Mặc dù phần thứ nhất của phim phim khoa học viễn tưởng đã tiên đoán trước về viễn cảnh thế giới loài người bị thống trị bởi người máy, song phần thứ hai mới đi sâu vào lý giải thảm họa này sẽ xảy ra như thế nào. “Ngày Phán Xét” đáng nhẽ đã xảy ra vào ngày 29 tháng 8 năm 1997, sau đó đám Terminator sẽ vươn lên thống trị thế giới và tìm cách tiêu diệt tận gốc loài người.
Thế kỷ 21 là thời đại của khoa học và công nghệ, với sự phát triển của máy tính cá nhân, Internet, điện thoại di động, robot và rất nhiều thành tựu hiện đại khác khiến cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Dường như cả thế giới đều quan tâm tới chúng, và tất nhiên Hollywood nắm bắt được điều này, với hàng tá bộ phim khoa học viễn tưởng “tiên đoán” về tương lai vào cuối thế kỷ 20.
Tuy nhiên, các nhà làm phim chỉ đơn thuần những người kể chuyện giỏi và gần như không có chút kiến thức thực sự nào về công nghệ cả. Thời điểm thập niên 80’ và 90’ vẫn là buổi đầu của công nghệ vi tính, và mọi thứ dường như là khả thi, nên họ đã tận dụng niềm hy vọng của công chúng để làm nên những bộ phim mô phỏng sự “tân tiến” và “ấn tượng” của thế giới trong tương lai.
Dưới đây là danh sách 10 bộ phim đã đưa ra những dự đoán sai lầm về công nghệ trong tương lai, nhưng dẫu vậy về khía cạnh giải trí thì chúng vẫn thực sự đáng xem.
10. Disclosure (Barry Levinson, 1994)
“Disclosure” có lẽ là một bộ phim thiên về chủ đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc hơn là công nghệ. Nó lấy bối cảnh hiện tại, song lại sở hữu những công nghệ mà thập niên 90’ chưa thể nào cho phép được. Ý tưởng về những tiện ích hỗ trợ công việc văn phòng không hoàn toàn là sai, nhưng cách mà các nhà làm phim mường tượng nó lại rất … ngớ ngẩn. Hacking, email, internet hay công nghệ thực tế ảo, tất cả đều vẫn rất hiện hành, nhưng trông đơn giản hơn nhiều chứ không “ấn tượng” quá đà như trong phim.
9. The Lawnmower Man (Brett Leonard, 1992)
“The Lawnmower Man” là một bộ phim viễn tưởng/kinh dị khá hay ra đời vào năm 1992, với nội dung về sự trỗi dậy của công nghệ thực tế ảo. Mặc dù VR đã được biết đến nhiều hơn trong những năm gần đây, nhưng vào thập niên 90’, nó thực sự là một thứ gì đó quá mới mẻ. Tuy nhiên, nó không thực sự quá thú vị và phổ biến, hiện người ta mới chỉ ứng dụng VR cho việc chơi game là chủ yếu, chứ chưa thể giúp “tiến hóa não bộ con người”, và may mắn thay là không gây nguy hiểm như trong “The Lawnmower Man” được.
8. Escape From L.A. (John Carpenter, 1996)
Sau thành công của “Escape From New York”, có vẻ như các nhà làm phim đã quá hứng khởi và tham vọng khi thực hiện phần tiếp theo, khiến mường tượng của họ về công nghệ và nước Mỹ trong tương lai đã đi quá xa khỏi thực tế. Trong bộ phim đầu tiên, thành phố New York biến thành một nhà tù khổng lồ vào năm 1997 (tất nhiên là không chính xác), và tới năm 2013 thì Los Angeles gặp phải một trận động đất và bị chia cắt khỏi nước Mỹ. Bên cạnh những dự đoán sai lầm về chính trị, công nghệ tương lai trong bộ phim cũng … trật lất! Đáng tiếc là tới giờ chúng ta vẫn chưa thể ứng dụng hologram (ảnh ảo 3 chiều) để tương tác hay liên lạc nhiều như trong phim, mà đa phần chỉ dùng nó để tạo hiệu ứng cho những buổi hòa nhạc mà thôi.
7. Strange Days (Kathryn Bigelow, 1995)
“Strange Days” sở hữu một dàn diễn viên xuất sắc và diễn biến hấp dẫn, tuy nhiên những dự đoán của nó về công nghệ trong tương lai là quá tham vọng. Được sản xuất vào năm 1995, và có vẻ như đạo diễn Kathryn Bigelow đã tự tin quá đà khi cho rằng chỉ 4 năm sau, công nghệ thực tế ảo sẽ bùng nổ đến như vậy. Năm 1999 trong phim, những chiếc đĩa thực tế ảo có thể kết nối với tâm trí người dùng và giúp họ được sống trong những kí ức hay tưởng tượng tươi đẹp. Tất nhiên, loại hình công nghệ quá “ảo diệu” này chưa thể tồn tại, song bối cảnh Los Angeles năm 1999 của bộ phim cũng hoàn toàn không giống với thực tế.
