Trung Quốc có thể trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới vào năm 2030 với 30% công suất toàn cầu, có thể vượt Đài Loan. Dù sản lượng tăng mạnh, quốc gia này vẫn đối mặt thách thức công nghệ do lệnh cấm từ Mỹ.
Bất chấp các biện pháp kiểm soát công nghệ từ Mỹ, Trung Quốc đang tiến nhanh trên con đường trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Theo dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường Yole Group, đến năm 2030, Trung Quốc có thể chiếm tới 30% tổng công suất sản xuất chip toàn cầu.
Trung Quốc tăng tốc sản xuất bán dẫn bất chấp cấm vận từ Mỹ
Theo báo cáo mới công bố của Yole Group, hiện tại Đài Loan đang chiếm 23% công suất sản xuất bán dẫn toàn cầu, theo sau là Trung Quốc với 21%, Hàn Quốc 19%, Nhật Bản 13%, Mỹ 10%, và châu Âu 8%. Tuy nhiên, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt lên vị trí dẫn đầu vào năm 2030 nhờ những khoản đầu tư khổng lồ vào ngành bán dẫn trong nước, thúc đẩy bởi mục tiêu tự chủ công nghệ từ chính phủ Bắc Kinh.
Riêng trong năm 2024, sản lượng bán dẫn của Trung Quốc đã đạt 8,85 triệu tấm wafer mỗi tháng, tăng 15% so với năm trước và dự kiến chạm 10,1 triệu tấm vào năm 2025. Động lực chính đến từ việc xây dựng 18 nhà máy sản xuất mới, trong đó có nhà máy bắt đầu hoạt động từ đầu năm nay của Huahong Semiconductor tại Vô Tích.
![Trung Quoc co the vuot Dai Loan de tro thanh trung tam san xuat chip lon nhat the gioi vao nam 2030 công nghệ Trung Quốc]()
Tuy có thể sản xuất số lượng lớn nhưng công nghệ vẫn còn là một thách thức lớn do lệnh cấm từ Mỹ
Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung chip từ châu Á
Mặc dù là quốc gia tiêu thụ bán dẫn lớn nhất thế giới với khoảng 57% tổng cầu toàn cầu, Mỹ chỉ sở hữu khoảng 10% công suất sản xuất wafer. Điều này khiến Washington phải nhập khẩu phần lớn linh kiện từ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khi đó, Nhật Bản và châu Âu chủ yếu sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, còn Singapore và Malaysia chiếm khoảng 6% tổng công suất toàn cầu, chủ yếu đóng vai trò vệ tinh sản xuất cho các công ty đa quốc gia phục vụ nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc.
Nhiều nhà máy đang được xây dựng tại Mỹ nhưng chưa tính vào báo cáo
Báo cáo của Yole không tính đến các nhà máy đang được xây dựng tại Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là TSMC (công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới đến từ Đài Loan) với kế hoạch sản xuất 30% sản lượng chip tiên tiến tại Arizona. Nhiều ông lớn khác như Intel, Samsung, Micron, GlobalFoundries và Texas Instruments cũng đang có các dự án nhà máy bán dẫn quy mô lớn tại Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà máy này hiện vẫn trong quá trình xây dựng và chưa thể tác động ngay tới bảng xếp hạng sản lượng toàn cầu.
![Trung Quoc co the vuot Dai Loan de tro thanh trung tam san xuat chip lon nhat the gioi vao nam 2030 2 nhà máy Mỹ]()
Trung Quốc dự kiến trở thành quốc gia sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới
Công suất lớn nhưng công nghệ vẫn là dấu hỏi lớn đối với Trung Quốc
Dù Trung Quốc có thể vươn lên dẫn đầu về sản lượng nhưng khả năng sản xuất chip tiên tiến vẫn còn nhiều hạn chế. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ đã khiến Trung Quốc khó tiếp cận các thiết bị quan trọng như máy in thạch bản (lithography) hay phần mềm thiết kế vi mạch EDA (Electronic Design Automation).
Chính phủ Trung Quốc đang đổ hàng tỷ USD để tự phát triển các công nghệ thay thế để đối đối phó với vấn đề này. Dù vậy, theo các chuyên gia, khoảng cách công nghệ với phương Tây vẫn là rào cản lớn, đặc biệt trong việc sản xuất chip dưới 7nm – tiêu chuẩn cho các ứng dụng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.
Cuộc chạy đua công nghệ với các quốc gia phương Tây
Trung Quốc đang tăng tốc để thống trị ngành sản xuất bán dẫn toàn cầu trong thập kỷ tới, nhờ sản lượng khổng lồ và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước. Tuy nhiên, trong cuộc đua công nghệ, khả năng bắt kịp các quốc gia phương Tây trong lĩnh vực chip tiên tiến vẫn là một trở ngại lớn. Ai sẽ chiến thắng cuối cùng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.