YouTube tiếp tục là “ổ chứa” hàng ngàn phim lậu: Hơn 250 triệu lượt xem, gây thiệt hại lớn cho Hollywood
YouTube bị phát hiện chứa hàng ngàn video vi phạm bản quyền với hàng trăm triệu lượt xem dù đã triển khai hệ thống Content ID.
Dù là đối tác phát trực tuyến hợp pháp của Hollywood, YouTube vẫn bị phát hiện chứa hàng ngàn phim và chương trình có bản quyền bị chia sẻ trái phép. Báo cáo từ Adalytics cho thấy tình trạng vi phạm này có thể gây thiệt hại hàng triệu USD cho các hãng phim.
Hơn 9.000 video vi phạm bản quyền, hàng trăm triệu lượt xem
Theo nghiên cứu mới từ công ty phân tích quảng cáo Adalytics, YouTube hiện đang lưu trữ hơn 9.000 video vi phạm bản quyền, bao gồm cả phim chiếu rạp, loạt phim độc quyền Netflix, các chương trình truyền hình nổi tiếng như Family Guy, thậm chí cả truyền hình trực tiếp các trận bóng bầu dục đại học Mỹ.
Những nội dung này thu hút hơn 250 triệu lượt xem, phần lớn được đăng tải trong khoảng thời gian từ tháng 7/2024 đến tháng 5/2025. Trong đó có cả những phim vừa ra mắt như live-action Lilo & Stitch của Disney, phát hành chính thức ngày 23/5/2025. Dù mới phát hành, phim đã có hơn 200.000 lượt xem lậu trên YouTube, có thể khiến hãng mất doanh thu đáng kể.
Youtube hiện đang chứa rất nhiều video ”lậu” về phim hoặc các chương trình nổi tiếng
Content ID – Hệ thống “gác cổng” còn nhiều lỗ hổng?
YouTube cho biết nền tảng sử dụng Content ID, một hệ thống quét dấu vân tay kỹ thuật số để phát hiện và xử lý các video vi phạm bản quyền. Theo phát ngôn viên Youtube Jack Malon, hệ thống này đã đánh dấu tới 2,2 tỷ video nghi ngờ vi phạm bản quyền chỉ trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, người sáng lập Adalytics, ông Krzysztof Franaszek cho rằng hệ thống này chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, phần lớn video vi phạm vẫn tồn tại nếu chủ sở hữu chọn kiếm tiền từ quảng cáo thay vì phải chấp hành yêu cầu gỡ bỏ. Thống kê cho thấy khoảng 90% video bị gắn cờ vẫn được giữ lại, chỉ có 10% bị xóa.
Tranh cãi giữa YouTube và giới phân tích
YouTube phản bác báo cáo của Adalytics, gọi đây là chiêu trò tiếp thị gây chú ý. Jack Malon khẳng định việc gọi các video được giữ lại là “nội dung lậu” là thiếu hiểu biết về cơ chế hiện tại của nền tảng.
Tuy nhiên, Franaszek cho biết nghiên cứu được tiến hành sau khi nhiều khách hàng của Adalytics phát hiện rằng 60% ngân sách quảng cáo của họ đổ vào các video đã bị xóa khỏi YouTube. Vì khi video bị gỡ, toàn bộ dữ liệu quảng cáo đi kèm cũng biến mất, khiến các nhà quảng cáo không thể biết rõ họ đã chi tiền cho nội dung gì.
Việc này gây mất niềm tin từ phía đối tác Hollywood của Youtube
Nguy cơ mất niềm tin từ đối tác và người dùng
Vấn đề không chỉ nằm ở bản quyền nội dung, mà còn ở tính minh bạch và trách nhiệm. Các nhà quảng cáo ngày càng đòi hỏi sự rõ ràng về phần ngân sách mà họ đã ”đổ vào”, đặc biệt trong bối cảnh vi phạm bản quyền vẫn âm thầm diễn ra.
Dù YouTube đang nỗ lực siết chặt kiểm soát, tình trạng phát tán phim lậu trên nền tảng này vẫn tiếp tục là mối lo ngại, không chỉ với các hãng phim mà cả với các đối tác quảng cáo toàn cầu của ứng dụng này.
Bài cùng chuyên mục