Tiêu tốn nhiều tiền vào việc phát triển, đặc biệt là vào những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, những tựa game dưới đây xứng đáng được đưa vào danh sách những tựa game tiêu tốn nhiều chi phí phát triển nhất từ trước tới giờ
Giống như những món hàng hóa tốt lành khác trong cuộc sống, một tựa game hay cũng có cái giá nhất định. Đó là lí do tại sao các sản phẩm AAA lại có giá bán đắt đến thế và hiếm khi hạ giá đại trà cho dù đã phát hành một thời gian lâu. Quá trình để tạo ra chúng không chỉ tiêu tốn một quãng thời gian dài vài năm mà số tiền đầu tư sản xuất cũng khủng chả kém gì phim Hollywood.
Nhưng nếu nhìn vào tổng chi phí của một tựa game có thể gây ra sự hiểu nhầm cơ bản. Có nhiều công ty dành phần lớn tiền đầu tư cho marketing một game chứ không phải cho quá trình phát triển chính game đó. Một ví dụ điển hình của trường hợp này là “Call of Duty: Modern Warfare 2”, khi Activision bỏ ra 50 triệu USD cho phát triển nhưng móc túi đến 200 triệu USD cho chiến dịch marketing.
Sau đây, chúng ta sẽ đến với danh sách 10 tựa game có chi phí đầu tư phát triển cao nhất tính tới thời điểm hiện tại, và lưu ý là chỉ tính quá trình phát triển thôi chứ không bao gồm tiền mua quảng cáo, marketing thị trường đâu nhé.
10. Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots (2008)
Chi phí phát triển: 70 triệu USD (78 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Kojima Productions/Konami
Nền tảng: PS3
Với một cốt truyện phức tạp và vô số đoạn cắt cảnh có thời lượng dài, “Metal Gear Solid 4” mang đến cảm giác giống như một bộ phim điện ảnh hơn là một tựa game và đó có lẽ là lí do tại sao nó lại tốn tiền sản xuất đến thế.
9. Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain (2015)
Chi phí phát triển: 80 triệu USD (81 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Kojima Productions/Konami Digital Entertainment
Nền tảng: PC, PS3, PS4, Xbox 360 và Xbox One
Không có nhiều đoạn cắt cảnh được dàn dựng công phu như phần trước, nhưng bù lại, “Metal Gear Solid 5” mang tới một thế giới mở rộng lớn, và đủ tính năng khám phá, nâng cấp vũ khí, xây dựng căn cứ cực kỳ ấn tượng. Chưa kể chuyện nó còn được sử dụng một nền engine đồ họa hoàn toàn mới nữa chứ.
8. Defiance (2013)
Chi phí phát triển: 80 triệu USD (82 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Trion Worlds/Trion Worlds
Nền tảng: PC, PS3 và Xbox 360
Xây dựng các thế giới ảo rộng lớn đương nhiên là rất tốn kém, và chính là những gì Trion Worlds đã làm với Defiance. Tựa game game online quy mô này có một thế giới quan cực chi tiết, vượt trội so với những sản phẩm cùng thời đó và đương nhiên mức giá phát triển cũng phải tương ứng.
7. Red Dead Redemption (2010)
Chi phí phát triển: 90 triệu USD (99 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Rockstar San Diego/Rockstar Games
Nền tảng: PS3 và Xbox 360
Thế giới miền Tây của John Marston có thể là một nơi tàn nhẫn và nguy hiểm, nhưng nó cũng vô cùng đẹp mắt và hùng vĩ. Cộng thêm đó là một cốt truyện lôi cuốn và tái hiện một cách chân thực nhất thế giới miền Tây, tất cả đều cho thấy rằng đây là một sản phẩm rất rất tốn kém.
6. Too Human (2008)
Chi phí phát triển: 100 triệu USD (111 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Silicon Knights/Microsoft Game Studios
Nền tảng: Xbox 360
“Too Human” vốn có kế hoạch ban đầu là phát hành cho PlayStation trong năm 1999, nhưng rồi quá trình phát triển đã kéo dài hơn bao giờ với rất nhiều thay đổi to lớn. Sau cùng, nó đã được ra mắt trên Xbox 360 và tiêu tốn khoảng 100 triệu USD để hoàn thành.
5. Grand Theft Auto IV (2008)
Chi phí phát triển: 100 triệu USD (111 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Rockstar North/Rockstar Games
Nền tảng: PC, PS3 và Xbox 360
Sự hiện diện đầu tiên của thương hiệu “Grand Theft Auto” trên một thế hệ console mới đương nhiên là phải hoành tráng, và đáng đồng tiền nhà sản xuất bỏ ra. Kết quả là người chơi đã có một tựa game xuất sắc, vượt trội những người đàn anh trước đó về mọi mặt.
4. Max Payne 3 (2012)
Chi phí phát triển: 105 triệu USD (110 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: Rockstar Studios/Rockstar Games
Nền tảng: PC, PS3 và Xbox 360
“Max Payne 3” có sở hữu một thành phố San Paulo ảo cực kỳ ấn tượng, một cốt truyện nối tiếp theo những phần trước và cả một cơ chế gameplay hành động lôi cuốn nữa. Rockstar thậm chí còn cử nhân viên đi thăm thú thành phố San Paulo ở đời thực để thiết kế một phiên bản ảo thật nhất có thể.
3. Grand Theft Auto V (2013)
Chi phí phát triển: 137 triệu USD (142 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: 265 triệu USD (272 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Nhà phát triển/phát hành: Rockstar North/Rockstar Games
Nền tảng: PC, PS3, PS4, Xbox 360 và Xbox One
“Grand Theft Auto V” đã gây ấn tượng mạnh cho người chơi ở thời điểm ra mắt năm 2013, và đến nay thì nó vẫn là một tượng đài đáng ngưỡng mộ. Với 137 triệu USD chi phí phát triển, nhà sản xuất đã mang đến một thế giới mở siêu rộng lớn, đồ họa cực kỳ bắt mắt và cả tấn nội dung để khám phá.
2. Destiny (2014)
Chi phí phát triển: 140 triệu USD (143 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: 500 triệu USD (513 triệu sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Nhà phát triển/phát hành: Bungie/Activision
Nền tảng: PS3, PS4, Xbox 360 và Xbox One
Những hành tinh mở rộng lớn, thiết kế nhân vật độc đáo và cả một hệ thống trang bị, vũ khí hấp dẫn, “Destiny” đã phải trải qua một giai đoạn phát triển đầy rắc rối và tốn kém cả một khối tiền khổng lồ. Mặc dù không thực hoàn hảo, nhưng càng về lâu về dài, nó càng thể hiện giá trị và sức hấp dẫn riêng biệt của mình.
1. Star Wars: The Old Republic (2011)
Chi phí phát triển: 200 triệu USD (213 triệu USD sau tỷ lệ trượt giá năm 2017)
Tổng chi phí: Không có con số chính xác
Nhà phát triển/phát hành: BioWare/Electronic Arts
Nền tảng: PC
Tính tới thời điểm này của lịch sử ngành game, “Star Wars: The Old Republic” vẫn là tựa game có giá trị sản xuất tốn kém nhất khi ngốn đến 200 triệu USD. Trò chơi này đã tái hiện của một vũ trụ “Star Wars” khổng lồ với đủ hành tinh, mặt trăng đặc sắc để người chơi khám phá, cộng thêm đủ tính năng quy mô của một MMORPG.
Theo Nowloading