Từ lâu, chó đã là loài vật được con người thuần dưỡng rất sớm và trở thành loài vật nuôi gắn bó mật thiết với con người. Trên thế giới, có rất nhiều giống chó nổi tiếng, được những người yêu chó săn lùng làm vật nuôi trong nhà.
Việt Nam cũng tự hào có tới bốn giống chó bản địa với vẻ đẹp cũng như nhiều phẩm chất ưu việt có thể sánh ngang với các giống chó ngoại.
Bốn giống chó được xem là “quốc khuyển” của Việt Nam gồm chó Bắc Hà, chó Dingo Đông Dương (chó Lài), chó H’Mông và chó Phú Quốc.
Bốn giống chó này có đặc điểm rất riêng, đều là những giống chó nhanh nhẹn, bản tính dũng mãnh và thông minh, lại rất trung thành với chủ, không kém những loài chó nổi tiếng thế giới như Ngao Tạng hay Akita Inu của Nhật Bản.
Chó Bắc Hà
Bắc Hà là tên gọi của giống chó bản địa sinh sống tại vùng Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Chó Bắc Hà thường có lông xù, to cao, có con có bờm rất đẹp, nên còn được biết đến với tên gọi chung là chó xù hay chó xồm. Giống chó này có các mầu lông khác nhau như màu đen, vàng, vện, xám, đen-trắng, hung đỏ, lông đuôi hình bông lau hay đuôi sóc xoăn cuộn trên lưng hoặc buông thõng xuống quá kheo chân. Do có nhiều đặc điểm giống với loại chó Chow Chow của vùng Tây Tạng Trung Quốc, nên nhiều giả thuyết cho rằng, tổ tiên giống chó Bắc Hà cũng là giống chó thuộc vùng đất Himalaya.
Chó Bắc Hà
Khi chuyển động, chó Bắc Hà có bước chạy nhẹ nhàng nhưng vững chắc. Với tốc độ trung bình, các bàn chân tạo thành 2 đường thẳng song song. Ngoài ra, nó còn có thể thay đổi hướng chuyển động dễ dàng và khéo léo, cũng như chuyển động với tốc độ cao trên những địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp.
Chó Bắc Hà là loài chó thông minh, dễ huấn luyện và rất kỷ luật, đặc biệt phục tùng và trung thành với chủ, nhưng rất hoài nghi và cảnh giác với người lạ. Với những ưu điểm này, đây là loài chó đa năng, có thể sử dụng để chăn gia súc hoặc huấn luyện làm chó nghiệp vụ (đánh hơi, canh gác).
Chó Dingo Đông Dương
Dingo Đông Dương, còn gọi là chó Lài, là một giống chó nguyên thủy đặc trưng tại các vùng trung du và miền núi của Việt Nam. Tổ tiên của Dingo được cho là loài sói xám châu Á (Canis lupus). Môi trường sống tự nhiên của chó Dingo có thể dao động từ sa mạc, đồng cỏ và ven rừng.
|
Chó Dingo Đông Dương
|
Chó Dingo Đông Dương có những đặc điểm về hình dáng ngoại hình rất đặc trưng. Một chú chó Dingo thuần chủng không bị lai tạp thường có đặc điểm cơ bản như: Tầm vóc trung bình và hình thể mặt cắt ngang hơi dài, có vệt lông trắng ở bàn chân (chân “bít tất”) và chỏm đuôi (đuôi bông lau chóp trắng), chân cao và không bao giờ có móng đeo (huyền đề), đầu to so với kích thước mình, thường có màu lông vàng, một số ít cá thể màu vàng trắng và màu đen. Chó Dingo Đông Dương vận động rất uyển chuyển và không mất sức, khi chạy nhảy tốc độ cao cũng rất mềm mại, dẻo dai, có tính toán kỹ lưỡng và thực hiện với sức lực bỏ ra ít nhất; động tác chính xác, khéo léo và giữ thăng bằng rất tốt; không sợ độ cao, phối hợp động tác tuyệt đối hoàn hảo.
