'Kidnap' là một phim, mặc dù chỉ có thời lượng 81 phút vốn đã tương đối thấp so với nhiều tựa có nội dung tương tự, lại tạo cảm giác dài lê thê. Giữa hằng sa số những đoạn độc thoại nội tâm và vô vàn những cảnh quay bao quát thừa thãi từ trên cao xuống, khán giả rời rạp vò đầu cố nhớ lại vị trí mình đã gửi xe thay vì nghĩ về phim. Tuy nhiên nếu có một thứ để nhớ về phim, đó chính là diễn xuất của 'miêu nữ' Halle Berry.
Kidnap mở đầu phim với những thước quay gia đình của một đứa trẻ, trải dài từ lúc em còn chập chững bước đi đến khi em được 6 tuổi, trong tiếng cười đùa của người mẹ (Halle Berry), nhạc nền nhẹ vui vẻ và tông nền ấm áp đầy nắng. Thế rồi bỗng dưng hàng chữ trắng trên nền đen thể hiện tựa phim Kidnap xuất hiện một cách đột ngột, như báo hiệu sự kết thúc của tuổi ấu thơ hoặc những khoảnh khắc hạnh phúc, cùng với những tiếng trống ầm ĩ quen thuộc của phim thể loại giật gân. Đây đồng thời cũng là thời điểm nhiều khán giả đã hình dung ra phần nào toàn bộ câu chuyện trong phim: đứa trẻ trong những thước quay trên sẽ bị bắt cóc, còn Halle Berry sẽ vào vai kẻ săn đuổi tương tự như đồng nghiệp Liam Neeson trong Taken. Và quả thật đó chính là câu chuyện mà phim xoay quanh.
Do hãng Di Bonaventura của những tựa phim được đông đảo người hâm mộ ‘yêu thích’ như Transformers: Age of Extinction và Transformers: The Last Knight sản xuất; hãng Aviron phát hành, một hãng phim vừa mới thành lập vào năm 2016 và đạo diễn bởi Luis Prieto của những tựa không mấy thành công và ít người biết đến như Pusher (2012) và Ho voglia di te (2007), có nhiều lý do để tin rằng Kidnap sẽ không hòa vốn được, dù kinh phí phim khá là khiêm tốn. Do đó Halle Berry, nữ diễn viên da màu duy nhất đã đoạt giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, đối với Kidnap không chỉ thủ vai chính nơi người mẹ mạnh mẽ đến mức khó tin mà còn là vị cứu tinh về mặt doanh thu cho nó – Kidnap, đứa con kém tài và khác cha khác mẹ của Taken hay những phim với mô típ “người thường hóa siêu anh hùng đi tiêu diệt kẻ xấu, sống sót sau hàng loạt tai nạn giao thông để cứu người thân bị bắt cóc” ăn theo sau đó.
Và quả thật vậy, Kidnap đi theo hướng cũ rích và dễ đoán nhất có thể để thể hiện câu chuyện thường thấy trong dòng phim săn đuổi. Sau khi cho thấy rằng nhân vật Karla Dyson của Halle Berry cũng bình thường như bao người, cũng đi chạy bàn và thấy bực tức khi khách đòi hỏi quá nhiều, chúng ta chuyển sang đoạn Karla dắt con trai mình là Frankie (thủ vai bởi diễn viên nhí Sage Correa) dạo chơi tại nơi trẻ em thường bị bắt cóc: một công viên giải trí. Đã có nhiều tiếng thở dài cùng lúc xuất hiện khi Karla quyết định bỏ con lại một mình trên băng ghế, rồi quay mặt nói chuyện to nhỏ trên điện thoại tranh cãi với một luật sư về việc giành quyền nuôi con với người chồng đã li dị của mình – để rồi con mình bị bắt cóc lúc nào không hay.
Kidnap là một dự án gặp rất nhiều chông gai và mất nhiều năm để thực hiện, với việc trì hoãn ngày chiếu liên tục do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính của hãng Relativity. Phim sau đó đã được hãng Aviron mới thành lập mua lại. Những khó khăn trong quá trình sản xuất không chỉ đã thể hiện ở sự rời rạc trong biên tập, khi mà một phim với thời lượng chỉ 81 phút nhưng lại gần nửa là những chi tiết thừa thãi, không cần thiết; chúng còn nằm ở tính bất đồng đều hiện hữu ở nhịp phim, khi những đoạn ‘cao trào’ liên tục bị ngắt ngừng để dành thời gian cầu nguyện ra tiếng cho Karla cũng như những phân góc quay bao quát để đạo diễn có đất thể hiện cái ‘tài’ của mình trong việc chọn cảnh.
