Học sinh mê anime/manga chúng ta vẫn cứ hay ao ước cái này cái kia kiểu như "Phải chi được như bên Nhật!", kể cả việc trường học cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước khi các bạn mơ về một hệ thống giáo dục như ở xứ sở hoa anh đào, hãy cùng ngó kỹ những quy định chuẩn không được phép chỉnh ở đó đã nhé! Nếu sau khi đọc xong mà bạn vẫn giữ nguyên mong muốn thì đăng ký đi du học ở Nhật được rồi đấy!
Cùng tìm hiểu 15 nội quy mà mỗi học sinh Nhật phải luôn ghi nhớ và tuân thủ một cách nghiêm chỉnh để có cái nhìn trực quan về cách giáo dục của đất nước này nhé.
1. Không đi học muộn
Người Nhật cho rằng việc tuân thủ đúng giờ giấc làm việc và học tập là thể hiện sự tôn trọng với tập thể và với chính bản thân họ. Cho nên, dù quy định không được đi học muộn là quy định phổ biến ở hầu hết các trường học trên thế giới, nhưng đối với Nhật Bản, điều này cực kì quan trọng và được ưu tiên thực hiện hơn cả. Việc đi học đúng giờ được áp dụng vô cùng nghiêm khắc ngay từ học sinh bậc tiểu học. Đúng 8h30 sáng học sinh phải có mặt tại lớp học. Nếu đi học muộn quá 5 lần, học sinh đó bị phạt phải tới trường sớm làm vệ sinh một tuần lễ.
2. Tự dọn dẹp và vệ sinh phòng học
Từ bậc tiểu học, các truờng ở Nhật đặc biệt chú trọng việc xây dựng tinh thần trách nhiệm cho học sinh từ những việc nhỏ nhất. Đó là lí do tất cả các học sinh, không có ngoại lệ phải làm công việc dọn dẹp phòng học của mình định kì một tuần một lần bao gồm dọn dẹp và làm sạch bàn ghế, tủ đựng sách, lau cửa kính, bảng và phòng học.
3. Học sinh mang cơm trưa đến trường
Ở bậc tiểu học, các em sẽ được chuẩn bị đồ ăn riêng và cùng nhau ăn trong lớp. Học sinh không được để thừa mứa đồ ăn. Ở trung học thì hầu như các học sinh được ăn tự do trong khuôn viên của trường. Đó là lí do người Nhật luôn luôn tế nhị và lịch sự dùng hết phần của mình trong bữa ăn để bày tỏ thái độ cảm ơn người đã làm ra chúng.
4. Bơi lội là một môn quan trọng
Người Nhât cực kì chú trọng giảng dạy các môn thể thao trong trường, nhất là bơi lội. Tất cả các trường dù lớn hay nhỏ đều được trang bị hồ bơi. Học sinh phải tham gia đầy đủ các khóa học bơi lội, vượt qua các kì kiểm tra với các mức độ khác nhau. Và đương nhiên, nếu rớt thì phải tham gia các khóa học thêm trong hè nữa cơ đấy!
5. Không được thay đổi diện mạo tự nhiên của mình
Điều đó có nghĩa là học sinh không được trang điểm, nhuộm tóc, sơn móng tay, dùng trính áp tròng hay thậm chí cả tỉa lông mày. Mặc dù quy định này không được áp dụng ở tất cả các trường học ở Nhật, nhưng mức độ phổ biến của nó cũng khá rộng rãi.
6. Được nghỉ duy nhất một ngày chủ nhật trong tuần
Mặc cho các quy định của chính phủ về việc cho học sinh nghỉ đầy đủ 2 ngày/tuần, nhưng nhiều trường học, đặc biệt là các trường tư vẫn phá luật vì lí do chương trình học quá nhiều hay học sinh phải tham gia các lớp học ngoại khóa vào thứ 7 nên đa số các học sinh chỉ được nghỉ một ngày chủ nhật mà thôi.
7. Cấm hẹn hò trong trường học
Đừng quá tin vào những bộ phim tình yêu học trò của Nhật Bản vì thực tế là hầu hết các trường học ở đất nước này đều cấm tiệt học sinh hẹn hò với nhau. Mục đích là để học sinh tập trung 100% vào việc học tập. Nếu để nhà trường biết được bạn đang hẹn hò với bạn học, cả hai sẽ lập tức bị cảnh cáo và nhà trường sẽ thông báo cho phụ huynh biết ngay sau đó.
