Từ hiện tượng gian lận thi cử quen thuộc trong trường học, đạo diễn người Thái Nattawut Poonpirya đã biến nó trở thành một câu chuyện ly kỳ không kém phim hình sự.
Bad Genius là hiện tượng mới nhất của điện ảnh xứ chùa Vàng. Đây là tác phẩm đứng đầu phòng vé Thái Lan năm 2017, vượt qua cả những bom tấn đến từ Hollywood. Phim cũng gây tiếng vang nhất định trên trường quốc tế, thắng giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á New York.
Là phim truyện dài thứ hai của đạo diễn Nattawut Poonpirya – người từng thực hiện Countdown(2012) được Thái Lan cử tranh Oscar, Bad Genius có phần kịch bản thông minh, nhịp phim lôi cuốn với lối cắt – dựng tài tình.
Nhân vật chính của phim là Lynn, một nữ sinh xuất sắc nhưng có hoàn cảnh không khá giả. Ngày đầu đến xin học ở ngôi trường mới, Lynn đã gây ấn tượng bởi khả năng tính toán thần sầu cùng sự thông minh, lém lỉnh. Cô hiệu trưởng phải “xuống nước” miễn học phí cho Lynn để giữ cô bé ở lại trường.
Tại đây, Lynn chơi thân với Grace, một cô hotgirl có khiếu nghệ thuật nhưng học hành thì be bét. Trong đợt thi giữa kỳ, vì áy náy khi thấy cô bạn thân không làm bài được, Lynn đã nghĩ cách truyền đáp án cho Grace.
Chuyện đến tai Pat – anh bạn trai “đại gia” của Grace. Pat đưa ra một đề nghị khiến Lynn không thể chối từ: chỉ bài cho hắn cùng đám bạn nhà giàu dốt đặc, cô sẽ kiếm được một khoản thu nhập trong mơ. Sau nhiều lần chỉ bài trót lọt, Lynn quyết định “chơi lớn” khi tổ chức một phi vụ gian lận quy mô quốc tế. Nhưng để thực hiện được, Lynn cùng đồng bọn Pat, Grace phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bank – anh “thanh niên nghiêm túc” từng gây thù chuốc oán với cả hội.
Điều gây thích thú lẫn tò mò cho khán giả đầu tiên phải kể đến những chiêu trò, mánh lới quay bài được tái hiện trong phim. Hẳn bạn sẽ phì cười khi thấy nhân vật chính của chúng ta viết đáp án lên tẩy rồi truyền cho nhau bằng giày. Nhưng các thủ thuật quen thuộc chỉ dừng ở mức ấy, vì ngay sau đó, phim giới thiệu một phương pháp quay bài thông minh và tinh vi đến mức khiến người xem há hốc mồm. Có ai ngờ những nốt nhạc có ngày lại trở thành một mật mã quay bài “vi diệu” đến thế?
Mức độ gian lận càng mở rộng, nhịp phim càng kịch tính. Lấy cảm hứng từ vụ việc có thật khi bài thi STIC bị rò rỉ đáp án tại châu Á, các điểm mấu chốt trong phi vụ tuồn đáp án từ Úc về Thái Lan đều rất dễ đoán. Nhưng khán giả vẫn bị hấp dẫn bởi cách tái hiện kế hoạch ở hai “mặt trận” – “tiền tuyến” phòng thi căng như dây đàn tại Úc và “hậu phương” sốt sắng chờ tin tại Thái Lan. Những “mối đe doạ” đến từ giám thị, phụ huynh, đoàn học sinh mua đáp án mất kiên nhẫn cùng với áp lực thời gian đang đổ dồn lên bộ tứ nhân vật khiến khán giả có cảm giác nghẹt thở như thí sinh bị “tủ đè”.
Cách thức tổ chức gian lận với quy trình bài bản từ tìm khách hàng, thuyết phục khách hàng như Steve Jobs ra mắt iPhone, tổ chức đội xe ôm hùng hậu đưa đón thí sinh đến việc in đáp án chuẩn như dây chuyền công nghiệp, rõ ràng, bốn cô cậu học sinh chứng minh mình không phải tay mơ.
Trước khi đến với điện ảnh, Nattawut Poonpirya từng nhiều năm làm đạo diễn quảng cáo để trau dồi kinh nghiệm, và quả thực, Bad Genius đã cho thấy kinh nghiệm của anh được phát huy triệt để. Phim sử dụng nhiều cảnh cận và slow-motion để bắm bắt sự căng thẳng của các diễn viên. Kỹ thuật cắt – dựng phim chuẩn xác, có tính thẩm mỹ cao. Cùng với đó, âm thanh được lồng ghép khéo léo trong các cảnh quay kịch tính. Nhạc giao hưởng thường được học sinh nghe để nâng cao sự tập trung được sử dụng đúng thời điểm trong phim, tạo được sự lôi cuốn nơi người xem.
Không chỉ đơn thuần thuật lại một vụ phi vụ quay bài có tổ chức, Bad Genius còn làm tốt việc xây dựng tính cách nhân vật. Hai kiểu học sinh trong một vụ quay bài – kẻ chỉ và người được chỉ cũng chính là hai giai cấp giàu – nghèo trong xã hội. Pat và Grace đại diện cho những học sinh thừa tiền và nhan sắc nhưng lại thiếu trí tuệ. Bộ đôi biết mình có thể dựa vào Lynn để đạt được điều đó. Cái hay là biên kịch không phát triển câu chuyện theo chiều hướng bi kịch hoá mà để hai nhân vật này giữ nguyên tính cách vô lo sau những biến cố.
Lynn và Bank đại diện cho các học sinh có hoàn cảnh kém may mắn hơn, nhưng bù lại, có trí thông minh hơn người. Tuy học hành xuất sắc như nhau nhưng hai nhân vật này có nhận thức rất khác biệt, mà đến cuối cùng, khán giả sẽ có câu trả lời ai xứng đáng là kẻ chiến thắng.
Bank là nhân vật gây ức chế nhất phim nhưng thực tế lại là một dạng học sinh phổ biến – những cô, cậu dẫn đầu lớp nhờ chăm chỉ, nhờ ý chí vươn lên, đặt niềm tin vào hệ thống quản lý và cực kì ghét những kẻ bất tuân nguyên tắc. Ngược lại, Lynn thông minh và có tư duy sâu sắc. Nhận ra bộ mặt đạo đức giả của xã hội, cô càng có động cơ để tổ chức gian lận.
Bad Genius phản ánh những góc khuất của hệ thống nhà trường và bộ máy quản lý. Những khoản “bồi dưỡng” của giáo viên với danh nghĩa “phí cơ sở vật chất” chẳng phải cũng là một cách “gian lận” có chủ đích để kiếm chác hay sao? Như vậy, trong một xã hội mà ai cũng tính toán hơn thua để làm giàu cho bản thân, cho tổ chức thì cách thu lợi công khai như nhà trường hay đáng lên án như nhóm bạn của Lynn thực chất chẳng khác gì nhau. “Cho dù cậu không gian lận thì cuộc đời cũng sẽ gian lận với cậu thôi”, câu nói của Lynn phản ánh sự thực dụng trong lối suy nghĩ nhưng vô cùng thấm thía.
Phim không cổ xuý hay tô hồng hành vi gian lận thi cử nhưng để ngỏ cho khán giả tự suy ngẫm. Riêng nhân vật trong phim, đối mặt với hậu quả, họ có cách giải quyết mà qua đó thể hiện được tính cách và lập trường của mình.
Theo Muzuco
Một số hình ảnh trong phim