Đúng như tựa đề, 'Bóng ma trong gió' mang đến cho khán giả nỗi ám ảnh “nhẹ nhàng” nhưng vô cùng ngột ngạt tựa như một cơn gió lạ.
Under the Shadow lấy bối cảnh là cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq xảy ra vào cuối thập niên 1980. Gia đình nhỏ của Shideh (Narges Rashidi) và cô con gái Dorsa (Avin Manshadi) trở nên hiu quạnh khi người chồng nhận lệnh tổng động viên và phải lên đường tham gia chiến đấu.
Giữa hàng loạt đạo luật Hồi giáo hà khắc và nguy cơ bom đạn của kẻ thù, Shideh còn phải đối mặt với những cơn ác mộng về loài quỷ dữ Djinn trong truyền thuyết. Song, người mẹ trẻ dần dần nhận ra rằng đó không đơn thuần là những giấc mơ tai quái.
Under the Shadow là tác phẩm hợp tác giữa Qatar, Jordan, Anh, và do một đạo diễn người Iran thực hiện. Ảnh: Saigon Movies Media.
Là bộ phim đặt nặng tâm lý và chỉ xoay quanh hai nhân vật mẹ con Shideh - Dorsa, thành công của Under the Shadow có công lớn của Narges Rashidi và cô bé Avin Manshadi. Nữ diễn viên người Đức gốc Iran mang đến màn trình diễn tuyệt vời khi hóa thân thành bà mẹ trẻ giữa bom đạn khốc liệt.
Đã quá quen với việc lâu lâu lại có một vụ đánh bom gần nơi sinh sống, hay tiếng chuông cảnh báo không kích thỉnh thoảng vang lên, Shideh vẫn cố gắng giữ những thói quen sinh hoạt thường nhật nhằm quên đi nỗi sợ. Khán giả dễ dàng nhận ra sự lo lắng, căng thẳng hiện rõ trên gương mặt bà mẹ trẻ dù cô luôn cố gắng tươi cười.
Trong khi đó, cô bé Dorsa lại mang tới cảm giác rùng rợn cho người xem. Giống như nhiều bộ phim Hollywood cùng thể loại, Under the Shadow khai thác sự ngây thơ và mối liên hệ kỳ lạ giữa trẻ em và ma quỷ để tạo ra sự sợ hãi.
Từ việc trò chuyện với người phụ nữ “không tồn tại” nào đó, cho tới việc đứng trước giường của mẹ trong đêm vì ác mộng, Dorsa khiến người xem rợn tóc gáy mỗi khi xuất hiện. Ở đầu phim, Avin Manshadi ghi điểm nhờ sự dễ thương. Song, khi tác phẩm dần khép lại, nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ trước gương mặt “sát khí” của cô bé.
Nữ diễn viên Narges Rashidi và cô bé Avin Manshadi cùng nhau gánh vác trách nhiệm nặng nề xuyên suốt tác phẩm. Ảnh: Saigon Movies Media.
Đạo diễn Babak Anvari người Iran là người từng trải qua cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Do đó, ông có thể diễn tả chính xác những gì mà người dân vô tội phải chịu đựng trong quãng thời gian đầy khói lửa đó.
Nỗi sợ bom đạn hiện hữu từng giây từng phút, khi đường phố luôn vắng vẻ, không ai dám ra khỏi nhà. Thời điểm mà mọi người có thể tề tựu, trớ trêu thay, lại là lúc tiếng còi khô khốc vang lên và khiến tất cả mau chạy tới hầm trú ẩn.
Thế rồi, số lượng người ngày một ít đi và ánh sáng cũng trở nên thưa dần. Hành động lấy băng keo dán cửa sổ của Shideh nhằm tránh để miểng kính bắn vào khi có bom nổ, tuy không hiệu quả, nhưng vẫn được cô duy trì giống như sự níu kéo vào một điều gì đó nhỏ nhoi nhất để có thể an lòng.
Có thể nói, Under the Shadow đã thành công khi kết hợp hai nỗi sợ hãi quen thuộc: ma quỷ và chiến tranh.
"Bóng ma" trong Under the Shadow không mấy khi xuất hiện, nhưng vẫn gieo rắc được nỗi sợ hãi cho người xem. Ảnh: Saigon Movies Media.
Có một điều thú vị rằng từ đầu tới cuối Under the Shadow, người xem hiếm khi được thấy sự xuất hiện của “bóng ma”, có chăng chỉ là những cái bóng vụt qua sau lưng hay những cơn ác mộng kéo dài vài giây.
Ai cũng nghĩ rằng ma quỷ không hề tồn tại như Shideh, cho tới khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Nỗi sợ ngày một được gia tăng khi cánh cửa cứ thế tự mở ra, ảo giác xuất hiện giữa ban ngày, khiến bất cứ ai cũng có thể cảm thấy rùng mình.
Ở Under the Shadow, thủ pháp hù dọa “jump-scare” gây giật mình quen thuộc của Hollywood ít khi xuất hiện. Trái lại, Babak Anvari cố gắng tạo ra bầu không khí ngột ngạt, nặng nề trong mỗi khung hình.
Ông sử dụng tông màu đơn sắc ảm đạm, cũ kỹ như các bộ phim thập niên 1980 trong nỗ lực đó. Chỉ những tiếng nứt trên trần nhà, tiếng gió lùa đến ù tai hay tiếng chuông điện thoại reo vô định cũng đủ khiến người xem hoảng hốt.
Ngoài ma quỷ và chiến tranh, phim cũng khéo léo đề cập đến những đạo luật hà khắc của Hồi giáo. Ảnh: Saigon Movies Media.
Là một tác phẩm đến từ vùng Trung Đông, Under the Shadow còn lồng ghép thông điệp liên quan tới Hồi giáo và những đạo luật hà khắc. Shideh và Dorsa buộc phải chạy trốn khỏi nhà giữa đêm khuya, nhưng họ lại bị chính đồng bào “trả về địa ngục” chỉ vì không mang khăn choàng mặt. Đôi lúc, con người chính là yếu tố gây ra nỗi sợ hãi.
Dẫu vậy, Under the Shadow chưa hẳn là tác phẩm hoàn hảo. Tính cách của bà mẹ trẻ Shideh còn nhiều điểm mâu thuẫn chưa hợp lý. Một số tình tiết trong phim kéo dài và chưa được xử lý khéo léo. Mối quan hệ giữa hai mẹ con Shideh và Dorsa có nhiều mâu thuẫn, nhưng chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng lại chưa được nhà làm phim tận dụng triệt để.
Nhìn chung, Under the Shadow là một bất ngờ đến từ dòng phim kinh dị trong năm 2016. Tác phẩm do Qatar, Jordan và Anh hợp tác sản xuất, cũng như mới được chọn làm đại diện cho xứ sở sương mù tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar năm nay.
Under the Shadow (Bóng ma trong gió) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.