Dù đã được thuần chủng nhưng chúng vẫn mang đậm tính hoang dã, cực kỳ dũng mãnh, tinh khôn, là những thợ săn bậc nhất núi rừng Tây Bắc nhưng cũng nhất mực trung thành, dám xả thân chiến đấu với cả gấu, hổ, lợn rừng… để bảo vệ chủ và được xem như khắc tinh của ma quỷ, là linh vật trừ tà ma. Khi săn mồi hay làm một việc gì đó chúng luôn tập trung rất cao, có trí nhớ tốt, đặc biệt là khả năng nhớ đường, tốc độ phản ứng nhanh. Là một loài chó thông minh nên cần được huấn luyện từ nhỏ, tuyệt đối trung thành. Công việc truy vết chính là sở trường của chúng.
Trong bút ký “Thú rừng Tây Nguyên” của nhà văn Thiên Lương có viết về sự dũng mãnh của giống chó Lài: “Giống chó Lài đi săn tốt nhất, vì chó có chân cao, tai to, có sức khỏe. Loại chó này đi xa nghe tiếng hú của chủ cũng biết mà về. Cặp chân cao của nó đảm bảo chạy nhanh, và cũng bạo gan nhảy từ trên cao xuống như dê rừng. Có khi sơn dương vừa nhảy từ trên cao xuống nó đã nhào theo, nhảy lên lưng, dùng mõm ngoác lấy cổ dê rừng. Chó Lài còn đánh được cả con sói cao to hơn nó. Những người dân tộc ở Tây Nguyên, nhà nào cũng nuôi chó Lài đi săn thì quanh năm có thịt ăn… Con báo, khi đã leo lên cây, gặp chó Lài ở dưới đất, đố dám xuống. Con trăn gió thường nuốt nổi cả con bê mới sinh hoặc cả hươu sao, vậy mà gặp chó Lài, đuôi trăn cũng trở thành vô dụng. Vốn là một loài rất khôn, khi đi săn, chó Lài thường đi đôi với nhau, gặp con mồi cả hai con cùng đâm lao vào kẻ địch, chứ không như chó thường.”
Chó H’Mông cộc
Chó H’Mông cộc đuôi là giống chó bản địa cổ xưa của người dân tộc H’Mông ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam. Từ xưa giống chó này đã được sử dụng làm chó săn, chó canh gác và hiện tại vẫn tiếp tục đảm nhiệm khá tốt các vai trò này.
|
Chó H'Mông cộc đuôi
|
Thoạt nhìn, chó H’Mông cộc đuôi khá giống với bao loài chó thường khác, với những đặc điểm nổi bật: Thân hình tầm trung, cơ bắp rắn chắc phủ toàn thân; khung xương rộng, đầu to, nhìn từ trên xuống có hình thang; vùng trán phẳng và rộng, khi chó tỏ ra cảnh giác, giữa hai tai và trên phía trước trán xuất hiện các vết nhăn nhỏ. Mõm hơi ngắn và rộng ngay từ phần dưới mắt, thu hẹp dần về phía chóp mũi; lưỡi to, thường có các vệt màu đen hoặc tím; môi dày, khép chặt và không trễ xuống; hàm chắc, khoẻ và mạnh mẽ, cằm lộ rõ; mắt không to, không lồi và khá sâu, có hình ô van hơi xếch, màu tương đồng với màu chính của lông, viền mắt có màu sẫm hoặc nâu, ánh mắt nhìn biểu cảm, sáng sủa và dũng mãnh; tai không to quá, có dạng gần hình tam giác đều, hướng về phía trước.
Chó H’Mông cộc đuôi có da căng, chắc chắn, tương đối dày, không có nếp nhăn hoặc nếp rủ; lông dày, chia hai lớp, lớp ngoài thô cứng, không mượt, lớp lông đệm bên trong mềm và mịn. Lông thường có màu đen, vện hoặc hung nâu không lẫn đốm màu khác.
