Dù vẫn còn nhiều khuyết điểm không đáng kể, Thành Phố Ảo đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc cho ngành điện ảnh Hàn Quốc nói chung và chủ đề phim hành động nói riêng.
*Review bảo đảm không spoiler, đừng lo lắng nhé
Với tựa đề “Thành Phố Ảo”, chắc hẳn ai cũng tưởng tượng đến một bộ phim Hàn Quốc với những pha hành động không tưởng trong thế giới hiện tại. Tuy nhiên, gần như ngược lại hoàn toàn – Thành Phố Ảo lại khá chân thực đến bất ngờ và không hề có (hoặc rất ít) những yếu tố kì ảo hay quá mức như trong thế giới game máy tính.
Thành Phố Ảo có xu hướng thiên về dạng phim điều tra – trinh thám hơn với một chút yếu tố hành động xen kẽ. Bộ phim kể về cuộc đời của anh chàng nghiện game Kwon Yu (do Ji Chang-wook thủ vai) bất ngờ gặp phải quá nhiều biến cố chỉ sau một cuộc gọi điện gài bẫy. Cùng với đội game của mình, anh sẽ phải tìm cách để rửa sạch thanh danh và vạch trần tội ác của thế lực tội ác đã gài bẫy và luôn săn lùng anh.
Cốt truyện xuyên suốt, chặt chẽ
Khác hẳn với những bộ phim Hàn Quốc trước đây, Thành Phố Ảo có diễn biến khá nhanh và chặt chẽ với nhau, không gây nhàm chán hay dư thừa tình tiết nào. Với cảnh quay khá rõ ràng và sắp xếp hợp lý, khán giả cũng không hề có cảm giác choảng ngộp với tốc độ tình tiết diễn biến theo phim.
Bên cạnh đó, một bộ phim điều tra mà không có các yếu tố “bất ngờ” chắc hẳn sẽ rất chán – và đây cũng là điểm cộng lớn cho Thành Phố Ảo ở phần diễn biến câu chuyện. Từng chi tiết được đưa ra, từng lớp nhân vật hé lộ và làm tròn vị trí của mình hợp lý theo dòng thời gian của bộ phim kết hợp với vài “twist” cốt truyện khá mới lạ sẽ khiến khán giả khó mà đoán theo các tình tiết nhỏ để dẫn đến kết cục cuối cùng.
Góc quay chân thật, khung cảnh xuất sắc
Câu chuyện này xoay quanh tại thành phố Seoul nhộn nhịp thì làm sao đạo diễn có thể bỏ qua được các khung cảnh lớn của toàn thành phố được. Nếu như bạn còn nhớ đến bộ phim Fast and Furious 7, cảnh rượt đuổi xe cộ trong khuôn viên thành phố Los Angeles của Mỹ cũng không hề bỏ xa công nghệ quay rượt đuổi trong Thành Phố Ảo cả (đặc biệt ở các khoảng sử dụng bom mìn nổ quá lố của phim hành động Mỹ…)
Ngoài ra, dù có thể hơi thừa, tuy nhiên vẫn có một số góc quay từ xa của các khung cảnh nhà ổ chuột nhưng lại có khung cảnh khá đẹp sau lưng (núi đồi cỏ xanh). Góc quay đẹp nhưng cỏ vẻ không hợp lắm với cảnh thành phố Seoul nhỉ…
Nhân vật bám sát thực tế
Đội game mang tên RESSURECTION chính trong bộ phim bao gồm 5 thành viên chính: Kwon Yu đội trưởng – một anh chàng thất nghiệp, nghiện game online và rất pro (nhất trong game đó?!), Ye-wool – một nữ thiên tài hacker với chứng sợ giao tiếp xã hội và 3 anh chàng/chú/cụ khác góp các phần còn lại (lắp ráp công nghệ, drone, đánh lạc hướng, mua vui…nói chung là nhân vật phụ…)
Tập trung cao độ vào 2 nhân vật chính này, đạo diễn một phần muốn liên hệ đến số đông giới trẻ hiện nay tại Hàn Quốc với 2 trường hợp rất thường gặp này (chủ yếu là nghiện game online nhỉ).
