Trí thông minh nhân tạo (AI) đã làm được điều mà nhiều năm nay chưa nhà khoa học nào có đủ khả năng thực hiện
Kể từ khi được khám phá cách đây 100 năm, bản thảo Voynich vẫn luôn là một bí ẩn, làm đau đầu không biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ cũng như mật mã học. Là một bản thảo viết tay cổ điển, thế nhưng, Voynich được mã hóa bằng một hệ thống ngôn ngữ, hoặc có thể gọi bằng ký tự cũng được, thứ mà chưa từng được ghi nhận trong suốt lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các nhà nghiên cứu người Canada đã đạt được bước tiến lớn trong việc làm sáng tỏ một trong những cổ thư bí ẩn nhất của nhân loại.
Một phần của bản thảo Voynich
Bản thảo Voynich được đặt theo tên của Wilfrid Voynich, nhà buôn sách người Ba Lan đã mua lại tấm bản thảo này vào năm 1912 mặc dù ông chắc chắn là không hiểu nội dung của cuốn cổ ngữ này. Tập bản thảo bao gồm hàng trăm trang, với hàng nghìn ký tự khó hiểu được viết từ trái sang phải. Hầu hết các trang đều được trang trí bằng một số hình minh họa, biểu đồ như cây cối, các ký hiệu thiên văn. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để các nhà khoa học có bất kỳ manh mối nào trong việc tìm ra ý nghĩa của Voynich.
Nhưng không vì thế mà công cuộc chinh phục Voynich dừng lại. Bản thảo được coi là một trong những tấm màn bí ẩn nhất thế giới, và trong suốt nhiều thập kỷ qua, nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nhiều nhà ngôn ngữ, mật mã học. Từ nghiệp dư cho tới nhiều năm kinh nghiệm, nhưng tuyệt nhiên, không một đầu mối nào được sáng tỏ.
Thậm chí trong thế chiến thứ hai, Voynich cũng là một trong những đề tài được nghiên cứu bởi đội ngũ mật mã phục vụ trong quân đội, nhưng kết quả cũng không có gì thay đổi. Nhiều giả định về Voynich cũng được công bố, ví dụ như nó được tạo ra bằng cách sử dụng các chương trình mã hóa ngẫu nhiên, hoặc có một hệ thống chữ viết mà trong đó phần nguyên âm đã được gỡ bỏ. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, Voynich chỉ đơn giản là một trò lừa đảo phức tạp dành cho những người hiếu kỳ.
Những ký tự chẳng ai hiểu
Đối với Greg Kondrak, một chuyên gia ngôn ngữ tự nhiên thuộc đại học Alberta, bản thảo Voynich dường như là một nhiệm vụ hoàn hảo dành cho trí tuệ nhân tạo. Với sự trợ giúp của Bradley Hauer – sinh viên của ông, những nhà khoa học “máy tính” đã có một bước đột phá vô cùng lớn trong việc làm sáng tỏ Voynich. Ít nhất, nó cũng đã xác định được rằng bản thảo được viết bằng ngôn ngữ Hebrew (Do Thái), và các chữ cái được sắp xếp theo một mẫu cố định. Và bước khó khăn nhất đã qua, giờ đây, Voynich đang được chuyển giao cho những nhà ngôn ngữ khác trên thế giới để tiếp tục tìm ra ý nghĩa thật của nó.
Bước đầu tiên, và cũng là bước quan trọng nhất chính là tìm ra ngôn ngữ của văn bản đã được AI làm một cách dễ dàng. Đầu tiên, AI nghiên cứu cuốn “Tuyên ngôn Nhân quyền toàn cầu”, vì nó được viết bằng 380 ngôn ngữ khác nhau. Tại đây, máy tính tiếp tục rà soát và tìm các biểu mẫu phù hợp. Rồi sau đó, AI tiếp tục phân tích, và kết luận với mức độ chắc chắn khá cao rằng, Voynich được viết bằng ngôn ngữ tiếng Do Thái, đã được mã hóa. Điều này khiến cho cả Kondrak lẫn Hauer đều khác ngạc nhiên, khi từ trước tới nay, họ vẫn nghĩ ngôn ngữ được dùng là Arabic (Ả Rập).
Nhưng cuối cùng AI xác định được rằng nó là tiếng Do Thái
Bước tiếp theo, Kondrak cố gắng để giải mã bản thảo. Với việc xác định được văn bản được viết bằng tiếng Do Thái, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xây dựng một thuật toán để giải mã nó. Sau đó, họ đã tiến hành giải mã thử câu đầu tiên trong bản thảo, và đưa cho Moshe Koppel, một nhà khoa học máy tính, và cũng là một người nói tiếng Do Thái bản địa. Đáng buồn thay, Koppel nói rằng nó không phải là một câu mạch lạc và có nghĩa trong tiếng Do Thái.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện một vài sửa đổi chính tả, Google Translate cuối cùng cũng đã có thể đưa câu đầu tiên về tiếng Anh thông thường, với nội dung khá khó hiểu: “Cô ấy đã đưa ra khuyến cáo cho các linh mục, người đàn ông của ngôi nhà, tôi và mọi người”. Đó thực sự là một cách thức khá khó hiểu để mở đầu cho một văn bản dài 240 trang như Voynich.
Thực tế thì các nhà nghiên cứu cũng không nói rằng họ đã giải mã được toàn bộ bản thảo Voynich, thay vào đó, họ xác định được ngôn ngữ xuất xứ, và một lược đồ mã hóa, trong đó các chữ cái sẽ được sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Có thể nói, đây là bước tiến lớn trong việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI để nghiên cứu và giải mã những bí ẩn của nhân loại.
Theo Trí Thức Trẻ