Dù cùng có camera kép nhưng ảnh chụp trên HTC One m8, Huawei P9, LG G5 và iPhone 7 Plus lại có hiệu ứng khác nhau hoàn toàn. Cùng tìm hiểu tại sao lại có sự khác biệt đó trong bài viết sau nhé!
Apple iPhone 7 Plus phiên bản đỏ.
Thực ra camera kép trên smartphone không có gì quá xa lạ vì nó đã được ra mắt các đây vài năm. Tuy nhiên thời điểm chín rộ của nó đã tới khi hầu hết tất cả các smartphone flagship hiện nay đều được trang bị ít nhất là 1 cụm camera kép ở mặt sau (cá biệt như Huawei Mate 10 sẽ có tận 2 cụm camera kép trước và sau). Các mẫu smartphone được trang bị camera kép đầu tiên có thể nói đến là Evo 3D và One m8 đến từ HTC. LG tiếp đến cũng nhảy vào cuộc đua với G5 với ống kính góc rộng tuyệt vời trong năm đó. Apple sau đó quyết định nâng cấp hệ thống camera của iPhone 7 Plus với cụm camera kép chụp xa trong khi Huawei còn có ý tưởng khác độc đáo hơn với cụm camera monochrome đơn sắc mang thương hiệu Leica trên P9.
Như vậy có bao nhiêu loại camera kép trên smartphone hiện nay và chúng khác nhau như thế nào? Quan trọng hơn hết, chúng chụp ảnh tốt ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!
Cảm biến xa gần
Đây là dạng cơ bản nhất của hệ thống camera kép trên smartphone hiện nay. Trong hệ thống này, camera chính sẽ được camera phụ hỗ trợ có chức năng quét 3D các vật thể trong khung hình tạo thành một bản đồ 3D. Điều đó tương tự như mắt người khi có 2 mắt khác nhau giúp phân biệt được độ sâu của vật thể vậy, đặc biệt là các vật thể nằm gần mắt.
HTC One m8.
Camera thứ 2 trên smartphone cũng sẽ hoạt động tương tự như mắt người. Bằng camera này, hệ thống sẽ có thể nhận biết một cách rõ ràng vật thể được lấy nét có khoảng cách như thế nào với các vật thể khác ngoài nét. Các thông tin này sau đó được xử lý và dùng để tách vật thể đứng trước với các vật thể trong background.
Ứng dụng phổ biến nhất của hệ thống camera kép này là "chụp hình sâu deep", hay nói cách khác là chụp xóa phông đấy! Ảnh chụp từ hệ thống này có hiệu ứng chiều sâu tương tự như trên các máy ảnh DSLR với cảm biến lớn và lens chuyên dụng. Camera trên smartphone không thể hoàn toàn sao chép y hệt vậy mà thay vào đó nó nó sẽ dùng thuật toán để nhận ra đường viền cho các vật thể phía trước sau đó thêm hiệu ứng làm mờ trên phông nền ở phần còn lại. Ta da, thế là bạn đã có một tấm ảnh chụp xóa phông để "sống ảo" trên mạng xã hội rồi đấy.
Ví dụ rõ ràng nhất về ảnh chụp xóa phông để các bạn tham khảo.
Nghe trên lý thuyết thì rất hấp dẫn phải không ạ? Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của hệ thống này là vật thể phía trước phải có viền rõ ràng nếu không phần viền của vật thể sau khi lên ảnh cũng sẽ bị làm mờ theo background. Và dù nó có hiệu quả tới đâu đi chăng nữa thì ảnh đã xóa phông vẫn không tự nhiên như được chụp bằng máy ảnh DSLR. Cụ thể, trên DSLR, càng xa vật thể thì phông càng mờ hơn khác với độ mờ gần như là giống nhau trên ảnh chụp xóa phông của smartphone.
Hệ thống camera có riêng hẳn một cảm biến nhận diện chiều sâu thì rất hiếm ở thời điểm hiện tại.
Monochrome
Hệ thống này cũng khá phổ biến nhưng không bằng loại trên. Ở hệ thống này, 2 camera gần như giống nhau: sử dụng chung cảm biến, có cùng khẩu độ, thấu kính và hệ thống tự động lấy nét. Khác biệt duy nhất là camera thứ 2 sẽ không có filter RGB, nói cách khác, nó chỉ có thể chụp ảnh đen trắng mà thôi. Ít đi một bộ lọc cản trở ánh sáng đi vào cảm biến hơn, camera này có thể thu được nhiều ánh sáng hơn cho chất lượng ảnh tốt hơn.
