Đây chính là lý do tại sao game không phải tất cả game trên Steam đều được hạ giá khi về Việt Nam
Kể từ ngày 14.11, Steam chính thức điều chỉnh giá toàn diện dành cho thị trường Việt Nam, đồng thời chấp nhận đơn vị thanh toán Việt Nam Đồng. Dù vậy, vẫn còn khá nhiều chi tiết khiến cộng đồng game thủ Việt băn khoăn, Thanh Niên Game xin giải đáp phần nào trong khuôn khổ bài viết này.
Giá niêm yết trên Steam chính là chi phí cuối cùng
Trước đây, khi thanh toán trực tiếp qua nên tảng phát hành game trực tuyến Steam, người dùng Việt Nam luôn phải trả thêm một khoản phí chuyển đổi đối với hầu hết kênh thanh toán phổ biến như Visa, Paypal,... khiến cho tổng giá trị của trò chơi bị dội lên so với mức niêm yết. Tình trạng này đã hoàn toàn được khắc phục sau đợt "hội nhập" thị trường Việt vào ngày 14.11 vừa qua của Steam.
Chi phí niêm yết bạn nhìn thấy, cũng chính là cái giá cuối cùng bạn phải trả
Trải nghiệm thực tế với tựa game Beat Cop được niêm yết với giá 65.999 VNĐ, sau khi thanh toán bằng thẻ Visa Debit được phát hành bởi ngân hàng Vietcombank, người viết nhận được thông báo thay đổi sổ dư bằng chính xác con số 65.999 VNĐ, kèm với thông báo thẻ được sử dụng tại Valve S.A.R.L (chi nhánh tại Luxembourg của Valve - hãng chủ quản Steam). Như vậy, kể từ thời điểm này, người dùng Steam tại Việt Nam có thể nắm bắt giá cả, quản lý tài chính thuật lợi hơn rất nhiều.
Điều chỉnh giá, quyền quyết định vẫn nằm ở nhà phát triển sở hữu trò chơi
Tuy nhiên, việc thanh toán trực tiếp Việt Nam Đồng chưa gây "sốc" với game thủ Việt bằng đợt điều chỉnh giá theo chiều hướng giảm rất toàn diện của Steam. Theo đó, hầu hết các trò chơi được phát hành qua nền tảng này đều có giá bán rẻ hơn so với trước đây, nhiều sản phẩm thậm chí còn được giảm hơn một nửa. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, đây là bước đà để Steam tiếp cận và thâm nhập thị trường Việt Nam - quốc gia có số lượng game thủ đông đảo.
Một sản phẩm game của Việt Nam trên Steam sau đợt điều chỉnh giá
Thế nhưng, trên thực tế Steam vẫn chỉ là đơn vị trung gian và hoàn toàn không áp đặt, điều chỉnh giá bán game trên "sân chơi" của mình, mà quyền quyết định nằm ở đơn vị phát triển/phát hành sở hữu trò chơi. Việc điều chỉnh giá để phù hợp với thị trường Việt - sau khi đã tách mình khỏi những luật lệ, ràng buột và định mức của nhiều thị trường quốc tế khác - là hành động dễ hiểu để trò chơi của họ có thể thích nghi, phù hợp với thị trường Việt.
Đây là chi tiết hoàn toàn rất bình thường đối với ngành phân phối game trực tuyển, PSN Store (dành cho PlayStation) cũng có giá bán sản phẩm rất khác nhau giữa các thị trường, tương tự, một ví dụ khác là Steam Malaysia cũng sở hữu hệ giá niêm yết khác biệt.
Vẫn chưa thể thanh toán bằng thẻ nội địa
Chứng kiến việc Steam chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng đơn vị tiền Việt và có những bước điều chỉnh để thích nghi thị trường, nhiều game thủ đã đặt ra câu hỏi liệu trong tương lai không xa, nền tảng này sẽ chấp thuận việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng nội địa hay không? Hoặc, sẽ có một ngân hàng trong nước nào liên kết, phối hợp cùng Steam để mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng Việt?
Chưa một ai dám chắc về kế hoạch phát triển của Steam, nhưng viễn cảnh này dường như rất khó xảy ra. Hiện nay trên toàn thế giới, việc Steam chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng nội địa vẫn là điều rất hiếm hoi, điều này càng đặc biệt khó khăn tại thị trường Việt Nam do rào cản pháp lý khá khó khăn liên quan đến mảng vận hành, phát hành game.
Bên cạnh đó, do giá bán game hiện được niêm yết chính xác và thủ tực sở hữu thẻ tín dụng tại Việt Nam cũng không quá khó khăn, nên ít nhiều đây chưa phải là vấn đề mà game thủ cần bận tâm.
Nguồn: thanhnien.vn
Bài cùng chuyên mục