6. Timecop (Peter Hyams, 1994)
Bộ phim “Timecop” được sản xuất vào năm 1994, đã dự đoán rằng 10 năm sau công nghệ du hành thời gian sẽ xuất hiện. Và cũng giống như tất cả những bộ phim khác về du hành thời gian, tất nhiên là nó … sai bét. Bên cạnh chi tiết đó, những chiếc xe cực “ngầu” lái tự động, điều khiển bằng giọng nói trong phim cũng đã không xuất hiện ngoài đời thực. Nhưng cũng không nên quá bận tâm, vì những pha hành động của Jean Claude Van Damme vẫn rất đáng xem.
5. Freejack (Geoff Murphy, 1992)
Câu chuyện bắt đầu khi một tay đua sống ở năm 1991 bị dịch chuyển đến năm 2009, và ở thế giới tương lai này, sức khỏe con người đi xuống trầm trọng khiến những người giàu có phải bắt cóc những thân thể khỏe mạnh trong quá khứ và tiến hành chuyển đổi tâm trí để tiếp tục duy trì sự sống. Năm 2009 theo những gì mà đạo diễn của “Freejack” mường tượng ra không thể khác hơn so với hiện thực, khi mà ông kết hợp đủ các yếu tố “phi thường” như du hành thời gian, công nghệ thực tế ảo siêu cao cấp và chuyển đổi tâm trí con người.
4. Terminator 2: Judgment Day (James Cameron, 1991)
Mặc dù phần thứ nhất đã tiên đoán trước về viễn cảnh thế giới loài người bị thống trị bởi người máy, song phần thứ hai mới đi sâu vào lý giải thảm họa này sẽ xảy ra như thế nào. “Ngày Phán Xét” đáng nhẽ đã xảy ra vào ngày 29 tháng 8 năm 1997, sau đó đám Terminator sẽ vươn lên thống trị thế giới và tìm cách tiêu diệt tận gốc loài người. May mắn thay, đến giờ chúng ta vẫn chưa phát triển nên một loại người máy nào “tân tiến” như vậy cả, và ngày 29 tháng 8 năm 1997 cũng chỉ là một ngày bình thường trong năm mà thôi.
3. 2010: The Year We Make Contact (Peter Hyams, 1984)
“2001: A Space Odyssey” nổi tiếng hơn nhiều so với phần tiếp theo này, nhưng vì nó ra đời vào thập niên 60 nên không thể góp mặt trong danh sách của chúng ta, còn “2010: The Year We Make Contact” chắc chắc có mặt. Bộ phim vẫn đi theo đề tài thám hiểm vũ trụ, với những dự đoán đầy lạc quan về tương lai rằng du hành không gian sẽ trở nên phổ biến, và cuối cùng con người cũng sẽ chạm trán người ngoài hành tinh. Tất nhiên cả hai điều này đều chưa xảy ra tính tới thời điểm hiện tại, đồng thời một sai lầm nữa của bộ phim là tới năm 2010, Liên Bang Xô Viết đã không còn tồn tại để chạy đua với Mỹ nữa rồi.
2. Blade Runner (Ridley Scott, 1982)
Ra đời từ năm 1982, song “Blade Runner” vẫn luôn được đánh giá là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại, với hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời và những triết lý nhân đạo vẫn còn giữ được giá trị cho tới ngày nay. Mặc dù bộ phim lấy bối cảnh năm 2019, tức là vẫn còn một vài năm nữa mới xảy ra, nhưng khả năng rất rất cao là sẽ không có những chiếc xe bay, robot phục dịch, những kiến trúc chồng chéo, hay chuyện con người di chuyển tới những hành tinh khác để đi làm. Thành phố Los Angeles vẫn đang biển xanh, nắng vàng tuyệt đẹp, vậy nên những dự đoán của bộ phim cứ trở thành hư cấu hết cũng tốt!
1. Back To The Future: Part II (Robert Zemeckis, 1989)
2015 đã là … 2 năm trước, nhưng chúng ta vẫn chưa có ván bay, xe bay, chó robot, lò nướng có thể biến một chiếc pizza cỡ nhỏ thành một chiếc cỡ đại nóng hổi trong tíc tắc, giày Nike tự buộc dây (gần đây đã được Nike công bố), và những bộ quần áo tự chỉnh cỡ vắt khô. Tương lai chưa thể rực rỡ như trong “Back To The Future: Part II”, song cũng phải công nhận rằng, bộ phim đã có một vài dự đoán chính xác như video game không tay cầm, TV màn hình phẳng trên tường, và công nghệ hội họp qua video.
Mặc dù không tiên tri chính xác 100%, nhưng sức ảnh hưởng của “Back To The Future: Part II” là không thể bàn cãi, khi mà nhiều công ty đã cố tình thiết kế những sản phẩm tương tự trên phim như ván bay, giày tự buộc dây, và quần áo tự chỉnh kích cỡ. Đây quả thực là một ví dụ điển hình về việc nghệ thuật truyền cảm hứng cho cuộc sống.
Theo Tasteofcinema