Tuy nhiên, thay vì xoáy sâu vào vấn đề này, bộ phim tập trung vào một câu nói được nói ra ở đầu và cuối bộ phim: “Nhìn cái cây từ xa có thể rỗng, nhưng khi nhìn gần thì nó lại không rỗng. Không hề rỗng đâu”. Theo ý kiến chủ quan, có thể thông điệp bộ phim muốn đưa tới người xem là “Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài” – như một cậu thanh niên nghiện game online lại là kẻ giết người, hay một cô nàng quái đản lại có khả năng hack gần như mọi thứ.
Đáng tiếc thay, bộ phim làm cho người xem (hoặc có thể chỉ là mình) tập trung duy nhất vào 2 nhân vật đội trưởng Kwon Yu và nữ hacker Ye-wool. Các thành viên còn lại của đội lại khá mờ nhạt và cảm giác như chỉ ở đó cho đủ team 5 người…
Công nghệ quay phim hiện đại hơn
Để thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ những giây đầu tiên, Thành Phố Ảo” mở màn với một cuộc chiến hoành tráng với những phân cảnh chiến đấu chân thực của Kwon Yu và đồng đội trong một chiến dịch gỡ bom cứu lấy mọi người.
Cảnh rượt đuổi xe hơi trong thành phố cũng là màn hấp dẫn của nửa sau bộ phim. Nhà làm phim đã sử dụng toàn bộ 8 làn đường để tạo ra những phân cảnh rượt đuổi đầy thách thức khiến việc ghi hình mất đến một tháng để hoàn thành. Ngoài ra, các cảnh đụng xe, lật xe hay nổ xe cũng cho cảm giác thật/thực tế hơn (như phim Mỹ…her) thay vì dùng hiệu ứng và góc quay để làm quá vụ va chạm thông thường.
Những điểm trừ không đáng có
Thành thật mà nói, nửa phim đầu đối với mình hoàn toàn đã mắt, mãn nhãn và ấn tượng rất tốt đối với một phim hành động/trinh thám Hàn Quốc. Tuy nhiên, nửa sau bộ phim lại mang lại cảm giác khá rời rạt, vội vã vài tình tiết gút điểm quan trọng.
Trong khi đó, vì 3 nhân vật phụ có vẻ mờ nhạt, nửa sau phim lại cho 3 anh ấy thêm cảnh quay/đất diễn trong phim, khiến cảnh rượt đuổi xe gây cấn trở nên “dài hơi” và…hơi gượng gạo một tí.
Ngoài ra, (spoil một tí) anh chàng của chúng ta qua thời gian diễn biến phim bỗng dung từ một cựu vận động viên điền kinh (hay gì đó) giải nghệ và nghiện game – trở thành một tay đua xe cừ khôi, một đấu sĩ tự do (MMA) chuyên nghiệp và cảnh đánh trong bóng tối khá vớ vẩn vào gần cuối phim. Và sau khi xem phim xong, đừng nói là anh có thời gian luyện tập những skill này nhé.
Còn một số tình tiết nhỏ gây điểm trừ nhưng không đáng kể, hoặc có thể mình chỉ khó tính khi xem phim thôi, nhưng nhìn chung bộ phim cũng đã bù lại bằng các tình huống hài hước xen kẽ với những chi tiết “kì lạ” như trên…nên cũng huề lại không sao hết (?!)
Kết
Nhìn chung, Thành Phố Ảo (tuy phim rất thực tế) là một tác phẩm hành động/điều tra xuất sắc vượt hơn mong đợi của nhiều người về mọi mặt. Dù vẫn còn một số chi tiết cần cải thiện, tuy nhiên đây chắc chắn là bộ phim mà các bạn muốn xem thử qua nếu muốn “thử” độ hay của phim Hàn Quốc hiện tại.
Ngoài ra, phản ứng của khán giả sau khi xem cũng rất tích cực (ai cũng khen là phim hay toàn diện cả, đừng lo nhé)
Boo