Vì sao Apple và nhiều công ty khác muốn làm cho điện thoại ngày càng trở nên khó sửa?

Tại sao Apple và nhiều công ty công nghệ khác lại đang tạo ra các sản phẩm ngày càng khó sửa chữa hơn?

 

Vì sao Apple và nhiều công ty khác muốn làm cho điện thoại ngày càng trở nên khó sửa?

Apple là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thế giới và thành công của họ phần lớn xuất phát từ việc bán điện thoại cao cấp hoàn toàn mới sau mỗi chu kỳ 6 tháng. Ở thời kỳ đỉnh cao trong hoạt động kinh doanh iPhone (năm 2015), Apple đã bán ra thị trường được 231,5 triệu chiếc smartphone. Mặc dù Apple đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và danh sách sản phẩm nhưng iPhone vẫn chiếm hơn 50% hoạt động kinh doanh của công ty. Công ty vừa phát hành bản báo cáo tài chính cho Quý 2/2017 với lợi nhuận 8,7 tỷ USD mà phần lớn trong số này đến từ việc bán ra thị trường 41 triệu chiếc iPhone.

Theo TheVerge, một trong những lí do khiến Apple có thể bán ra nhiều thiết bị mới là do chúng ta tiếp tục vứt sang một bên các thiết bị cũ với nhiều lí do như tuổi thọ pin của chúng đã trở nên tồi tệ, điện thoại mới tiên tiến hơn. Trong khi thế giới đang kêu gọi những thiết kế thân thiện với môi trường, ví dụ như tăng tuổi thọ pin và cắt giảm số thiết bị mới được tạo ra thì Apple cùng nhiều công ty khác lại thiết kế các sản phẩm ở mức trung lập so với các tiêu chuẩn trên (nghĩa là họ vẫn muốn người dùng thay đổi điện thoại theo định kỳ).

Apple không phải là công ty duy nhất làm như vậy và các nhà môi trường thì thường xem xét ở góc độ sự lãng phí quá mức (do có quá nhiều sản phẩm mới được sản xuất và bán ra). Apple đã làm cho sản phẩm của mình khó khăn hơn để sửa chữa bằng cách sử dụng ốc vít độc quyền, thiết kế nguyên khối và sử dụng các yếu tố, tiêu chuẩn khác với phần còn lại (cổng lightning là một ví dụ điển hình). Các sản phẩm của Apple nổi tiếng là khó thay pin vì công ty thường thiết kế các thành phần khác nằm phía trên và dán dính pin vào bo mạch. Công ty áp dụng mô hình kinh doanh mà chỉ sau 18 hoặc tối đa 24 tháng là người dùng thường có nhu cầu thay thế một máy mới.

Trong một báo cáo mới đây của nhóm Repair Association cho biết thông qua việc đánh giá chi tiết mức độ khó khăn khi sửa chữa các sản phẩm công nghệ, người ta thấy rằng các thiết kế của các công ty này ngày càng rời xa tiêu chí bảo vệ môi trường, hạn chế sản xuất ra chất thải. Các công ty như HP, Apple thường tự quyết định cách thức hoạt động gắn với môi trường của họ, sau đó gắn nhãn tiêu chuẩn này lên các sản phẩm, trong khi lại bỏ qua các vấn đề cấp bách như tính dễ sửa chữa hay tái sử dụng.

Kyle Wiens, CEO của công ty teardown iFixit và là thành viên ban lãnh đạo của Repair Association cho biết: "Những gì đang xảy ra trong nội bộ tại các công ty là việc các đội chuyên về môi trường đang bị bác bỏ. Bề ngoài, công việc của họ là làm cho công ty thân thiện hơn với môi trường nhưng thực tế hầu như không có bất kỳ hạn chế nào được đưa ra".

 

Vì sao Apple và nhiều công ty khác muốn làm cho điện thoại ngày càng trở nên khó sửa? 2

Các công ty này áp dụng các tiêu chuẩn riêng không phải do chính phủ quy định. Các tiêu chuẩn về môi trường cho thiết bị điện tử được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2004 và được thông qua bởi Environmental Protection Agency. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc thành lập Institute of Electrical and Electronics Engineers (IEEE) – một tổ chức chuyên nghiệp không thuộc sự quản lý của các cơ quan nhà nước, bao gồm các viện nghiên cứu, tổ chức phi lợi nhuận, và một số lượng lớn các đại diện doanh nghiệp với lợi ích liên quan.

Sau đó, một nhóm thuộc bên thứ 3 gọi là Green Electronics Council được thành lập, chuyên giám sát các công cụ đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường các sản phẩm điện tử (EPEAT). EPEAT quyết định khi nào sản phẩm một công ty được dán nhãn chứng nhận đồng, bạc, vàng. Đây là quy trình mà Apple và nhiều doanh nghiệp khác đang sử dụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng sản phẩm của họ với môi trường.

Trong một tuyên bố gần đây, Apple cho biết họ đang cải thiện các nỗ lực liên tục giúp công ty phát triển bền vững. Mục đích của họ là nhằm giữ vững các cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn cách sản phẩm được tạo ra và sửa chữa. Công ty cho biết: "Thiết kế cao cấp không chỉ cho phép chúng tôi tạo ra sản phẩm đẹp, mỏng, mạnh mẽ mà nó còn có thể hoạt động bền bỉ trong nhiều năm. Trong những trường hợp sửa chữa là cần thiết, các nhà cung cấp có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, an toàn và an ninh cho việc sửa chữa. Và khi nào sản phẩm hết hạn sử dụng, Apple sẽ chịu trách nhiệm tái chế an toàn và có trách nhiệm".

