Tắt máy khi không sử dụng, dùng đế tản nhiệt hoặc tắt bỏ các ứng dụng ngốn pin là cách đơn giản bảo vệ thiết bị của bạn dưới nhiệt độ 40 độ C hiện nay.
Nhiệt độ là kẻ thù lớn nhất của mọi loại thiết bị, bao gồm cả smartphone và laptop. Pin của máy nhanh hỏng hơn nếu chúng bị nóng trong thời gian dài, hiện tượng quá nhiệt cũng có thể phá hủy nhiều linh kiện của thiết bị phần cứng.
Dưới thời tiết 40 độ C của miền Bắc thời điểm này, smartphone, laptop rất dễ gặp phải hiện tượng quá nhiệt nếu sử dụng không đúng cách. Dưới đây là một số mẹo sử dụng để bảo vệ smartphone, laptop của bạn.
Giữ thiết bị ở nhiệt độ thích hợp
Hầu hết smartphone, laptop đều bị nóng lên khi sử dụng (chủ yếu do pin). Tuy nhiên, có một giới hạn an toàn nhất định cho các thiết bị này, trước khi chúng rơi vào tình trạng quá nhiệt.
|
Nhiệt là kẻ thù của mọi loại thiết bị. Ảnh: Gizbot. |
Thông thường, người dùng nên giữ cho laptop chạy ở nhiệt độ dưới 50 độ C. Với một số laptop sử dụng các con chip đời mới, mức nhiệt độ an toàn có thể cao hơn đôi chút. Nếu laptop thường xuyên bị nóng và gặp vấn đề về hiệu năng, người dùng cần sử dụng các công cụ theo dõi nhiệt độ, chẳng hạn SpeedFan, Real Temp cho máy Windows. Trên máy Mac có sẵn ứng dụng Temperature Monitor trên bảng dashboard widget.
Hầu hết smartphone hiện đại đều có cảm biến nhiệt độ, cảnh báo cho bạn nếu pin của máy bị quá nhiệt. Nhiều smartphone sẽ tự động tắt nếu máy quá nóng.
Apple khuyến cáo dải nhiệt độ lý tưởng để iPhone hoạt động tốt là từ 16 đến 22 độ C, trong khi nhiệt độ lớn hơn 35 độ C có thể gây hại lớn cho pin của thiết bị. MacBook hoạt động tốt nhất ở dải nhiệt độ 10 đến 35 độ C.
Nếu không sử dụng, bạn nên giữ máy ở khu vực có nhiệt độ từ -20 đến 45 độ C.
Tránh ánh nắng trực tiếp và xe hơi
Hãy cẩn thận khi sử dụng thiết bị dưới ánh nắng trực tiếp hoặc bên cạnh một chiếc xe hơi đang nóng. Nếu bắt buộc phải hoạt động ở các khu vực như vậy, người dùng nên tắt nguồn smartphone, laptop và chỉ sử dụng khi đến những nơi mát hơn.
Một lựa chọn khác là bảo vệ chúng bằng vải mềm hoặc chọn ngồi dưới gốc cây để tránh nắng.
Đợi thiết bị nguội bớt
Khi di chuyển từ một khu vực nắng nóng sang khu vực có nhiệt độ dễ chịu hơn, hãy chịu khó đợi thêm một lúc để laptop, smartphone nguội bớt trước khi bật chúng lên để sử dụng.
|
Để xảy ra tình trạng quá nhiệt, pin trên smartphone có thể phát nổ. Ảnh: Gizbot. |
Khi sử dụng vỏ bảo vệ cho laptop hay smartphone, người dùng cũng nên làm việc tương tự bởi máy có thể chưa kịp thoát nhiệt ngay lập tức.
Tắt bỏ những ứng dụng ngốn pin
Tắt bỏ những ứng dụng và tính năng gây ngốn pin trên máy, chẳng hạn tính năng như GPS, 3G/4G hoặc độ sáng cao nhất. Đây là những hoạt động khiến pin của máy nóng nhanh hơn.
Nếu được, hãy sử dụng thiết bị ở chế độ tiết kiệm pin để sử dụng pin ít hơn và ít nóng hơn.
Dùng đế tản nhiệt
Đế tản nhiệt cho laptop là một phát minh tuyệt vời. Thiết bị này không chỉ giúp máy thoát nhiệt tốt hơn mà còn đặt máy ở vị trí cực kỳ khoa học để sử dụng.
Tốt nhất, bạn luôn sử dụng máy cùng đế tản nhiệt. Tuy nhiên, nếu không quen hoặc không thích sử dụng phụ kiện này, hãy đặt máy lên đế tản nhiệt khi nó có dấu hiệu bị nóng.
Tắt máy khi không sử dụng
Với thời tiết nắng nóng như ở miền Bắc những ngày này, chỉ cần sử dụng một vài tác vụ nhỏ, laptop, smartphone đều nóng lên rất nhanh. Do đó, nếu không sử dụng, người dùng nên tắt máy hoàn toàn để đảm bảo nó không phát sinh nhiệt.
Nếu thiết bị tự động tắt do quá nhiệt, người dùng nên đợi khoảng 15 phút để máy mát hơn trước khi bật lên và sử dụng bình thường.
Theo Zing