BBK Electronics sở hữu 3 thương hiệu di động lớn là Oppo, Vivo và OnePlus. Thống kê chỉ ra họ cùng với Apple đang là những hãng di động lớn thứ 2 thế giới.
Sau Samsung, Apple, mọi hãng di động đều muốn đánh chiếm vị trí thứ 3 của làng smartphone thế giới. Huawei đang muốn nhăm nhe vị trí này với những nỗ lực không biết mệt mỏi tại châu Á, châu Âu và giờ là Mỹ. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, họ phải vượt qua một cái tên ít nổi tiếng hơn nhiều – BBK Electronics.
BBK là tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc, sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, gồm headphone, đầu blu-ray và smartphone. Họ nắm giữ một số hãng di động được nhiều người yêu thích như Oppo, Vivo hay OnePlus.
BBK là ai?
BBK Electronics hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực từ những năm 1990. Công ty này gắn liền với danh tiếng của tỷ phú Duan Yongping. Sau khi kiếm được hơn 1 tỷ tệ từ thiết bị chơi game “Subor” – đối thủ của NES (Nintendo Entertainment System), Duan rời bỏ vị trí điều hành nhà máy sản xuất ở Trung Quốc năm 1995. Ông này sáng lập Bubugao, tiền thân của BBK. Công ty hiện có nhà máy sản xuất trải rộng 10 ha và hơn 17.000 nhân viên.
BBK Electronics bắt đầu sản xuất đầu CD, MP3, đầu DVD cùng một loạt thiết bị gia dụng khác. Năm 2004, Duan sáng lập ra Oppo cùng với CEO Tony Chen. Oppo phát triển dựa vào kinh nghiệm bán đầu DVD và Blu-ray của Duan, trước khi chuyển sang sản xuất smartphone.
Vivo xuất hiện muộn hơn, vào năm 2009. Người sáng lập vẫn là Duan và CEO Shen Wei. Smartphone đầu tiên của Vivo ra đời năm 2011.
OnePlus, thương hiệu của BKK thân thuộc với người dùng phương Tây nhất, không do Duan sáng lập. Nó là con cưng của cựu Phó chủ tịch Oppo là Pete Lau và Carl Pei năm 2013, là công ty con của Oppo, đồng nghĩa thuộc sở hữu của tập đoàn BBK.
OnePlus là thương hiệu cao cấp nhất. Cách bán hàng của nó cũng khác với Oppo hay Vivo. OnePlus tập trung vào việc bán hàng online thông qua các nền tảng như Amazon, giúp BBK xâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ.
Thứ 2 hoặc thứ 3, tùy cách bạn nghĩ
Trên thị trường smartphone, BBK là một ông kẹ thực sự, dù hầu hết người dùng chưa từng nghe về họ. Oppo và Vivo từ lâu là những nhà sản xuất lớn, không chỉ tại Trung Quốc mà trên bình diện quốc tế.
Tại Trung Quốc, Oppo và Vivo đã vượt mặt hiện một thời là Xiaomi, xây dựng hệ thống bán lẻ lớn mạnh trong khi Xiaomi vẫn tập trung bán online. Samsung, Apple đều gặp khó tại thị trường này vì sự lớn mạnh của các thương hiệu nội địa, trong đó có hệ thống của BBK.
Theo Counterpoint Research, Huawei là thương hiệu riêng lẻ lớn nhất Trung Quốc với 20,2% thị phần nhưng Oppo và Vivo xếp ngay phía sau với lần lượt 18,8 và 17%. Kết hợp lại, smartphone của BBK có đến 35,8% thị phần.
Trên thị trường quốc tế, Gartner công bố Oppo bán được 30,9 triệu smartphone trong quý I/2017. Vivo bán 25,8 triệu máy, tổng cộng là 56,7 triệu. Trong khi đó, Samsung bán được 78,6 triệu smartphone còn Apple là 51,9 triệu cùng thời điểm.
BBK bán được nhiều điện thoại hơn so với Apple trong quý I, đưa họ lên vị trí thứ 2 theo Gartner.
Trong khi đó, báo cáo của IDC lại khẳng định Apple xếp thứ 2 với 14,7% thị phần. Trong khi đó, Samsung dẫn đầu với 23,3%, Huawei có 10% còn Oppo và Vivo lần lượt là 7,5 và 5,5% (tổng cộng là 13%). Doanh số của OnePlus chưa đủ để chiếm 1% thị phần nên thống kê không có ý nghĩa.
Thống kê từ các hãng nghiên cứu luôn có sai sót. Sự chênh lệch giữa IDC và Gartner cho thấy BBK và Apple đang đuổi bám sát nút ở vị trí thứ 2 thị trường.
Tiến về phía trước
BBK Electronics không có vẻ hài lòng với vị thế ở riêng trung Quốc. Thương hiệu này vừa vượt mặt Samsung, trở thành hãng sản xuất lớn nhất Ấn Độ. Họ cũng vừa cho ra đời thương hiệu mới mang tên Ikoo. Thương hiệu smartphone thứ 4 này nhắm đến đối tượng học sinh, muốn tạo ra chiếc di động mang tính giáo dục đầu tiên.
Bằng cách trải rộng nhiều thương hiệu, BBK có thể dễ dàng nhắm đến nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Chiến lược này đã thành công tại Trung Quốc trong khi ở những thị trường khác, mọi thứ mới ở dạng tiềm năng.
Theo zing