8. Nghỉ hè chỉ có khoảng 1 tháng ngắn ngủi
Học sinh sẽ nghỉ hè từ ngày 20/7 đến cuối tháng 8, tức là chỉ kéo dài từ 5-6 tuần mà thôi. Thời gian nghỉ ngơi đã ngắn nhưng các học sinh tại Nhật còn phải hoàn tất rất nhiều bài tập thêm trong hè. Nhiều học sinh khác còn đến trường để tự học hay tham gia sinh hoạt tại các Câu lạc bộ hè.
9. Tôn sư trọng đạo
Ngay từ khi còn nhỏ, các học sinh đã được giáo dục về việc tôn trọng người lớn tuổi hơn mình qua văn hóa chào hỏi ở Nhật. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường học đường. Khi gặp thầy cô dù trên lớp học hay không ở trên lớp thì học sinh vẫn phải chào hỏi bằng cách cúi người thấp 45 độ.
10. Tóc tai cũng phải theo quy định riêng
Ngoài quy định không nhuộm tóc thì một vài trường học ở Nhật còn quy định học sinh nữ không dùng các đồ buộc tóc sặc sỡ, không được để tóc mái dài quá lông mày. Còn học sinh nam thì không được để râu, tóc không được để dài và đầu tóc phải luôn gọn gàng.
11. Không được phép dùng điện thoại trong lớp học
Học sinh không được dùng điện thoại di động hay các thiết bị nghe nhạc và điện tử trong lớp học. Chỉ được sử dụng trong giờ ra chơi hay khi đã ra khỏi trường. Quy định này cũng khá phổ biến tại các trường học tại Châu Á.
12. Không tự ý sửa đồng phục
Các trường học tại Nhật đều có quy định về việc mặc đồng phục của học sinh, trong đó học sinh không được tự ý thay đổi hay thêm thắt phụ kiện như nơ, khăn lên đồng phục của mình. Đồng phục cần phải được mặc đúng như nó vốn có, ngay cả khi ở ngoài trường học.
13. Hiếm có giáo viên dạy thế
Thông thường khi một giáo viên phụ trách đảm nhiệm môn học nào thì sẽ giảng dạy cho đến khi môn học đó kết thúc. Tại Nhật, hiếm có trường hợp đổi giáo viên hoặc thay thế giữa chừng vì học sinh đã quen với một cách dạy nhất định. Khi giáo viên bận hay có việc đột xuất, lớp sẽ tự học theo quy định của nhà trường.
14. Không mặc đồ sặc sỡ bên ngoài đồng phụ
Tất cả các thể loại áo khoác bên ngoài đều phải là màu tối như đen, xanh đen, xám, nâu,... không được mặc các màu sặc sỡ như đỏ, vàng, cam,... Ngoài ra nhà trường còn khuyến cáo học sinh hạn chế mang trang sức đến trường.
15. Học sinh dưới 18 tuổi bị giới nghiêm sau 10h tối
Một vài thành phố lớn như Tokyo và Yokohama có quy định cấm học sinh dưới 18 tuổi tại các rạp chiếu phim, khu vui chơi, mua sắm và giải trí sau 10h tối. Một vài thành phố thì không có quy định rõ ràng, như hầu hết các học sinh chưa đến tuổi trưởng thành đều hiếm khi được phụ huynh cho ra đường sau 10h đêm.
Những quy định có vẻ khá hà khắc có thể khiến học sinh ở Nhật cảm thấy hạn chế tự do cá nhân. Nhưng ở góc độ nào đó, thì việc áp dụng các quy định này ở trường học cũng góp phần xây dựng việc tôn trọng nội quy và hình thành những nét tính cách tốt được cả thế giới ngưỡng mộ như văn hóa chào hỏi hay văn hóa đúng giờ. Nhưng liệu các quy tắc này có thể thực hiện được ở các nước khác hay không vẫn là một câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ.
Còn các bạn, các bạn có muốn hệ thống giáo dục Việt Nam thay đổi giống như ở Nhật Bản không?
Nguồn: TTVH