Bluetooth từ lâu đã là chuẩn kết nối không dây tầm gần phổ biến được trang bị trên hầu hết các thiết bị công nghệ khác nhau, truyền tải nhanh chóng và khá phổ biến
Xuất hiện đã hơn 20 năm, Bluetooth hiện nay được trang bị trên rất nhiều thiết bị công nghệ từ smartphone, tablet, laptop, tai nghe, loa, TV đến các hệ thống game console,… Sở dĩ các hãng thích dùng Bluetooth là vì nó có thể làm được rất nhiều thứ: truyền dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác cũng như phát âm thanh từ smartphone, tablet đến các hệ thống âm thanh khác nhau.
Do sự phổ biến của mình, chính Bluetooth cũng thường xuyên được cải tiến khá nhiều về khả năng kết nối, tốc độ truyền tải để phù hợp với công nghệ hiện đại, tiên tiến. Song, vẫn còn một số định kiến khá lạc hậu về Bluetooth mà bạn cần dẹp bỏ ngay bây giờ.
1. Bật Bluetooth nhiều sẽ làm hao pin
Quay trở lại thời kỳ đầu của smartphone, điều này là đúng đắn. Thiết bị sẽ tốn một lượng pin kha khá bởi một khi đã bật Bluetooth lên thì thiết bị sẽ luôn dò tìm các kết nối xung quanh mà không hề nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, kể từ chuẩn Bluetooth 4.0 trở đi thì kết nối này được trang bị thêm module LE (Low Energy). Module này sử dụng một công nghệ khác để dò tìm các thiết bị Bluetooth xung quanh nhưng không làm tiêu tốn nhiều năng lượng như những chuẩn Bluetooth cũ.
Tương tự như vậy, khi đã kết nối thành công nhưng không có gì để truyền tải thì Bluetooth LE cũng không tiêu tốn năng lượng. Ví dụ, nếu kết nối smartphone của bạn với một chiếc loa hay tai nghe không dây có Bluetooth LE thì thiết bị sẽ không sử dụng năng lượng khi không có bản nhạc nào được phát.
Cụ thể, lượng điện tiêu thụ của Bluetooth LE đã được tối ưu giảm xuống một nửa (thậm chí là nhiều hơn) so với Bluetooth thế hệ cũ. Một chiếc loa Bluetooth cũ có thể tiêu thụ đến 1W nhưng với chuẩn LE thì con số trên chỉ là 0.01W đến 0.5W mà thôi.
2. Bluetooth có hại cho sức khỏe
Tại thời điểm này, chưa có kết luận chính xác liệu bức xạ từ điện thoại có gây hại cho sức khỏe của bạn hay không. Tuy nhiên, lượng bức xạ phát ra tương đương với năng lượng tiêu thụ và một thiết bị đạt chuẩn Bluetooth Class 1 có dòng điện ra tối đa 100mW, song thực chất nó hiếm khi đạt đến mức độ đó. Thực tế, hầu hết các thiết bị Bluetooth đều có dòng điện 1mW. Trong khi đó hầu hết những chiếc điện thoại thông thường đều có con số từ 1000mW đến 2000mW khi dùng 3G hoặc 4G.
Vì vậy, không thể khẳng định Bluetooth hoàn toàn an toàn hay hoàn toàn có hại, nhưng sử dụng một chiếc tai nghe Bluetooth sẽ tốt hơn thay vì tiếp xúc trực tiếp với sóng bức xạ khi nghe điện thoại. Rõ ràng bạn không thể thoát khỏi việc dính chặt với smartphone hằng ngày, nhưng nếu là người thận trọng với sức khỏe và sóng bức xạ thì nên sắm một chiếc tai nghe Bluetooth ngay và luôn.
3. Bluetooth chỉ được sử dụng trong phòng nhỏ
Đành rằng Bluetooth là chuẩn kết nối không dây "tầm ngắn", nhưng nó được phân ra đến 3 chuẩn nhỏ khác nhau tương ứng với khả năng kết nối khác nhau:
- Bluetooth Class 3 có phạm vi kết nối nhỏ hơn 10 mét
- Bluetooth Class 2 có phạm vi kết nối trong khoảng 10 mét
- Bluetooth Class 1 có phạm vi kết nối trong khoảng 100 mét
Các thiết bị đạt chuẩn Bluetooth Class 1 hầu hết đều cần cấp nguồn khi sử dụng hoặc yêu cầu thiết bị phải có nguồn pin đáng kể. Hầu hết các thiết bị di động hiện nay đều dùng Bluetooth Class 2 hoặc Class 3. Tuy nhiên, 10 mét chỉ là con số lý thuyết còn trên thực tế nếu không có sự ngăn cản nào thì phạm vi kết nối có thể xa hơn.
4. "Ẩn mình đi" là an toàn
Đừng nghĩ rằng để chế độ không được tìm thấy bởi các thiết bị Bluetooth khác thì thiết bị của bạn sẽ được an toàn. Địa chỉ thiết bị Bluetooth (Bluetooth Device Address – BDA) có thể được ẩn đi trong chế độ không thể được tìm thấy, tuy nhiên máy quét hay các công cụ sniffer vẫn có thể tìm thấy và xâm nhập địa chỉ BDA của bạn dù nó đã bị ẩn đi.
Mấu chốt quan trọng nhất của sự xâm nhập này chính là mật khẩu kết nối Bluetooth mặc định trên hầu hết các thiết bị thường là 0000 hoặc 1234. Vì vậy, ai cũng có thể kết nối với thiết bị Bluetooth của bạn nếu họ có địa chỉ BDA.
Đây cũng là nguyên nhân đằng sau đa số các trường hợp người dùng bị nghe trộm hoặc bluejacking (tạm hiểu là hành động quấy rối thông qua các tin nhắn Bluetooth). Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm ngay bây giờ là đổi ngay mã PIN kết nối Bluetooth trên máy thành một mã số khác. Trong trường hợp không thường xuyên sử dụng Bluetooth thì hãy tắt nó đi và chỉ bật khi thực sự cần thiết.
5. Bluetooth làm ảnh hưởng đến Wi-Fi
Giống với hầu hết các chuẩn kết nối không dây khác, Bluetooth sử dụng băng tần 2.4GHz để gửi và nhận dữ liệu. Đây cũng là tần số được sử dụng bởi hầu hết các thiết bị phát và nhận tín hiệu Wi-Fi hiện nay.
Đọc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng Bluetooth sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ và khả năng kết nối của Wi-Fi bởi nó sử dụng chung một băng tần. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với các thiết bị Bluetooth cũ.
Cơ chế Adaptive Frequency Hopping (tạm dịch là thích nghi tần số) đã được cải thiện rất nhiều trên Bluetooth 4.0 để giảm khả năng làm nhiễu sóng Wi-Fi của Bluetooth. Băng tần 2.4GHz có tần số truyền từ 2400MHz đến 2483.5MHz. Bluetooth sử dụng 2 kênh, mỗi kênh theo dõi 50% tần số của băng tần 2.4GHz. Tín hiệu Bluetooth sẽ nhanh chóng chuyển sang sử dụng tần số khác nếu tần số đang sử dụng bị sử dụng hoặc đang cố gắng được sử dụng bởi một thiết bị khác, do đó bạn không cần phải lo lắng việc Buetooth sẽ làm ảnh hưởng đến kết nối Wi-Fi trong nhà.