Công ty cho biết thêm rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vào các nỗ lực để sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, ví dụ như sử dụng các vật liệu tái chế để tránh khai thác mới các tài nguyên từ lòng đất.

Tuy nhiên, Apple cảm thấy rằng đó là hành động đủ mạnh mà nhiều công ty khác trong ngành công nghiệp di động cũng nghĩ vậy. Wiens và công ty iFixit của ông cho biết các cuộc biểu quyết cho các tiêu chuẩn của các nhóm ủng hộ môi trường thường không dẫn đến kết quả như mong muốn. Ví dụ, trong cuộc bỏ phiếu bầu cử gần đây nhất của IEEE, các nhà sản xuất thiết bị đại diện cho 41% số phiếu, chiếm đa số các bên tham gia. Bên thứ ba đại diện ngành công nghiệp là 28%, trong khi các học viện và nhóm vận động vì cộng đồng mỗi bên chỉ chiếm 7% trong hội đồng quản trị (số còn lại là những tổ chức được gắn nhãn vì "lợi ích chung").

Sarah Westervelt, một giám đốc chính sách của Basel Action Network – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đấu tranh chống xuất khẩu chất thải độc hại từ sản xuất thiết bị điện tử đến các quốc gia phát triển – nói: "Tôi không tham gia vào các cuộc họp và bỏ phiếu vì nó lãng phí thời gian của tôi. EPEA đã đánh mất mục tiêu ban đầu của nó". Cô chỉ ra rằng, tại một số thời điểm nhất định, các công ty phải trả tiền cho các thành viên IEEE để họ không bỏ phiếu thông qua các biện pháp môi trường mới.

 

Vì sao Apple và nhiều công ty khác muốn làm cho điện thoại ngày càng trở nên khó sửa? 3

Hầu hết vấn đề khó khăn trong sửa chữa sản phẩm của Apple xuất phát từ các đại lý được ủy quyền. Với quy mô dưới 500 đại lý như vậy trên toàn thế giới, thật khó để phục vụ cho việc sửa chữa cho hàng trăm triệu người dùng iPhone. Giá các linh kiện khá cao gây ra khó khăn tài chính cho người dùng cũng như việc mua được nó để sửa chữa. Năm ngoái, giá màn hình đã được Apple giảm từ 99 USD xuống còn 29 USD khi sử dụng gói AppleCare+. Công ty cung cấp máy thay thế màn hình cho các đại lý để họ chủ động hơn trong việc sửa chữa cho khách hàng.

Theo báo cáo của Schaffer thì vấn đề trọng tâm đó là các công ty công nghệ không muốn các tiêu chuẩn khắt khe hơn, bởi vì nó sẽ làm mất các hợp đồng béo bở với địa phương, tiểu bang và liên bang. Những Cơ quan hành chính thường đòi hỏi các sản phẩm đáp ứng các chứng nhận "xanh" với môi trường của EPEAT khi sử dụng cho trường học và các cơ quan công cộng. Có những tiêu chuẩn mới, nghiêm ngặt hơn có nghĩa là nhiều sản phẩm sẽ có nguy cơ bị gắn nhãn ít hoàn hảo hơn với môi trường và do đó các công ty có nguy cơ mất các hợp đồng cung ứng lớn.

Tiêu chuẩn khắt khe hơn - giống như làm pin dễ dàng tháo lắp và thay thế hơn – có thể khiến doanh số bán hàng thấp hơn do người dùng giữ sản phẩm của họ lâu hơn, người dùng sẽ có xu hướng mua máy cũ hoặc tân trang thường xuyên hơn. Đây là lý do tại sao ngành công nghiệp công nghệ cao đang chiến đấu với những gì được gọi là luật "quyền sửa chữa", trong đó quy định các khả năng cho người tiêu dùng để tháo lắp, sửa chữa, thay thế các sản phẩm mà họ đã mua. Đối với ngành công nghiệp điện thoại thông minh, luật này có tác động rất lớn đến môi trường bằng cách tăng tuổi thọ của thiết bị.

Wiens nói: "Hóa chất độc chủ yếu là không có trong các sản phẩm nữa. Sản phẩm này sẽ không gây tổn hại nhiều trừ khi bạn đặt nó trên lửa. Tất cả những thiệt hại môi trường hiện nay được thực hiện từ phía nhà sản xuất". Vì vậy, các nhóm hoạt động vì môi trường đã chuyển sang đấu tranh để tăng tuổi thọ cho thiết bị nhằm giảm quy mô sản xuất mới.

Nếu pin có thể dễ dàng thay thế, người dùng sẽ ít cảm thấy áp lực về việc cần thay thế thiết kế mới và các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử sẽ không lãng phí nhiều tài nguyên.

Schaffer nói: "Các nhà sản xuất có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ cho lợi ích công ty của họ và điều này lại mâu thuẫn với các lợi ích về môi trường". Việc thay đổi các tiêu chí cần phải có thời gian để đàm phán và đạt được sự đồng thuận giữa các bên.

Và đó cũng chí là lí do vì sao hiện nay các công ty công nghệ như Apple lại có xu hướng tạo ra các sản phẩm khó sửa chữa hơn. Họ muốn người dùng thường xuyên có nhu cầu thay mới sản phẩm hơn và từ đó tăng doanh số bán hàng. Các vấn đề môi trường thường được đặt phía sau doanh thu và lợi nhuận.

Theo Genk

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang