Việc Việt Nam chính thức giành một suất tham dự vòng bảng CKTG kể từ năm 2018 có thể coi là một bước tiến lớn về vị thế của LMHT Việt trên bản đồ quốc tế.
Mặc dù sau 2 năm tái ngộ CKTG, cả GAM Esports lẫn Phong Vũ Buffalo đều chưa thể tạo nên kỳ tích bằng việc lọt vào Tứ kết, tuy nhiên, cộng đồng fan hâm mộ nước nhà hoàn toàn có cơ sở để tin rằng khu vực VCS sẽ sớm vươn mình trở thành một thế lực mới của LMHT trong tương lai.
Màn trình diễn của Phong Vũ Buffalo tại CKTG 2018
Đã có nhiều ý kiến cho rằng Phong Vũ Buffalo tại CKTG 2018 có một sự thụt lùi nếu so sánh với GAM Esports của CKTG 2017. Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy? Theo những con số thống kê (tỉ lệ kiểm soát rồng, tỉ lệ ăn Sứ Giả Khe Nứt và lượng vàng chênh lệch), PVB hoàn toàn vượt trội hơn GAM trong việc triển khai lối đánh kiểm soát bản đồ. Tuy nhiên, điều họ thiếu lại là một cá nhân có khả năng gây đột biến cao như Levi và sự hổ báo trong phong cách kiến thiết giao tranh mà Levi và Optimus từng mang lại cho GAM.
PVB đã có một kỳ CKTG đáng khích lệ dù chưa thể vượt qua được Vòng bảng
Có thể thấy rằng thực tế trình độ của PVB không hề bị thua kém so với GAM, như BLV Hoàng Luân cũng đã thừa nhận rằng thứ mà Phong Vũ thiếu chính là việc họ quá cầu toàn và bị cuốn theo lối đánh kiểm soát an toàn của người Hàn - Một lối chơi đã quá cũ kỹ ở CKTG 2018.
Vậy nên có thể khẳng định rằng, trình độ của các đội tuyển Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, và chắc chắn qua 2 kỳ CKTG 2017 và 2018, những đại diện của VCS tham dự các giải đấu lớn sẽ tiếp tục tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và thể hiện một bộ mặt tiến bộ trên đấu trường quốc tế.
Việt Nam không thiếu nhân tài
Dù chỉ là một khu vực nhỏ bé so với châu Âu, Bắc Mĩ hay "thiên đường trò chơi điện tử" Hàn Quốc, nhưng Việt Nam mới chính là cụm máy chủ LMHT có số lượng người chơi hàng đầu thế giới và chỉ thua kém đất nước tỉ dân Trung Quốc mà thôi.
Chính vì sự phổ biến của LMHT, VCS nói riêng và các hoạt động LMHT chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung cũng đều đặn cho ra lò những tài năng lớn của bộ môn này, thời kỳ đầu thì có Archie - Một trong những người chơi Ezreal hay nhất thế giới, QTV hay NIXWATER, sau này có thể kể đến Optimus, SofM, Levi, và mới nhất chính là Zeros.
LMHT Việt Nam chưa bao giờ thiếu đi những tài năng
Đây đều là những tuyển thủ mà tài năng đã được giới chuyên môn quốc tế thừa nhận. Đó chính là khác biệt lớn nhất giữa VCS và những người hàng xóm LMS ở thời điểm hiện tại. Khu vực Đài Loan đang rơi vào tình trạng "khan hiếm nhân tài", với kết quả nhãn tiền chính là việc cả 3 đại diện của khu vực này đều bị loại từ vòng bảng CKTG 2018 và thậm chí có tới 2 đội tuyển "phơi áo" với tỉ số 0-6.
Nếu như là 5 năm trước, việc vượt qua được cái bóng của LMS đối với LMHT Việt chỉ là chuyện viển vông, thì ở thời điểm hiện tại, VCS hoàn toàn có cơ sở để "gạt giò" khu vực này theo đúng nghĩa đen, bằng việc nỗ lực thi đấu tại MSI 2019 để giành lấy thêm một suất tham dự Play-in vào CKTG năm sau.
Các đội tuyển VCS đang dần được "chuyên nghiệp hóa"
Mặc dù không thiếu tài năng, nhưng chắc chắn những tuyển thủ trẻ của Việt Nam cũng rất cần một môi trường tốt và ổn định để phát triển tên tuổi và sự nghiệp của mình. Không chỉ mang về hàng loạt những thành tích ấn tượng tại đấu trường quốc tế, hệ thống giải đấu của VCS cũng đang từng bước được chuyên nghiệp hóa một cách rõ rệt.
Đầu tiên là việc ra mắt Nhà thi đấu mới dành cho VCS - GG Stadium vào đầu năm nay. Đây chính là bước tiến dựa trên mô hình của các giải đấu lớn như LCK hay LCS. Việc ra mắt Nhà thi đấu giành riêng cho Thể thao điện tử đầu tiên tại Việt Nam đã khiến cho cộng đồng fan hâm mộ LMHT sống trong những trải nghiệm đúng nghĩa về bộ môn này.
Nhà thi đấu GG Stadium
Bên cạnh đó, định hướng phát triển lâu dài của các đội tuyển lớn tại VCS cũng dần được chú trọng, tiêu biểu nhất là việc EVOS Esports đi đầu trong việc thành lập Team EVOS Academy, với mục tiêu đào tạo tài năng trẻ được tuyển lựa từ các bậc xếp hạng tại máy chủ Việt Nam và quốc tế.
EVOS Esports đang là đội tuyển đi đầu trong công tác xây dựng hệ thống đào tạo trẻ
Theo Gamek