Tên của loài chó này đã thể hiện được hình dáng về chiếc đuôi của chúng: Không có đuôi hoặc đuôi chỉ ngắn từ 1 đến 2 đốt.
Đây là giống chó có thể lực rất tốt, chống chọi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có khả năng thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau. Đặc điểm nổi bật trong chuyển động của chó H’Mông cộc đuôi là sự khéo léo, khả năng phối hợp tuyệt vời giữa các động tác, luôn tính toán ở mỗi cử động, giúp cho chúng có khả năng leo dốc rất nhanh và dễ dàng vượt qua tất cả các chướng ngại vật.
Là loài chó tuyệt đối trung thành với chủ nhân nhưng thận trọng với người lạ, khả năng làm việc rất cao. Chó có bản năng bẩm sinh về việc bảo vệ lãnh thổ, bản năng này xuất hiện rất sớm, từ khi chó khoảng 2 đến 3 tháng tuổi. Giống chó này tinh khôn, có trí nhớ tốt, do đó có khả năng tiếp thu các bài huấn luyện dễ dàng và rất nhanh ngay từ khi còn nhỏ.
Chó Phú Quốc
Chó Phú Quốc là giống chó nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, được người dân đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sử dụng trong việc săn bắt từ hàng trăm năm nay.
|
Chó Phú Quốc với xoáy lưng rất đặc trưng
|
Giống chó này có một số đặc điểm phân biệt với các giống chó khác như các xoáy lông ở trên sống lưng, lúc chạy theo con mồi hoặc lúc gặp đối thủ thì những vòng xoáy này sẽ dựng đứng lên trông rất dũng mãnh. Đây cũng là một trong ba giống chó có xoáy lông trên lưng đang tồn tại trên thế giới, hai loại còn lại là chó lông xoáy Rhodesia và chó lông xoáy TháiChó Phú Quốc thuần chủng thường có bốn màu lông cơ bản gồm đốm, đen, vàng và vện (còn gọi là sọc); tuy nhiên, màu lông ngày nay đã có nhiều sự lai tạp.
Điểm nổi bật của những chú chó Phú Quốc là thể lực dẻo dai, tốc độ nhanh, di chuyển linh hoạt, biết leo trèo, nhảy cao, khả năng phối hợp tác chiến bầy đàn tốt… Đáng chú ý, biệt tài của chó Phú Quốc là bơi lội rất giỏi vì có màng ở chân như vịt và lông ngắn, mượt, chỉ chừng 1 đến 2 cm, áp sát da nên sau khi xuống nước bị ướt chỉ cần lắc mình vài lượt thì lông sẽ khô. Chó Phú Quốc còn biết đào hang để đẻ; người dân sinh sống trên đảo Phú Quốc rất thích những chú chó xoáy được sinh ra trong hang vì họ tin rằng đây mới đúng là loại chó xoáy Phú Quốc thuần chủng.
Với bản tính gan góc, thể lực dẻo dai, khả năng theo dấu kể cả khi con mồi đã đi qua rất lâu, chó Phú Quốc lọt vào danh sách những giống chó nuôi có khả năng săn bắt sành sỏi bậc nhất. Chúng rất kiên định, một khi đã xác định con mồi thì sẽ tìm mọi cách lần ra dấu vết của chúng. Chúng cũng rất trung thành với chủ nhân, nghe lời và tuân thủ mệnh lệnh chỉ sau một vài ngày huấn luyện.
Chó Phú Quốc khá thân thiện với người, dù là chủ nhân hay người lạ. Tuy nhiên, chúng lại có một điểm khá đặc biệt là không ăn thức ăn do người lạ cho nên giống chó này rất khó bị đánh bẫy hay bỏ thuốc độc.
Điểm yếu của giống chó này là thể trạng nhỏ, khả năng thích nghi kém, nên dễ mắc bệnh đường ruột và tỉ lệ chết khá cao nếu như người nuôi không biết cách chăm sóc cũng như không tạo không gian sống phù hợp cho chúng./.
Theo Chinhphu.vn