Chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của họa sĩ Fumiyo Kono, bộ phim anime In This Corner of the World (Góc Khuất Của Thế Giới) là một tác phẩm đề tài hibakusha (thảm họa đánh bom) với hướng đi rất mới lạ và sáng tạo, nhưng mặt khác lại có phần thiếu tham vọng trong việc thể hiện dụng ý của mình.
Đạo diễn và biên kịch bởi nhà làm phim Sunao Katabuchi, người đã thực hiện những tựa kén người xem như Mai Mai Miracle và Princess Arete, In This Corner of the World là một trong số ít những tác phẩm độc lập ‘lớn’ của ông. Có chủ đề không mới về Thế chiến thứ 2 với đồ họa hoạt hình tương đối khác biệt với phần lớn anime trên thị trường, bộ phim gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn tiền sản xuất; thậm chí dự án phải nhờ đến việc gây quỹ để có kinh phí.
Câu chuyện trong phim xoay quanh quãng đời niên thiếu đến lúc trưởng thành của cô gái vụng về, hay mơ mộng và thích vẽ tranh tên là Suzu. Tương tự với một anime khác cũng bối cảnh thời Đế quốc Nhật là The Wind Rises của bậc thầy Hayao Miyazaki, In This Corner of the World không phải là một phim tập trung lột tả trần trụi những bi kịch và sự chết chóc mà cuộc chiến đem lại – thay vì vậy ‘Corner’ lại có một bầu không khí hết sức cá nhân, bình dị.
Những sự kiện trong phim đến rồi đi như những trang giấy của một cuốn hồi kí không tì vết: nó ‘sạch sẽ’, gọn gàng đến kì lạ, nó không đẫm nước mắt hay đỏ màu máu của những Barefoot Gen hay Grave of the Fireflies. Sự độc đáo của In This Corner of the World là không thể phủ nhận, tuy nhiên chính sự độc đáo ấy cũng là thứ giết chết đi những xúc cảm mãnh liệt mà một phim với bối cảnh lịch sử đầy bi kịch của nước Nhật thời chiến nên có.
“Họ gọi tôi là một kẻ mộng mơ,” giọng của Suzu phát lên ngay những giây phút đầu phim. Như một điềm báo trước, cả phim mang dáng dấp của một giấc mộng: về một thành phố Hiroshima tiền chiến nhộn nhịp, những công dân yêu nước với niềm tin không lay chuyển dành cho sức mạnh quân sự của Đế quốc Nhật. Đáng tiếc thay In This Corner of the World bản thân nó lại thật sự tin vào giấc mơ ấy, và nó một cách chủ quan, lần lượt kìm nén, giảm thiểu tác động hoặc rút ngắn… thời lượng của những thảm họa xảy ra quanh Suzu, hòng vẽ nên một bức tranh ích kỷ về ‘người Nhật mạnh mẽ’.
Sự mất mát của người thân, sự tàn phá mà chiến tranh mang đến cho quê hương mình, với Suzu chúng trôi qua một cách rất mơ hồ và mang tính giới hạn. Mâu thuẫn là sự mơ màng ấy lại được nhấn mạnh bởi tính máy móc, khi phim không quên đánh dấu số phút, số giờ, ngày, tháng và năm cho từng thời điểm và sự việc, gần như thì thầm bên tai người xem rằng, ‘Những ngày tháng yên bình này rồi sẽ kết thúc.’
Và khán giả chờ đợi đến mòn mỏi để được rung động, được đồng cảm với những nạn nhân sẽ-sớm-xuất-hiện, nhưng điều đó chỉ xảy ra… trong giây lát, trước khi phim lại quay sang những cảnh liên quan đến công việc nội trợ thường ngày, những bữa ăn gia đình, những chuyến đi nhận lương thực… những thứ xuất hiện dai dẳng như nội dung của một ấn phẩm quảng cáo về ‘cách hóa thành một người vợ Nhật’.
Nét nên thơ và hồn nhiên thái quá ấy thực chất lại được thể hiện cực kỳ tốt về mặt hình ảnh; chính xác hơn, có thể nói đạo diễn Sunao Katabuchi đã có một lựa chọn về kỹ thuật đồ họa đúng đắn cho ‘Corner’. Phim mang một phong cách tối giản kinh điển, phối với phông nền vẽ tay bằng màu nước, qua đó đem đến một vóc dáng chân thực cho khung cảnh và con người nước Nhật hiện diện tại một giai đoạn lịch sử đang dần bước vào quên lãng. Đối với những khán giả hâm mộ phim anime, vẻ đẹp của phim phần nào gợi nhớ đến The Tale of Princess Kaguya của đạo diễn Isao Takahata.
