Oán - Phim kinh dị Việt hứa hẹn gây sốt trong năm 2017

Quang BD

Bộ phim kinh dị "Oán" do Huỳnh Đông làm đạo diễn dù có kinh phí thấp nhưng vẫn "ra ngô ra khoai".

Kinh dị là một thể loại “quen mặt” của điện ảnh Việt Nam suốt 2 năm trở lại đây. Có một dạo (tầm nửa đầu 2015) ra rạp chỉ thấy toàn phim kinh dị. Nhưng số phim để khán giả nhớ được suốt từ đó đến nay chưa đến 10 phim. Trong đó đạo diễn được xem như “cứu tinh” của phim kinh dị Việt là Victor Vũ với những tác phẩm được công chúng ghi nhớ như Giao Lộ Định Mệnh, Scandal 1 & 2, Quả Tim Máu. Sau này có thêm Đoạt Hồn của Hàm Trần cũng ấn tượng không kém, hay Ngôi Nhà Trong Hẻm của Lê Văn Kiệt hồi năm 2012 cũng được đánh giá cao do thực hiện đúng công thức của dòng phim này.

Phim kinh dị vốn có kinh phí không cao, cốt truyện cũng không cần phải xuất sắc mới lạ, quan trọng nhất vẫn là thủ thuật và cách triển khai. Khổ nỗi hai yếu tố này trong phim kinh dị Việt đều cũ và sai. Những mánh lới hù dọa nhàm chán và cách vận dụng bối cảnh vào câu chuyện không hợp lý đã không thể đánh thức được sự sợ hãi của khán giả.

Poster phim ‘Oán’

Có thể thấy chất “kinh dị” trong phim của Victor Vũ không hoàn toàn nằm ở hình ảnh hoặc những màn “jump-scare” như phim Hollywood mà nó được “cài” vào những nút thắt của câu chuyện, bẻ lái nỗi sợ của khán giả vào những thứ vô hình như âm mưu, thủ đoạn. Thủ thuật này được rất nhiều đạo diễn khác áp dụng nhưng do vụng từ khâu kịch bản dẫn đến thất bại. Ngược lại, Ngôi Nhà Trong Hẻm của Lê Văn Kiệt lại khai thác rất tốt cái nỗi sợ hữu hình khi càng về cao trào nhịp phim càng kịch tích, nhân vật bị nhốt vào một không gian hẹp lặp đi lặp lại và sự tàn bạo của kẻ thủ ác càng ngày càng dữ dội. Hầu như sau Ngôi Nhà Trong Hẻm thì không còn phim kinh dị nào của Việt Nam kéo dài được nỗi sợ của khán giả như vậy nữa.

Quay lại với “nhân vật chính”, Oán là một phim kinh dị ở mức khá khi cân bằng được nỗi sợ hữu hình và vô hình. Chuyện phim diễn ra ở Đà Lạt (địa điểm quen thuộc của phim kinh dị), khi nhóm bạn của An (Vân Trang) phải đến đây để chụp một bộ ảnh cho studio và tá túc ở nhà Luân (Tim), một thành viên trong nhóm. Tại đây, cả nhóm dần cảm nhận được gia đình Luân đang che giấu một bí ẩn có liên quan đến cái chết của ca sĩ Mai Hương (Đông Đào) cách đây 20 năm. Rồi những vụ việc kì lạ xuất hiện cho đến khi mẹ Luân bị rơi xuống lầu…

Mô-tuýp của Oán không mới, cả cách đặt vấn đề cũng khá cũ như việc mở đầu bằng một cảnh tai nạn hay việc nhóm bạn “vô tình” dính líu vào một vụ án. Nhưng như đã nói, cái quan trọng của phim kinh dị nằm ở thủ thuật và cách triển khai. Oán may mắn có một kịch bản khá tốt, dù ngắn nhưng vẫn cài cắm đầy đủ các mắc xích để người xem ngày càng tò mò. Cú “twist” của Oán có thể không còn mới mẻ hay đặc sắc nhưng cách nó xảy ra là hợp lý và nó cũng được giải thích rất thuyết phục. Hơn nữa, khi những bí mật đã bị phanh phui thì phim vẫn kéo khán giả đi thêm một đoạn để hoàn thành nốt tâm lý nhân vật, đây là một điểm khá thú vị trong cách triển khai đường dây câu chuyện.

