Thể thao điện tử hay còn gọi là eSports đã và đang vươn mình trở thành một trong những nền công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới.
Có thể thấy, thể thao điện tử đang vươn mình trở thành một trong những nền công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới hiện nay. Chỉ mới vài năm trước thôi, khi nghe tới cụm từ “điện tử”, gần như tất cả mọi người chỉ hình dung ra những quán net đầy ắp những học sinh, mất thời gian, tiền bạc mà chẳng thu lại được gì.
Nhưng giờ đây, game thủ chuyên nghiệp đã trở thành một nghề phổ biến, thậm chí còn sở hữu thu nhập khủng không khác gì các nghề khác. Vậy nên, thay vì ghét bỏ, hãy học cách yêu eSports dần đi nhé, bạn sẽ ngạc nhiên và thấy hết sự thú vị của nó đấy. Vì đơn giản bây giờ, "thể thao điện tử" đồng nghĩa với doanh thu khủng, và rất nhiều tiền.
Nguồn lợi nhuận khổng lồ đến từ eSports
Newzoo – một công ty nghiên cứu mới đây đã tung ra con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, khi họ ước tính rằng, eSports sớm thôi, sẽ vươn mình trở thành một nền công nghiệp hàng đầu, tạo ra doanh thu xấp xỉ 1,1 tỷ đô vào năm 2019. Và điều này cũng chẳng có gì ngạc nhiên, khi bạn chỉ cần nhìn sang bộ môn DOTA 2 thôi, tổng giá trị giải thưởng của mùa chung kết thế giới mỗi năm lại càng tạo nên lịch sử, với con số gần nhất vượt qua mốc 20 triệu USD. Mà đó mới chỉ là một giải đấu, của một tựa game trong làng eSports nói chung thôi nhé. Điều đó đủ để chứng minh sự phát triển của nền công nghiệp mới nổi này trong tương lai.
Chơi game giờ không còn đơn giản chỉ là vì đam mê nữa
Thậm chí, sự phát triển của eSports còn gián tiếp mang lại nguồn thu cho khá nhiều các kênh đầu tư khác. Bạn hãy thử nghĩ mà xem, trước đây, chúng ta chỉ có khái niệm sử dụng Internet để chơi game, chứ làm gì có ai nghĩ tới việc trả phí Internet để xem các game thủ chuyên nghiệp thi đấu. Nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của eSports, những dịch vụ truyền hình trực tuyến như Youtube, Twitch, Beam cho phép người chơi từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể theo dõi thần tượng, đội tuyển yêu thích của mình thi đấu tại khắp các giải đấu như DOTA 2, LMHT, Hearthstone vào bất kỳ lúc nào.
Esport đang thu hút một lượng lớn khán giả
Vào năm 2015, Electronic Sports League, hay còn được biết tới với cái tên quen thuộc ESL đã thống kê rằng, tại ESL One Cologne Counter Strike, có tới hơn 27 triệu lượt khán giả theo dõi. Mà đâu riêng gì các kênh trực tuyến như vậy, thậm chí ở Việt Nam, giải đấu LMHT còn được phát sóng trên TV nữa kia.
Điều này đủ thấy mức độ phủ sóng của eSports trên toàn cầu đang lớn như thế nào, khi mà khán giả ngày nay đã không còn bị giới hạn bởi các rào cản về kinh tế cũng như địa lý trong quá khứ. Và một khi đã sở hữu lượng khán giả đông đảo, "thể thao điện tử" đương nhiên sẽ trở thành điểm đầu tư màu mỡ cho rất nhiều nhà tài trợ.
Game thủ chuyên nghiệp - Nếu có tài, bạn sẽ có tiền
Cũng không thể bỏ qua vai trò của các game thủ chuyên nghiệp – những người trực tiếp làm nên thành công của giải đấu và có sức hút lớn đối với khán giả. Bạn đừng nghĩ rằng chơi game chỉ đơn thuần là vì đam mê như trước. Ngày nay, việc "go pro" và bước đi trên con đường game thủ cũng sẽ hứa hẹn mang lại một núi thu nhập, nếu như bạn thật sự chứng minh được tài năng của mình đấy.
Các game thủ eSports giờ đây có thu nhập tương đối "khủng"
Những khoản thưởng, tiền đấu giải chắc chắn không bao giờ là ít, trong bối cảnh mà sức nóng và tính cạnh tranh của eSports đang lớn như hiện nay. Bên cạnh các khoản lương cứng từ nhà tổ chức thì đây cũng là nguồn thu tương đối đáng kể của người chơi.
Mà như đã nói ở trên, với việc hàng triệu khán giả sẵn sàng bỏ tiền và dành thời gian theo dõi, các game thủ cũng không thiếu nguồn thu, hay sự ổn định về tương lai trong trường hợp họ giải nghệ khi họ có thể chuyển hướng trở thành một streamer chuyên nghiệp. Ở Việt Nam cũng không thiếu những streamer nổi tiếng, có thể "sống khỏe" và "sống tốt" với đam mê cùng khát vọng của mình như Viruss, Pewpew, và dĩ nhiên trên thế giới cũng vậy. Một hợp đồng stream LMHT đối với các cựu game thủ nổi tiếng tại Trung Quốc có thể có giá trị lên tới 6 con số.
Thế nên, với những gì mà eSports đang mang lại, ít nhất là về mặt hiệu quả kinh tế, chúng ta chẳng có lý do gì mà ghét bỏ nó. Thay vào đó hãy yêu quý và tận hưởng những điều tốt đẹp mà nền công nghiệp mới mẻ này đang mang tới.
PC Mag
Theo Tri Thức Trẻ