Có lẽ bất cứ một tín đồ công nghệ nào cũng đều đã quen với suy nghĩ rằng Apple có vấn đề thực sự với nguồn cung iPhone X trong năm nay. Song, cơn bão truyền thông về chiếc iPhone đắt giá này đang tồn tại nhiều điểm đáng ngờ. Liệu tất cả mọi thứ có nằm trong dự trù của "cáo già" số 1 ngành hi-tech?
Với ngoại lệ là chiếc iPhone 7 không nhiều thay đổi vào năm ngoái, gần như bất kỳ một chiếc iPhone mới nào cũng luôn tạo ra những cơn sốt không có tiền lệ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Năm nay, cơn sốt ấy trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết với iPhone X: ngay bây giờ, các cửa hàng Việt Nam đang đặt giá hơn gần 40 triệu đồng cho những chiếc iPhone X đầu tiên sắp về nước qua đường xách tay.
Còn trên thế giới, ngày mở đặt hàng của iPhone X chấm dứt một cách chóng vánh trong vòng... vài phút. Người mua phát sốt, báo chí phát sốt khi các đơn đặt hàng được đặt thông báo sẽ có hàng trong 4-6 tuần lễ nữa.
Những tưởng sẽ chẳng có chiếc iPhone nào "hot" được như iPhone 6 hồi 2014...
Nhưng Apple đã luôn là khuôn mẫu học tập cho ngành cung ứng toàn cầu. Tim Cook là bậc thầy, là huyền thoại cho những kẻ muốn học SCM: trong lĩnh vực quản lý cung ứng, các "thành tựu" của Tim Cook được người ta kể đi kể lại không khác gì startup kể chuyện Jack Ma, lập trình viên kể chuyện Agile hay kỹ sư ô tô kể chuyện Toyota JIT.
Ví dụ, năm 1998, vừa về với "đội của Steve", Cook đã nhanh tay đóng cửa 10/19 nhà kho của Apple và xây dựng chuỗi vận chuyển kín kẽ đến mức đối thủ Compaq không kịp tìm ra dịch vụ vận chuyển cho mùa Giáng Sinh năm đó.
Trong suốt nhiều tháng, từ trước khi Apple công bố sản phẩm, chúng ta đã luôn nhắc đến vấn đề cung ứng của một bậc thầy về cung ứng.
Rõ ràng là những lùm xùm xung quanh iPhone X đang khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu một bậc thầy về chuỗi cung ứng có thể gặp nhiều khó khăn đến thế? Câu trả lời là "có thể", bởi chưa có một hãng sản xuất hay một nhà cung ứng nào tạo ra một bộ camera phức tạp phục vụ cho máy học trên smartphone như Face ID trước Apple cả. Lần đầu tiên trong nhiều năm, iFan phải đợi đến 2 tháng kể từ ngày ra mắt iPhone mới cho đến ngày được cầm sản phẩm lên tay.
Nhưng trong suốt 2 tháng đó, những cuộc trò chuyện về iPhone X cũng chưa bao giờ ngừng nghỉ cả. "Nhà phân tích A" nói thế này, "báo B" nói thế nọ, Tim Cook bảo "hãy chờ xem"... Đến cả những cái tên vô nghĩa với người dùng cuối như Dialog Semiconductor, STMicroelectronics, Austria Microsystems cũng lên báo: trước cơn sốt bắt nguồn những nỗi lo dành cho nguồn cung của iPhone X, đến cả nhà cung ứng của Apple cũng bị đem ra mổ xẻ.
Một công ty dám sa thải một nhân viên bậc cao vì dám để cho con gái mình quay video iPhone X liệu có để cho báo giới thoải mái nhòm ngó vào chuỗi cung ứng?
Mà Apple thì vẫn nổi tiếng là kín kẽ và thẳng tay. Thẳng tay đến mức sa thải nhân viên chỉ vì ông này dám để cho con gái mình quay video iPhone X rồi đăng lên mạng. Luật báo chí nước ngoài cũng không cho phép các trang tin có thể thoải mái đăng tin ẩn danh nếu chưa xác định được mức độ chân thực (tương đối) của nguồn tin. Các tin tức về chuỗi cung ứng của Apple sẽ không thể xuất hiện dày đặc đến vậy nếu không có một mức độ đèn xanh nhất định từ bộ sậu Tim Cook.
Những tín hiệu nối tiếp những tín hiệu: rất sát với ngày phát hành iPhone X, Apple vẫn tuyên bố sẽ có hàng cho khách mua lẻ tại cửa hàng. Cách đó chỉ vài ngày, các nguồn tin khẳng định nguồn cung của Apple cũng đang dần ổn định trở lại. Cuối tháng 10, một loạt các trang tin đưa tải nội dung: Đơn hàng iPhone X có thể đi sớm hơn dự kiến.
Rõ ràng có điểm gì đó không đúng trong cái cách dư luận đang nhìn vấn đề nguồn cung iPhone X. Chúng ta tin rằng iPhone X sẽ thiếu hàng. Nhưng Apple có đủ tài trí để... không thiếu hàng, và thực tế là hàng cũng không thiếu đến vậy.
Gần đây, nhiều người phát hiện ra rằng thời gian giao hàng của Apple đã được rút ngắn và không hề tệ như suy nghĩ ban đầu.
Có vẻ như, một cơn sốt "ảo" (hay đúng hơn là... "ảo" hơn thông thường) có đang xuất hiện.
Tại sao lại phải khiến iPhone "sốt" hơn mọi năm? Hãy nhìn lại mức giá của iPhone X: 1000 USD. Hàng năm liền Tim Cook đã bán iPhone mới ở giá khởi điểm 650 USD/750 USD, đến năm nay Apple đưa ra mức tăng thậm chí còn mạnh tay hơn cả Samsung (Note8: 960 USD) lẫn Google (Pixel 2 XL: 850 USD).
Một sản phẩm đắt đỏ sẽ luôn tồn tại nguy cơ "ế". iPhone X cũng mang quá nhiều thay đổi phá cách, cũng chỉ có cấu hình ngang với iPhone 8. Nhưng chiếc iPhone X đắt đỏ vẫn là chiếc iPhone tốt nhất hiện tại. Người dùng chắc chắn là có thích iPhone X hơn iPhone 8 và cũng có lý do để chùn chân.
Làm thế nào để thuyết phục các tín đồ nhanh chóng từ bỏ sự nghi ngại và móc ra cả nghìn đô để mua iPhone X?
Làm thế nào để iPhone nghìn đô thêm "hot"?
Giải pháp: hãy thúc giục họ bằng nỗi sợ thiếu hàng. Và cao tay hơn nữa, hãy để họ bàn tán về nỗi sợ thiếu hàng trong suốt 2 tháng kể từ ngày ra mắt cho đến ngày họ được cầm chiếc X mơ ước trên tay.
Thay mặt Tim Cook, cả thế giới công nghệ từ báo chí, Phố Wall cho đến fan và anti-fan đang cùng nhau gào lên: "Không mua nhanh, đến Xmas không có iPhone xịn nhất để mà dùng".
Theo genk