Nguyễn Nhật Ánh - Kho báu của điện ảnh

Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ là cái tên xa lạ với những người say mê văn hoá đọc, và giờ đây, là cả với những người say mê môn nghệ thuật thứ bảy, khi những tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết của ông luôn là cái tên được đón đợi.

Khi một tác phẩm đã thành công vang dội trên trang sách, và độc giả thì luôn đòi hỏi được thoả mãn ở một mức độ cao hơn, thì điện ảnh ở đó, nắm trong tay sức mạnh của màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Sự chuyển thể xuất hiện, như một lẽ tất yếu được mong đợi.

Không chờ đến tận thập niên thứ hai của thế kỉ 21, người ta mới tìm đến những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh để tạo ra Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) hay mới đây là Cô gái đến từ hôm qua. Chúng ta đang nói đến bộ phim điện ảnh Áo trắng sân trường năm 1994 chuyển thể từ cuốn truyện dài Nữ sinh, bộ ba phim truyền hình Thằng quỷ nhỏ – Chú bé rắc rối – Bong bóng lên trời được làm năm 1997, hay được biết đến rộng rãi cũng như yêu thích nhất là series phim dài tập Kính vạn hoa

Nguyễn Nhật Ánh - Kho báu của điện ảnh
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đạt thành công về cả doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật.

Từ Áo trắng sân trường những năm 90, cho tới Cô gái đến từ hôm qua năm 2017 là một chặng đường, có thể không dài đối với sự phát triển từng ngày của điện ảnh, nhưng là những thành tựu đáng ghi nhận với sự nghiệp của một tác giả. Nhưng nếu xét trên khía cạnh điện ảnh, dường như những thành tựu ấy vẫn chưa xứng tầm với kho tàng các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Đầu tiên, vấn đề sẽ được mổ xẻ và xem xét với mọi bộ phim chuyển thể, đó là tính trung thành với nguyên tác. Đây cũng chính là yếu điểm chí mạng có thể giết chết một bộ phim ngay từ khi nó chưa kịp đặt chân đến rạp chiếu. Khán giả luôn có xu hướng yêu cầu ở bộ phim sự trung thành với nguyên tác, hay trung thành với trí tưởng tượng của họ. Mong muốn này đôi khi chính là thủ phạm giết chết sự sáng tạo lẽ ra phải là thứ đáng được mong chờ. Nhưng với những bộ phim được đề cập trong danh sách trên, chúng đều là sự mô phỏng trong phạm vi an toàn những gì được tạo ra trong nguyên tác văn học. Nhân vật, tình tiết, thậm chí cả lời thoại. Mọi thứ đều nằm trong một vùng an toàn nhàm chán.

Tiếp theo đó, ở khía cạnh thể loại, có thể thấy, những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đều thuộc thể loại tâm lí – tình cảm, phiêu lưu hài hước hay tâm lí xã hội khá “an toàn” và quen thuộc với khán giả Việt Nam. Cũng không thể trách móc quá nhiều sự “một màu” này khi những tác phẩm được yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều viết về những câu chuyện đời thường giản dị, dẫn tới việc khi mang chúng lên màn ảnh, nhà sản xuất không có lựa chọn nào hơn việc biến bộ phim của mình thành một tác phẩm thuộc thể loại tâm lí – tình cảm.

Nguyễn Nhật Ánh - Kho báu của điện ảnh 2
“Cô gái đến từ hôm qua” - Phim điện ảnh mới nhất chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Nhưng giờ đã là năm 2017, gia tài sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đã là một bộ sưu tập đa dạng về nội dung và thể loại, vậy tại sao những bộ phim được chuyển thể từ sách của ông vẫn quanh đi quẩn lại ở thể loại tâm lí – tình cảm xa xưa? Liệu đây là sự phản chiếu nhu cầu nghe nhìn của khán giả, hay những nhà sản xuất vẫn quá biếng lười để bước ra khỏi vùng an toàn bấy lâu nay? Câu hỏi ấy, chắc chắn trong khuôn khổ bài viết này, khán giả sẽ không có câu trả lời. Nhưng nó đặt ra cho chúng ta một giả thuyết thú vị, rằng nếu những tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được chuyển thể thành phim, thì đó sẽ là những tác phẩm như thế nào.

