“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng

Trên nền là một câu chuyện có sức lay động, “Tao không xa mày” dễ khiến khán giả đồng cảm. Tác phẩm thể hiện tốt nhiều phân đoạn xúc động, các mảng hài khá duyên nhưng chưa cho thấy sức sáng tạo và dấu ấn của đạo diễn.

Năm nay, điện ảnh Việt có kha khá phim khai thác chủ đề LGBT và được đánh giá tích cực như Lô tô hay Xóm trọ 3D và nay là Tao không xa mày - phim đầu tay của đạo diễn trẻ Rony Hoà Nguyễn hợp tác cùng Thái Minh Nhiên. Không gây nhiều chú ý bằng Lô tô hay có dàn diễn viên nổi tiếng như Xóm trọ 3D nhưng Tao không xa mày khiến người xem bất ngờ bởi chất lượng khá cùng một câu chuyện giàu cảm xúc.

Nội dung phim kể về hai chàng trai Nam (Châu Trọng Tài) và Tùng (Anh Tú) gắn bó từ nhỏ, lớn lên bên nhau để rồi bị dòng đời chia cách. Trải qua những biến cố, họ vẫn dành trọn cho nhau thứ tình cảm sâu sắc vượt ngưỡng tình bạn thông thường.

“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng

Phim là câu chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Lần theo những kí ức được kể lại trong quyển nhật kí của cha mình, bác sĩ Trường (Huỳnh Trường Thịnh) chuyển công tác về một vùng quê. Anh gặp gỡ và có cảm tình với cô y tá Nguyệt (Nguyệt Ánh). Nào ngờ, chính mối lương duyên của cặp đôi đã giúp hai người cha của họ - vốn là đôi bạn thân nhiều năm cách trở, trở lại bên nhau.

Những mảnh kí ức đẹp về tình bạn – tình yêu của Nam và Tùng được thể hiện tròn trịa. Kí ức đầu tiên đến trong một đêm mưa giông, mẹ Nam cứu giúp và cho hai mẹ con Tùng nương nhờ. Hai đứa trẻ không thân thích cùng cảnh mồ côi cha trở thành hai anh em một nhà với hai người mẹ - “má Hai” và “má Sáu”.

Từ đó, những kỉ niệm không thể quên lần lượt hiện về. Thời cấp ba, Nam bị bạn xấu bắt nạt, Tùng là người đứng ra bảo vệ cậu. Một lần khác, Tùng chèo thuyền đưa Nam sang làng bên lén trộm thanh long. Đến lúc về, thuyền trôi mất, khi về được đến nhà thì trời đã tối om, Nam bị mẹ đánh đòn, Tùng lại chịu đòn cho bạn. Ngày hội văn nghệ của trường, cả lớp diễn vở Tấm Cám, Tùng vào vai hoàng tử, Nam đóng giả làm Tấm, ngượng ngùng nhận một nụ hôn lên trán từ Tùng...

Đến một ngày, Tùng được trường cử đi du học, cuộc đời của hai nhân vật bắt đầu rẽ hướng. Tình tiết bước ngoặt này được dàn dựng khá tốt, nhân vật có những chuyển biến tâm lý thích hợp. Đặc biệt, cảnh ly biệt của Nam và Tùng thực sự mang đến cảm xúc cho người xem.

“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 2

Nếu câu chuyện quá khứ mang màu sắc u buồn thì câu chuyện hiện tại tràn đầy những đoạn đối thoại vui tươi. Hải Triều, diễn viên trẻ nổi lên sau Lô tô, vào vai Hải – một nam y tá háo sắc, phớt lờ tình cảm của một nam bệnh nhân để bám theo bác sĩ Trường điển trai. Được diễn một vai đúng sở trường, Hải Triều đã tạo ra nhiều tiếng cười sảng khoái mà không quá lố.

Một điểm sáng của phim là dàn diễn viên thể hiện tròn vai. Đặc biệt, Châu Trọng Tài – vai Nam, thực sự là một phát hiện đáng giá. Trước khi trở thành diễn viên chính của Tao không xa mày, chàng sinh viên trường điện ảnh này chỉ từng làm mẫu ảnh và đóng một số vai phụ. Trong phim, Châu Trọng Tài thể hiện thành công tâm trạng phức tạp của nhân vật như những rung động khi va chạm thể xác hay sự dằn vặt, ghen tỵ, buồn vui lẫn lộn khi chứng kiến người mình yêu rời xa. Với vai diễn lần này, anh chứng minh mình có khả năng tiến xa hơn nữa.

Tao không xa mày là một phim sạch sẽ nhưng chưa thật chỉn chu. Sự đơn điệu trong lối chuyển cảnh khiến các phân đoạn quá khứ - hiện tại đan xen nhau một cách rời rạc. Nhiều phân đoạn bi – hài nối tiếp đột ngột khiến mạch cảm xúc của câu chuyện bị phá vỡ. Bối cảnh trong phim cũng không được làm rõ. Người xem chỉ biết câu chuyện kéo dài qua chặng đường đời của hai nhân vật với ba mốc thời gian khác nhau nhưng bối cảnh không có sự đặc trưng khiến khán giả không thể phân biệt được. Việc sử dụng cùng một diễn viên (Trường Thịnh và Nguyệt Ánh) cho hai vai khác nhau cũng khiến khán giả bị bối rối.

“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 3

Câu chuyện về đôi bạn tâm giao bị dòng đời chia cắt, gặp lại nhau khi đã qua tuổi thanh xuân nhưng vẫn dành cho nhau thứ tình cảm tri kỷ thuần khiết đã quá quen thuộc trong truyện ngắn Việt Nam thập niên trước. Vì thế, Tao không xa mày, dù có thêm yếu tố đồng tính, cũng khó tạo ra sự mới mẻ. Bộ phim chỉ thực sự tạo ra dấu ấn nếu có lối kể chuyện mượt mà, nhưng nó đã không làm được điều này.

Nếu câu chuyện của Nam và Tùng đáng khen bao nhiêu thì câu chuyện của Trường và Nguyệt lại “thiếu lửa” bấy nhiêu. Tình cảm của cặp đôi này được xây dựng khá gượng ép, hoàn toàn thiếu vắng sự bồi đắp trong suốt phim. Hồi ba còn có nhiều đoạn thoại khá sến súa ảnh hưởng đến tổng thể bộ phim.

Tao không xa mày đã truyền tải thành công một câu chuyện dễ đi vào lòng người, nhưng bộ phim này thiếu sự sáng tạo cần thiết và chưa đủ tinh tế để tạo nên một tác phẩm đáng nhớ.

Theo Muzuco


Một số hình ảnh trong phim

“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 4“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 5“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 6“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 7“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 8“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 9“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 10“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 11“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 12“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 13“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 14“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 15“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 16“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 17“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 18“Tao không xa mày” tốt hơn kỳ vọng 19

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang