Kết quả benchmark trên bản cập nhật mới của Windows 10 rất là khả quan và có phần trội hơn so với bản cập nhật trước
Mới đầu năm, nhưng giới công nghệ toàn thế giới đã được một phen "dậy sóng" trước thông tin được công bố về hai lỗ hổng bảo mật rất lớn là Meltdown và Spectre, đe dọa hàng tỷ thiết bị trên toàn cầu. Trong khi lỗ hổng Spectre có mặt trên hầu như tất cả mọi bộ vi xử lý và không có cách nào giải quyết triệt để lỗ hổng này trừ việc thiết kế lại CPU, thì lỗ hổng Meltdown lại là vấn đề của riêng Intel. Tuy nhiên với mức độ phổ biến của chip Intel trên thị trường thiết bị điện tử, số lượng các thiết bị có thể bị ảnh hưởng cũng là rất, rất lớn.
Chính bởi vậy, các hệ điều hành đều đã được cập nhật vá lỗ hổng Meltdown để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia công nghệ trên thế giới, thì bản vá này sẽ khiến cho hiệu năng của máy tính bị sụt giảm từ khoảng 20 đến 30% - một con số khiến cho rất nhiều người cảm thấy quan ngại.
May mắn thay, kết quả benchmark sơ bộ trên hệ điều hành Linux 4.5 sau khi cập nhật bản vá cho thấy, đối với cấp độ người dùng phổ thông cũng như game thủ, thì những ảnh hưởng của bản vá lỗ hổng Spectre đến với hiệu năng là không đáng kể. Những ảnh hưởng đến hiệu năng chỉ có thể thấy rõ ở máy chủ của các ông lớn cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon, Google, hay Microsoft mà thôi.
Nhưng đấy là kết quả benchmark trên hệ điều hành Linux, còn đối với Windows - hệ điều hành đang "chiếm lĩnh" thị trường thì sao? Hãy cùng chúng tôi đến với một số kết quả so sánh về hiệu năng của máy trước và sau khi cập nhật bản vá lỗ hổng Meltdown xem nhé.
So sánh tốc độ đọc/ghi dữ liệu trước và sau patch:
Thiết bị được thử nghiệm: Ổ cứng SSD Samsung 960 PRO 2TB NVMe
Kết quả trước Patch
Kết quả sau Patch
Có thể thấy, tốc độ đọc/ghi dữ liệu sau khi cập nhật bản vá mới nhất cho Windows đã bị sụt đi, tuy nhiên con số này là không đáng kể. Đối với cấp độ người dùng phổ thông, có lẽ những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, và thậm chí sẽ không có quá nhiều người nhận ra chúng.
Bài thử số 2: FryBench x64
FryBench khá phù hợp để so sánh hiệu năng sau bản cập nhật vá lỗ hổng CPU, bởi lẽ bài thử này nặng về CPU và bộ nhớ. Kết quả cho thấy rằng sau khi cập nhật, bài test được hoàn thành chậm hơn trước khoảng 3 giây, và cũng là một con số không đáng kể.
Bài thử FryBench, thời gian càng ngắn càng tốt
Bây giờ, hãy cùng đến với phần mà nhiều game thủ quan tâm nhất: so sánh hiệu năng chơi game trước và sau khi cập nhật bản vá lỗ hổng Meltdown trên hệ điều hành Windows 10, sử dụng CPU i7 5960X và VGA GeForce 1080 TI
Thử nghiệm với hai tựa game là Rise of The Tomb Raider và Ghost Recon Wildlands ở độ phân giải 1920x1080, có thể thấy FPS không bị ảnh hưởng gì sau khi cập nhật bản Patch vá lỗ hổng Meltdown.
Bài thử cuối cùng: 3DMark: Time Spy, tính điểm CPU
Điểm số càng cao, càng tốt
Không, các bạn không nhìn lầm đâu. Đối với bài thử này, điểm số CPU sau khi patch thậm chí còn cao hơn cả trước khi vá lỗ hổng Meltdown.
Tổng kết:
Với kết quả như trên, có thể thấy rằng người dùng máy tính phổ thông, cũng như các game thủ không cần phải quá lo lắng về việc bản cập nhật vá lỗ hổng Meltdown sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng của máy. Trong những trường hợp mà hiệu năng của máy bị ảnh hưởng, con số chênh lệch so với trước cũng chỉ khoảng 2-3% mà thôi. Vậy nên, vì sự an toàn cho chiếc máy tính của bạn, hãy nhanh chóng cập nhật hệ điều hành của mình lên phiên bản mới nhất đi, nó không làm cho máy chậm đi đâu.
Theo Trí Thức Trẻ