Halle Berry đã có một diễn xuất tốt, trong một phim hoàn toàn không… xứng đáng có cô tham gia. Vào vai người mẹ lái xe tốc độ cao để đuổi theo kẻ bắt cóc con trai mình, Halle Berry đã một cách xuất sắc chuyển biến những câu độc thoại trống rỗng thành những thứ… có thể bỏ qua. Việc độc thoại trong phim ảnh bản thân nó không có gì là mới, và nếu biết sử dụng đúng lúc đúng chỗ có thể gây hiệu ứng cảm xúc lớn. Tuy nhiên đối với trường hợp của Kidnap, thay vào đó là sự lạm dụng và giả tạo trong các tình huống của bộ phim.
Để có thể lấp đầy thời lượng vốn đã cực kỳ ngắn, Kidnap còn lợi dụng biện pháp cường điệu hóa mọi thứ và mọi chi tiết, mặc cho việc bản thân tình huống trong phim đã đủ độ kinh hoàng lắm rồi. Điều này được thấy rõ nhất ở lần đối mặt đầu tiên giữa Karla với kẻ xấu trong phim. Như việc kẻ bắt cóc có tạo hình giống Lebowski trong phim The Big Lebowski của anh em Coen chưa đủ độ hài hước, hình ảnh hắn ta với con dao bấm nhỏ xíu… chạy bộ theo xe của Karla rồi cúi đầu nghỉ giữa chừng để lấy hơi lại lố bịch cực kỳ. Nhưng thay vì có tác dụng đúng như ông muốn trong việc tăng độ căng thẳng, những cảnh ấy chỉ góp phần tạo nên những gián đoạn không đáng có cho phim vì bản thân chúng không kể thêm bất cứ thứ gì cũng như không hề phát triển câu chuyện lên được một tầng cao hơn. Đây là lỗi xuất hiện rất nhiều trong phim.
Tuy nhiên, một cách mâu thuẫn, vào nửa cuối phim, khi mà sự tình đã vượt ngưỡng có thể ‘quay đầu lại’, khi Karla trở thành kẻ giết người máu lạnh để cứu con mình thì cũng là lúc phim có những giây phút thành công nhất. Trong cái bối cảnh điên rồ, lố bịch, điên loạn và đầy bạo lực ấy, khi cả Karla lẫn kẻ bắt cóc đều đã nhìn thấy máu và ngửi mùi máu, thì phim đã tìm được thứ mà nó hòng thể hiện ngay từ đầu: một sự phát triển nhân vật đáng tin. Câu chuyện về người thường trở thành anh hùng tiêu diệt kẻ xấu không phải là mới, nhưng ít phim có thể thể hiện được tốt. Tuy trải qua hơn 40 phút chán nản, Kidnap đã trỗi dậy ở những phút còn lại để thể hiện rằng nó là một phim thuộc thể loại hành động giật gân chứ không phải phiên bản gia đình của Fast & Furious. Có thể nói cái ‘lỗi’ của Kidnap, sự lố bịch và phóng đại, cũng chính là thứ đã cứu nó về cuối, và là lý do chính đã khiến rạp chiếu phim đồng loạt vỗ tay khi dòng credits kết thúc hiện lên.
Không thể nói Kidnap là một phim hay, và thực chất kể cả nửa cuối của phim cũng chỉ là tiếng còi cảnh sát quá muộn màng – nhưng, nhìn chung, phim không… quá tệ. Berry trong Kidnap là Berry của những Monster’s Ball và Their Eyes Were Watching God, một vai diễn đầy năng lượng và cảm xúc – cô là lý do chính người xem không rời rạp ngay lúc những câu độc thoại dài ngoằng xuất hiện và là lý do những phân đoạn bạo lực nửa sau của phim có thể đạt đến mức căng thẳng tột độ. Nhìn chung, ít nhất Kidnap cũng có một thứ đáng để nhớ, điều không nhiều phim có thể làm được.
Theo Muzuco