Trong In This Corner of the World, chúng ta có thể nói đến việc phim quá thiếu điểm nhấn, hoặc sự chuyển dịch thiếu nét giữa những phân đoạn lớn, nhưng đằng sau tính ‘bâng quơ’ và vô ý thức về những khái niệm sâu xa hơn xoay quanh một nước Nhật Bản hỗn loạn của Thế chiến thứ 2 là một nhịp phim gần như đồng nhất đến… hoàn hảo! Nếu nghĩ đến ‘Corner’ như một câu chuyện tường thuật, một tác phẩm tiểu sử xoay quanh cô gái trẻ tên Suzu sinh sống vào thời chiến với đam mê cháy bỏng cho nghệ thuật vẽ tranh… và cuộc chiến chính là ‘kẻ xấu’; thì phim là một sản phẩm nghệ thuật xứng đáng được vô vàn sinh viên ngành điện ảnh nghiên cứu và học hỏi, đặc biệt ở quá trình xây dựng và phát triển nhân vật rất đồng đều của phim.
Do đó, khi ‘Corner’ quyết định khai thác sâu vào nội tâm của một Suzu với vóc người nhỏ bé lại vô cùng ít nói, ngớ ngẩn và ngây thơ như trẻ con, cũng là lúc anime đã đoạt giải Viện Hàn lâm Nhật cho phim hoạt hình hay nhất 2017 này có những giây phút kết nối tốt nhất với khán giả.
In This Corner of the World trau chuốt ở từng chi tiết một, bất kể đó là những hoạt động thường nhật như hái lá thông, nấu cơm hay xây dựng hầm trú bom. Đặt Suzu vào bất kỳ tình huống nào, cô cũng hăng hái cúi đầu làm việc và tỏ ra ăn năn mỗi khi xuất hiện sai sót trong công việc mình – tuy nhiên Suzu không làm việc như một cỗ máy, mặc cho biên tập phim cắt cảnh nhanh đến thế nào đi nữa.
Suzu vẫn có những giây phút chậm rãi, những khoảnh khắc dừng lại bất thần để mà mơ mộng, để tưởng tượng ra cảnh vật trước mắt mình trong nét vẽ của chính cô. Cô có những ước mơ và nguyện vọng, những suy nghĩ của riêng mình. Cho nên khi bi kịch xảy đến với cô – qua hình thức một trái bom nổ chậm làm mất đi một nửa cánh tay phải dùng để vẽ vời cũng như làm chết người cháu mà cô yêu quí vô cùng - sự đau đớn và mất mát ấy đã được phóng lên cực đại. Người xem lần đầu cảm giác được một sợi dây liên kết nhất định với nữ chính phim, và họ cảm thấy một lỗ hổng lớn của bản thể - bị tước đoạt khỏi mọi niềm tin vào cuộc sống.
Tuy nhiên, như đã hẹn vậy, In This Corner of the World quay lại với bản chất và lý tưởng gốc đã được định ra từ trước cho nó: ‘Để thể hiện sự mạnh mẽ của người Nhật thời chiến, hãy cho thấy sự kiên định trong đời sống thường nhật của họ!’ Những bi kịch và xúc cảm mà sự việc trong phim có thể tạo dựng hầu như bị cách ly khỏi những bữa ăn gia đình, những công việc nấu nướng theo quy củ… một ẩn dụ vô tình về người Nhật thời hiện đại: khi cụm từ Phát xít Nhật được cất lên trong buổi bàn luận, mọi người sẽ giả vờ rằng nó chưa từng được cất lên. Nếu ‘Corner’ là một bài nhạc, nó không có phân đoạn nào để người nghe nhớ và thẩn thơ hát trong vô thức.
Nhìn chung In This Corner of the World gây ấn tượng với đồ họa cũng như những sáng tạo trong cách dẫn dắt, cách phát triển nhân vật, và lập tức đóng vai trò là một ví dụ hiếm thấy về "diễn xuất" trong một phim hoạt hình - nhưng cuối cùng lại thất bại trong nghệ thuật biểu hiện, khi phim quá thiếu sự táo bạo trong việc đưa thông điệp của mình tới với người xem. Trong một tác phẩm với tiền đề về sức mạnh nhân văn, chất người, những cảm xúc tiêu cực cần có trong một cuộc đời tàn rụi bởi tấn thảm kịch chiến tranh lại được tống khứ đi một cách gọn gàng và nhanh chóng. Người xem rưng rưng nước mắt, nhưng chỉ trong phút chốc.
Phim đã được khởi chiếu tại các rạp toàn quốc ngày 18/8 vừa qua với tựa Việt Góc Khuất Của Thế Giới.
Theo Muzuco