Kịch bản của Oán tốt còn vì vừa vặn với số lượng nhân vật cũng như những tình huống đặt ra suốt bộ phim. Những chi tiết dùng để nhấn mạnh và xâu chuỗi câu chuyện cũng được lựa chọn và sử dụng hợp lý như hình ảnh cô bé gái, con búp bê, chiếc xe. Vô hình chung điều này lại đúng vào công thức “bối cảnh hẹp lặp đi lặp lại” và nó kích thích được sự tò mò lẫn nỗi sợ dù tất nhiên là chưa nhiều. Hình ảnh ẩn dụ về cặp cánh đen/trắng được sử dụng trên poster và những tấm hình quảng bá rất hay, cũng chính là “gợi ý” về cú twist trong phim nhưng vì không được khai thác triệt để mà trở nên hơi vụng. Chưa kể chọn hình ảnh đôi cánh lại mang hơi hướm cổ tích và sân khấu, không phù hợp với câu chuyện.

Một điểm trừ nữa là thời lượng phim vốn không nhiều nhưng lại có quá nhiều sự lặp lại của một phân đoạn flashback. Dù đoạn này có tác dụng khiến khán giả ghi nhớ khuôn mặt thù hận của nạn nhân, cũng như trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật dẫn đến sự trả thù nhưng do bản thân phân đoạn đó vẫn chưa đủ “đô” để sợ, đâm ra nhàm chán. Cộng thêm cách đạo diễn thực hiện những pha hù dọa bằng phương thức kết hợp long-shot với jump-scare khá thủ công nên tạo cảm giác ngây ngô và hơi buồn cười. Trang phục và bối cảnh cũng không được đầu tư nên dễ bị dội.

Phần dựng phim, nhất là ở nửa đầu, cũng khá là khó chịu. Cảnh được cắt và chuyển không mượt, không toát ra được ý đồ của đạo diễn, gây ra cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Màu phim cũng được xử lý không thống nhất dù có những góc máy khá đẹp (đa phần là những góc máy xa lấy cảnh hồ núi ở Đà Lạt và cảnh xe chạy trên đèo). Nhưng theo tiết lộ của nhà sản xuất thì kinh phí phim cực thấp, chỉ tầm 3,5 tỉ, một con số “ấn tượng” trong thời buổi ai cũng muốn “khoe mẽ” sự đầu tư. Và con số này, cùng với cái tâm nhìn-thấy-được của Huỳnh Đông trong cách xử lý khiến phim nên nhận được một sự khích lệ hơn là chê bai.

Diễn xuất của các diễn viên chính đều ở mức ổn. Những người có kinh nghiệm như Vân Trang, Kiến An thực hiện khá tốt những màn đối thoại hay biểu đạt cảm xúc nhưng vì đa số diễn viên (cà vả đạo diễn Huỳnh Đông) đều có xuất thân truyền hình, kịch nói nên không tránh khỏi việc thiếu chất điện ảnh.

Nói chung, Oán là một minh chứng rõ ràng cho việc đạo diễn chưa giỏi nhưng có một kịch bản tốt thì bộ phim vẫn có thể chinh phục được cảm xúc khán giả. Dù “tầm vóc” của Oán vẫn giống một phim truyền hình, phim trên Youtube hơn nhưng sự tròn trịa trong khuôn khổ của riêng nó vẫn đáng khen so với những phim kinh dị được đầu tư cả chục tỉ nhưng xem chẳng thấy sợ hay tò mò.

Biết rằng so sánh hơi khập khiễng nhưng Oán cũng na ná Light Outs của Hollywood năm vừa rồi, thời lượng và tầm vóc giống một phim ngắn nhưng nó vẫn có những giá trị nội tại chứng minh được góc nhìn và cái tâm của đạo diễn trong điện ảnh.

Bài cùng chuyên mục