Hãy bắt đầu một cách nhẹ nhàng, với những tác phẩm mới như Ngồi khóc trên câyBảy bước tới mùa hè hay Ngày xưa có một chuyện tình. Hẳn vẫn sẽ là công thức quen thuộc – phim tâm lí tình cảm pha một chút hài hước, với một vài cái tên đình đám của giới giải trí sẽ mang về cho nhà sản xuất một con số doanh thu không nhỏ.

Nguyễn Nhật Ánh - Kho báu của điện ảnh 3
Các truyện ngắn dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh kể về những chú thú cưng.

Nếu phương án đầu tiên làm bạn cảm thấy nhàm chán, thì hãy bắt đầu tăng tốc với những cái tên như Tôi là Bê-tôCon chó nhỏ mang giỏ hoa hồng rồi Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Loại hình điện ảnh nào sinh ra để dành cho bộ phim về những chú chó hay cô mèo biết nói, biết suy nghĩ và hành động như con người? Bạn đoán đúng rồi đấy. Chúng ta đang nói đến những bộ phim hoạt hình. Hãy tưởng tượng, một bộ phim hoạt hình được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh! Nghe có chút mạo hiểm, nhưng sao lại không chứ!

Nhiều năm về trước, series phim Kính vạn hoa đã trở thành mẫu mực cho thể loại phim thiếu nhi khi được sản xuất tới ba phần, với hàng chục tập phim được phát sóng. Truyền hình chính là thế mạnh của những bộ truyện dài hơi, với trung tâm là một nhóm nhân vật gắn bó khăng khít. Những thành tựu mà Kính vạn hoa đã làm được, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng sẽ được lặp lại nếu Chuyện xứ Lang Biang được đầu tư chuyển thể thành một series phim truyền hình thuộc thể loại kì ảo – một điều cũng chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Nếu khả năng ấy có thể xảy ra, đó hẳn sẽ là một cú “hit” đi vào lịch sử.

Nguyễn Nhật Ánh - Kho báu của điện ảnh 4
Chuyện xứ Lang Biang – chất liệu tuyệt vời cho series phim kì ảo đầu tiên của Việt Nam.

Bây giờ, bạn có trong tay danh sách những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Bạn nhanh chóng gạch đi những cái tên đã được chuyển thể, bạn bỏ tiếp những cái tên hiển nhiên sẽ được lựa chọn nếu người ta muốn chuyển thể sách của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh, bạn loại tiếp những ứng cử viên cho một bộ phim hoạt hình, một series fantasy dài tập, những bài thơ… liệu bản danh sách đã kết thúc ở đó? Không, chúng ta quên chưa nhắc đến những tập tản văn man mác hoài cổ như Thương nhớ Trà Long hay Người Quảng đi ăn mì Quảng.

Và bởi không phải ai cũng là Trần Anh Hùng để chuyển thể một cuốn sách miên man như Nét duyên goá phụ trở thành Vĩnh cửu; chúng ta có thể tạm loại bỏ khả năng sẽ chuyển thể những cuốn sách này thành một bộ phim. Không thể trở thành một kịch bản phim, nhưng sẽ ra sao, nếu từng câu từ ấy trở thành lời bình trong một bộ phim tài liệu?

Vậy vấn đề chúng ta cần phải rút ra, sau bài viết rất dài này là gì? Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên đảm bảo doanh thu phòng vé không thua kém gì những gương mặt danh hài đình đám? Ôi thôi nào, điều ấy thì ai chả biết sau thành công vượt ngoài sức tưởng tượng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hồi năm kia. Cái chúng ta thấy được, là tiềm năng không ngờ ẩn chứa trong những tác phẩm của nhà văn xứ Quảng trong cuộc kết duyên với điện ảnh.

Từ series chiếu trên truyền hình cho tới những “bom tấn” màn ảnh rộng, từ thể loại tâm lí tình cảm quen thuộc cho tới những tác phẩm có yếu tố siêu nhiên… Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn tìm được cách để hoà mình vào dòng chảy của điện ảnh. Và việc của những nhà làm phim đang ngày một bắt kịp với nền điện ảnh thế giới, là hãy dấn thân để biến những tiềm năng vốn chỉ là những giả thuyết mơ hồ này trở thành các tác phẩm điện ảnh thực thụ.

Theo Muzuco

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang