Bắt nguồn chỉ là tác phẩm nghệ thuật của một họa sĩ Nhật Bản, hình ảnh về Momo nay đã biến tướng thành những thử thách ám ảnh kinh hoàng cho trẻ em và sự phẫn nộ của các bậc phụ huynh.
Ngày 2/8/2018, khoảng nửa năm về trước, tờ The Buenos Aires Times đã đưa tin về một vụ tự sát gây chấn động cả xã hội Argentina bấy giờ. Tại thành phố Escobar, lực lượng cảnh sát lúc đó vẫn đang dáo dác lần theo dấu vết về một bé gái 12 tuổi, được tìm thấy trong tư thế treo cổ lên cành cây sau nhà.
Khi đó, điện thoại của nạn nhân vẫn đang bật chế độ quay video. Cảnh sát cho rằng cô bé đang ghi lại hình ảnh để đăng lên mạng xã hội, xác nhận thực hiện thử thách của một tài khoản Whatsapp lạ mang tên: Momo.
Đến nay, Momo đã và đang reo rắc sự phẫn nộ đối với con trẻ và các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Hàng loạt những lời cảnh báo đã được đưa ra để đối phó với con "quái vật" tưởng chừng như chỉ xuất hiện qua các thước phim kinh dị này.
"Quái vật Momo" và nỗi ám ảnh kinh hoàng
Cùng thời điểm vụ tự sát hồi tháng 8 năm ngoái, trào lưu nhắn tin cho một thực thể có tên "Momo" thông qua ứng dụng Messenger hoặc WhatApps cũng bắt đầu rộ lên ở một vài quốc gia khu vực Mỹ Latin như Argentina, Mexico, Mỹ, Pháp, Đức… Sau khi kết nối với Momo bằng một số điện thoại được cung cấp, người dùng sẽ nhận được nhiều hình ảnh bạo lực, máu me và những thử thách bắt buộc phải thực hiện, kèm với đó là lời đe dọa trừng phạt các nạn nhân nếu không tuân lệnh.
Hình ảnh bệnh hoạn được chọn làm đại diện cho thực thể Momo bắt nguồn từ tác phẩm nghệ thuật "Chim Mẹ", sáng tác bởi nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo vào năm 2016. Chính nhờ ngoại hình đầy ám ảnh với đôi mắt trố, thân trên là người, thân dưới là gà kèm theo bộ tóc dài xõa xượi, mà chỉ từ một tác phẩm nghệ thuật, "Chim Mẹ" đã bị biến tấu thành Quái vật Momo.
Đối tượng mà thử thách Momo, còn gọi là Momo Challenge, nhắm đến là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, những người có vấn đề tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, có thể dễ dàng làm theo những lời xúi giục đầy rẫy những hiểm họa tiềm tàng.
"Momo sẽ ra sức mời gọi các nạn nhân liên lạc với 'nó' thông qua ứng dụng WhatsApp. Thậm chí, Momo còn đe dọa sẽ xuất hiện trong đêm, ngay tại giường ngủ và nguyền rủa bất kỳ ai dám làm trái yêu cầu của 'nó'.” - theo thông báo của cảnh sát Mexico hồi tháng 8/2018.
Sau đó, hàng loạt các lời khuyến cáo từ các chuyên gia và cả điều tra viên tội phạm tin học, kèm theo sự theo dõi sát sao của các lực lượng chức năng đã khiến Quái vật Momo "bặt vô âm tín" suốt 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, đến nay, Momo lại tái xuất, tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các bậc phụ huynh trên toàn thế giới
Từ vụ việc về những bé gái tự cắt tóc, đập đầu vào tường mong tìm đến cái chết...
Thời gian gần đây, bà mẹ 2 con Victoria Turner, 24 tuổi, bắt đầu nhận thấy con mình là bé Callie Astill (7 tuổi) có những biểu hiện lạ. Cụ thể, cô bé trở nên khép kín, đờ đẫn hơn và không còn dám tự đi vệ sinh một mình tại trường học nữa.
"Con bé vốn là một đứa trẻ ngoan nhưng nó đã thay đổi rõ rệt trong cách cư xử." - cô Victoria nhớ lại. "Thậm chí nó còn tự đập đầu vào tường như muốn tìm đến cái chết, đồng thời tỏ ra sợ hãi ngay cả với việc đi ngủ."
Sau một lần tình cờ nhìn thấy bài đăng cảnh báo trên mạng xã hội, kêu gọi các bậc phụ huynh cảnh giác về một con "quái vật" có tên Momo đang xuất hiện trên các video phim hoạt hình dành cho trẻ em trên Youtube, bà mẹ hai con mới chột dạ hỏi Callie về thực thể quái dị ấy. Cô bé sợ hãi từ chối lúc đầu, nhưng rồi cũng nói rõ mọi chuyện. Callie đã thấy Momo trên YouTube Kids, và đã bị nó ám ảnh suốt nhiều ngày, ngay cả trong giấc ngủ.
Bé Callie đã bị ám ảnh với nhân vật Momo, nhiều lần mong muốn tìm đến cái chết.
Chưa hết, mới đây, một bé gái tại hạt Gloucestershire, Anh cũng đã được phát hiện trong tình trạng hoảng loạn, mất kiểm soát dẫn đến tự cắt trụi mái tóc dài của mình. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, bậc phụ huynh của bé gái mới tá hỏa khi biết bé đã xem video trên Youtube Kids, có xuất hiện hình ảnh của Momo.
Hoảng loạn, mất kiểm soát sau khi nhìn thấy Momo, một bé gái Anh đã tự cắt trụi mái tóc dài của mình.
Đáng sợ hơn cả, bé gái này dường như vẫn rất gắn bó với hình tượng nhân vật Momo, không dám tự hứa sẽ không xem những video về "nó" nữa.
...tới lời cảnh báo nghiêm trọng về sự tái xuất của "Quái vật Momo"
Momo đã thực sự quay trở lại, nhưng giờ không chỉ đơn thuần là những tin nhắn kết nối với người dùng qua nền tảng WhatApps nữa, mà đã len lỏi vào các video hoạt hình tưởng chừng như vô hại tuyệt đối, như Fortnight, Peppa Pig… trên ứng dụng dành riêng cho trẻ em: Youtube Kids.
Cụ thể, ở giữa những đoạn phim hoạt hình, Momo sẽ bất ngờ xuất hiện để yêu cầu các nhân vật tự sát. Hình ảnh tiêu cực này chỉ xuất hiện trong vỏn vẹn vài giây nên các bậc phụ huynh rất khó phát hiện.
Momo sẽ nhảy vào giữa đoạn phim hoạt hình trong vỏn vẹn vài giây và dạy trẻ cách tự tử.
Những đoạn clip về Momo đang xuất hiện tràn lan trên Youtube.
Trẻ em Việt Nam cũng không nằm ngoài danh sách các nạn nhân?
Đây là một lời cảnh báo nghiêm trọng tới các bậc phụ huynh trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam chứ không riêng gì các nước phương Tây. Với cách tiếp cận mạng xã hội từ rất sớm, trẻ em Việt Nam cũng có thể bị tổn thương bởi những hình ảnh bệnh hoạn tràn lan trên các đoạn clip hoạt hình như trên. Với đầu óc non nớt của con trẻ, kèm theo xu hướng vẫn còn thần tượng hoạt hình, các cô bé cậu bé có thể sẽ không nhận thức được và sẵn sàng nghe theo chỉ dẫn đến cùng.
Được biết, Youtube Kids hiện đang là ứng dụng phổ biến với khán giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, cách duy nhất để bảo vệ những đứa trẻ chỉ có thể là sự quan tâm, theo dõi sát sao của các bậc phụ huynh, trước khi con mình trở thành nạn nhân tiếp theo của Momo.
Cách duy nhất để trẻ em Việt Nam không phải là nạn nhân tiếp theo của Momo, chính là nhờ vào các bậc phụ huynh.
Theo Kenh14