Vốn là những đồ chơi dễ thương dành cho trẻ em nhưng sau khi qua tay các nhà làm phim kinh dị, búp bê đã trở thành những tạo vật gieo rắc kinh hoàng cho khán giả.
Dường như những gương mặt dễ thương với đôi mắt to và đôi má hồng của những con búp bê vốn làm bạn với trẻ em lại được các nhà làm phim kinh dị vô cùng yêu thích. Khi xuất hiện trên màn ảnh, thay vì cảm giác ấm áp, gần gũi thì khán giả bị ám ảnh bởi sự vô hồn và lạnh lùng mà chúng đem lại. Dù không còn là một đạo cụ hay nhân vật xa lạ, mỗi con búp bê ở mỗi bộ phim lại có một sắc thái ghê rợn khác nhau qua tay các nhà điện ảnh.
Magic (1978) – Fats
Magic (1978), một trong những biểu tượng của phim kinh dị đời đầu và cũng chính là bộ phim đã đưa khán giả đến với diễn viên đại tài – Anthony Hopkins. Những năm 80, bộ phim nổi tiếng đến nỗi ai cũng biết tới tấm poster có khuôn mặt của một con búp bê, chính là Fats. Trong một thời gian dài, Fats là tượng đài kinh dị của những con búp bê ma, đạt hiệu quả rùng rợn mà khó có phim nào sánh được. Cho dù tới giờ, phải chia sẻ ánh hào quang với một vài đối thủ khác, Fats vẫn giữ được nét thu hút của mình và luôn nằm trong danh sách những con búp bê ma thành công nhất trên màn ảnh.
Tourist Trap (1979)
Tourist Trap là một trong những phim kinh dị đầu tiên biến ma-nơ-canh trở thành những tạo vật đáng sợ trên màn ảnh rộng. Nội dung phim xoay quanh một nhóm bạn trẻ bị mắc kẹt tại một trạm dừng chân hẻo lánh thuộc sở hữu của Slausen, một tên biến thái nhân cách. Với khả năng điều khiển những con ma-nơ-canh, Slausen chơi trò ú tim với các nạn nhân trước khi kết liễu họ.
Poltergeist (1982) – Hề điên
Khi nói về chủ đề “hề điên” hay “búp bê ma”, sẽ luôn có người nhắc đến chú hề trong Poltergeist. Tại thời điểm ra mắt, Poltergeist đã khiến nhiều khán giả bị chấn động tâm lý bởi tên hề điên đáng sợ xuất hiện trong phim. Năm 1982 cũng là năm mà chẳng ai muốn ngó xuống gầm giường vào buổi đêm khi nghe thấy tiếng động. Một lời khuyên khôn ngoan dành cho những ai yếu bóng vía: đừng bao giờ đặt một chú hề trên ghế bập bênh đối diện khi bạn đang ngủ. Bạn sẽ gặp rắc rối, hay chính xác là gặp phải những ảo giác khủng khiếp.
Child’s Play (1988) – Chucky
Child's Play đưa ta đến với Chucky, một con búp bê đã trở thành người dẫn chương trình series của kẻ giết người hàng loạt "The Lakeshore Strangler". Bị quỷ ám, Chucky trở nên tăng động và có xu hướng bạo lức, đỉnh điểm là đi chém giết người không ghê tay.
Ở những nút thắt căng thẳng, Chucky luôn vượt qua một cách hài hước như một phần tính cách của nhân vật. Nhưng đối với những người hâm mộ thể loại kinh dị thì Chucky thực sự đã trở thành một trong những búp bê đáng sợ nhất. Child's Play được tiếp tục sản xuất 5 phần, trong đó 3 phần phim mới nhất được đặt theo tên của Chucky.
SAW (2004) – Jigsaw hay Billy
Phim mở đầu bằng sự xuất hiện của một con búp bê ma - Jigsaw trông có vẻ như đang bị ai đó giam giữ. Tất nhiên, con búp bê này được sử dụng như một cái bẫy giả mà đằng sau đó mới là kẻ giết người thực sự - "The Jigsaw Killer" (Tobin Bell thủ vai). Con búp bê trông ngốc nghếch này luôn được coi là hình ảnh biểu tượng của phim mà thậm chí ngày nay vẫn là một món hàng phổ biến trong mùa Halloween.
Thuật ngữ Jigsaw được giới truyền thông đặt cho kẻ giết người chuyên đi xẻ thịt những nạn nhân không vượt qua bài kiểm tra của hắn thành những mảnh ghép như trong một trò chơi. Khi tên phản diện lộ mặt cũng là lúc con búp bê này nhận được ít thời gian lên hình hơn. Dù vậy, búp bê Jigsaw vẫn được biết đến là một trong những búp bê đáng sợ nhất mọi thời đại.
Dead Silence (2007) – Billy
Đạo diễn của siêu phẩm Saw (2004) – James Wan đã không làm người hâm mộ thất vọng khi tiếp tục cho ra một phim kinh dị xuất sắc khác, Dead Silence. Búp bê Billy được cho là khá giống với nhân vật Fats trong phim Magic (1978), nhưng vẫn được đón nhận và có chỗ đứng trong lòng khán giả. Bối cảnh chính của bộ phim - thị trấn Ravens Fair bị nguyền bởi một bài thơ ma quái cảnh báo về sự điên loạn của Mary Shaw, một kẻ bị ám ảnh bởi những con búp bê.
Billy xuất hiện ngay trong cảnh mở màn phim, trở thành điềm báo cho mọi diễn biến khủng khiếp diễn ra sau đó. Dead Slience sử dụng rất nhiều búp bê để tạo không khi rùng rợn nhưng Billy vẫn là tâm điểm của câu chuyện. Bộ phim đã gây nhiều tranh luận nhưng hiệu quả của cách kể chuyện độc đáo này là không thể chối cãi.
The Conjuring (2013) – Annabelle
The Conjuring, bộ phim kinh dị làm mưa làm gió năm 2013, đã giới thiệu đến khán giả con búp bê ma ghê rợn nhất từng xuất hiện trên màn ảnh – Annabelle. Dựa trên hình mẫu ngoài đời thật, Annabelle khi lên màn ảnh rộng có tạo hình đáng sợ hơn gấp nhiều lần.
Tuy chỉ góp mặt trong một vài phân cảnh, nhưng mỗi lần xuất hiện, Annabelle đều khiến khán giả phải “khóc thét”. Gây ấn tượng quá lớn, Annabelle được ra mắt phim riêng một năm sau đó và cực kỳ thành công. Năm nay, phần hai cũng là phần tiền truyện mang tên Annabelle: Creation sẽ đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của con búp bê ma ám. Mở màn vào cuối tuần qua, Annabelle: Creation đang nhận được nhiều đánh giá tích cực với doanh thu ấn tượng, được dự đoán vào khoảng 38 triệu đô toàn cầu.
Theo Muzuco