Huawei P9.
Mỗi khi bạn chụp ảnh, hệ thống sẽ gộp 2 hình ảnh xuất ra từ cả 2 camera rồi kết hợp chúng lại với nhau nhằm có được hình ảnh chi tiết hơn và đọ nhiễu giảm đáng kể. Nếu không thích màu, bạn có thể chuyển sang chụp ảnh đen trắng với chất lượng hình ảnh vượt trội hơn chút xíu.
Chất lượng hình ảnh của hệ thống này khỏi cần bàn cãi, mọi thứ đã có hệ thống lo, bạn chỉ cần bấm máy mà thôi.
Ảnh chụp từ Huawei P9.
Hệ thống camera này không có nhiều nhược điểm thực tế sử dụng khi nó tăng cường chất lượng hình ảnh thay vì thêm hiệu ứng khác nhau.
Chụp góc rộng
Lần đầu xuất hiện trên LG G5 vào năm ngoái, camera góc rộng đúng như tên gọi của nó sẽ cho hình ảnh chụp một góc rộng cực rộng mà không cần phải dời vị trí của camera ra phía sau. Cụm camera kép của G5 gồm 1 camera chính 16MP 29mm f/1.8 và một camera phụ 8MP 12mm f/2.4. Camera phụ với độ dài 12mm cho góc chụp cực rộng mà không cần đến các phụ kiện như lens chụp góc rộng.
LG G5.
Gần đây thì Motorola cũng ra mắt một mẫu smartphone với camera tương tự là X4. Với camera như vậy, việc chụp một nhóm đông người sẽ không phải gặp khó khăn quá nhiều khi phải di chuyển ra xa.
Nói đi cũng phải nói lại, Camera góc rộng không thể nào so sánh với camera chính về chất lượng hình ảnh được. Tuy nhiên LG cũng đã có nhiều cải tiến cho hệ thống này trên chiếc V30 mới ra mắt hồi năm ngoái khi camera phụ không chỉ có chất lượng hình ảnh tốt hơn mà giảm thiểu một cách rõ rệt hiện tượng méo ảnh. So sánh ảnh chụp giữa camera thường và camera góc rộng trên LG G5.
Telephoto
Phổ biến nhất hiện nay trên các smartphone hiện đại là hệ thống camera kép chụp xa hay còn gọi là Telephoto. Đơn giản thì ngoài camera chính thông thường thì còn camera phụ có lens tele. Như các bạn có thể đoán ra, camera này có tác dụng trái ngược hoàn toàn với camera góc rộng ở trên khi cho phép bạn zoom vào chủ thể thay vì zoom ra.
Apple iPhone 7 Plus.
Kể từ khi 7 Plus ra đời thì ngày càng có nhiều nhà sản xuất tích hợp camera phụ có thể zoom 2x vào hệ thống camera kép trên smảtphone của mình. Điều này có nghĩa là bạn có thể zoom 2 lần, zoom quang học hẳn hoi nhé.
Hệ thống này có nhiều ưu điểm. Đầu tiên và rõ ràng nhất, bạn có thể zoom quang học 2x mà không giảm thiểu chất lượng hình ảnh so với zoom kỹ thuật số trên hầu hết các smartphone hiện nay.
Ảnh chụp góc rộng và tele trên iPhone 7 Plus.
Điểm lợi thứ 2 của hệ thống này là phù hợp cho việc chụp chân dung hơn so với camera góc rộng, chủ thể cũng "phẳng" hơn, ít bị méo hình hơn. Vài nhà sản xuất còn cho thêm hiệu ứng xóa phông tương tự như loại đầu tiên đã đề cập ở trên (Camera chính giờ đây có thêm cảm biến xa gần). Sự kết hợp của lens tele photo và hiệu ứng làm mờ cho chất lượng ảnh vượt xa so với camera góc rộng.
Tất nhiên nó cũng có nhược điểm của riêng minh. Hiện tại không có nhiều nhà sản xuất đủ "trình" để kết hợp camera này. iPhone 7 Plus khi ra thị trường chỉ có khẩu độ f/2.8 trên camera phụ so với f/1.8 trên camera chính. Nói chung khẩu độ của hệ thống này thường thấp hơn các hệ thống khác, khiến chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng có phần khó khăn hơn.
Trên đây là các khác biệt cơ bản của 4 hệ thống camera kép thường thấy trên smartphone mà bạn có thể tham khảo. Chúc bạn có được lựa chọn camera kép như ý trên smartphone của mình.
Jelly Donuts
Tham khảo gsmarena