang web chứa sản phẩm để mua. Trong tương lai, ứng dụng sẽ sử dụng thêm các thông tin mà người dùng cung cấp như mức giá, phong cách thời trang hay vị trí địa lý để đưa ra gợi ý.

 

 

 

Dẫn lời đồng sáng lập kiêm CEO Lê Phước Phúc, nhóm dành gần 2 năm ròng để nghiên cứu thị trường và nhận thấy người dùng có xu hướng thích phối ghép các sản phẩm với nhau hơn là chỉ xem những món đồ riêng biệt. Mức chênh lệch giữa 2 nhóm khách hàng lên tới 20 lần.

“Phiên bản (Wiindi) mới được chạy thử nghiệm trên Facebook trong 1 năm rưỡi với 100.000 người dùng. Chúng tôi ghi nhận các số liệu cũng như nhận được 1.000 tin nhắn hỏi về địa chỉ để mua sản phẩm – vậy nên chúng tôi đi đến kết luận rằng nó (Wiindi) phải trở thành một sản phẩm hướng đến phong cách thời trang”. Phúc cũng nói Facebook là kênh tiếp cận khách hàng dễ dàng nhất ở Việt Nam với 36 triệu người dùng “trung thành” mỗi tháng.

Wiindi kiếm tiền từ việc người dùng mua các sản phẩm, từ 3 đến 10% tùy mặt hàng. Trong tương lai, họ còn lên kế hoạch tăng lợi nhuận bằng việc khai thác dữ liệu về thói quen mua sắm của người dùng.

Vừa tốt nghiệp khóa đào tạo của JFDI (chuyên về các hoạt động đào tạo kinh doanh), Phúc cho biết nhờ vào đó mà startup của mình “tròn trĩnh” hơn. “Trước khi tham gia JFDI, chúng tôi chỉ chú ý đến sản phẩm và người dùng, không chú ý đến người bán hàng hay đối tác. Riêng tôi chú ý đến việc xây dựng các sản phẩm được mọi người yêu thích, các thành viên khác thì tập trung vào tìm kiếm nguồn hàng và đối tác”, anh chia sẻ.

Hiện nay, Wiindi có thiết lập quan hệ đối tác với hai trong số những trang web thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam Haravan và Bizweb. Việc này sẽ giúp Wiindi có thể cập nhật nhanh hơn các thông tin về hàng mới hay số lượng hàng có sẵn của các cửa hàng, phục vụ tốt hơn cho việc phối ghép trang phục của mình.

 

 

 

Phúc từng làm Kiến trúc sư phần mềm tại nhóm Nghiên cứu và Phát triển của Hewlett-Packard Israel (HP Israel) trong lúc vừa bắt đầu startup của riêng mình. Ý tưởng đầu tiên của anh là hệ thống quản lý đặt chỗ và lên lịch hẹn cho bệnh nhân gặp thất bại 1 năm sau đó. Ý tưởng khởi nghiệp thứ 2 là outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) mà anh cũng bị để lại phía sau để tập trung cho Wiindi.

Khi hồi tưởng lại, anh cho rằng mình lẽ ra nên nghỉ việc nhiều năm trước nữa nhưng bước ngoặt thực sự là khi anh tham gia JFDI. Sau khóa đào tạo này cả anh và những người bạn đều đồng loạt nghỉ việc để có toàn thời gian cho Wiindi. Dù nghĩ rằng lẽ ra mình nên tập trung vào Wiindi từ sớm hơn nhưng kinh nghiệm trong những lần trước nhắc anh về những nguy cơ phải đối mặt và cân nhắc giữa việc giữ một công việc ổn định và khởi tạo sự nghiệp riêng.

“Sau hai năm, tôi học được cách tập trung. Bạn phải tìm ra điều quan trọng nhất và bắt đầu tập trung vào đó càng sớm càng tốt. Trong suốt hai năm qua, chúng tôi tạo ra rất nhiều thứ cũng như nhiều rắc rối. Nhưng hiện tại chúng tôi tập trung vào người dùng, các đối tác và những thứ khả thi”, Phúc cho biết.

Ngay lúc này, Wiindi sẽ tập trung hoạt động ở thị trường Việt Nam nhưng cũng có kế hoạch mở rộng ra Thái Lan và Indonesia trong tương lai.

Link tải ứng dụng Wiindi cho iOS

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang