Theo một nghiên cứu mới về những game sở hữu phần mềm chống gian lận tốt nhất, VALORANT và Fortnite là hai cái tên đứng đầu trong một danh mục có khoảng 11 game
Một trong những vấn đề game thủ rất hay gặp đối với các trò chơi trực tuyến như VALORANT, chính là tình trạng gian lận. Khi những kẻ gian lận ngày càng tinh vi hơn, các nhà phát triển game cũng phải cố gắng nghĩ ra thêm nhiều công cụ và sáng kiến mới. Gần đây, Ubisoft đã chia sẻ một cập nhật khá hứa hẹn về những nỗ lực giảm thiểu sự gian lận và toxic trong Rainbow Six Siege, giảm bớt số lượng những trường hợp vi phạm và cả những trường hợp phát hiện sai.
Battlefield 1 cũng là một trò chơi khác đã có những thay đổi quan trọng, giới thiệu một hệ thống anti-cheat mới vào ngày 22 tháng 10, giúp người chơi có sự riêng tư hơn và phát hiện gian lận hiệu quả hơn. Apex Legends cũng đã giới thiệu những cải tiến chống gian lận trong năm nay, nhằm mục đích giải quyết vấn đề đã ám ảnh trò chơi Battle Royale của Respawn Entertainment trong nhiều năm. Mới đây, Đại học Birmingham vừa chia sẻ một nghiên cứu tiết lộ 11 trò chơi sở hữu hệ thống chống gian lận tốt nhất.
Theo đó, VALORANT và Fortnite là hai cái tên đứng đầu, với những game tiếp theo lần lượt là Battlefield 2042, Rainbow Six Siege, The Finals, Overwatch 2, Apex Legends, Call of Duty: Warzone, Counter-Strike 2, Team Fortress 2 và Battlefield 1. VALORANT được khen ngợi vì đã cung cấp mức độ bảo vệ tương đối toàn diện thông qua Vanguard, phần mềm chống gian lận do Riot Games tạo ra cũng đang chạy bên Liên Minh Huyền Thoại.
Trong khi đó, Fortnite ghi điểm nhờ vào phần mềm chống gian lận có khả năng quét chuyên sâu máy tính người chơi, kết hợp với những hình thức bảo vệ chủ động và bảo vệ phản ứng. Những trò chơi còn lại xếp hạng thấp hơn vì nhiều lý do khác nhau, như việc vẫn còn lỗ hổng trong hệ thống, thiếu những biện pháp mạnh mẽ, phản hồi chậm trễ và còn giới hạn. Đó là lý do khiến cho Counter-Strike 2 và Team Fortress 2 nằm gần cuối bảng xếp hạng.
Bên cạnh việc tiết lộ dữ liệu về các biện pháp chống gian lận của những game bắn súng phổ biến trên thị trường hiện nay, nó cũng phần nào làm sáng tỏ "ngành công nghiệp gian lận", với doanh thu hàng năm của các phần mềm gian lận đạt được khoảng từ 12,8 triệu đô đến 73,2 triệu đô.
Các chi tiết khác cho thấy hệ thống gian lận đã được hiện đại hóa tới mức nào, khiến cho các phần mềm độc hại nhắm vào những trò chơi sở hữu nhiều biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn có giá cao hơn. Dù sao thì mặc dù vấn nạn gian lận trong game multiplayer sẽ còn lâu mới có thể chấm dứt, ít nhất các hãng game vẫn nỗ lực để mang lại trải nghiệm tốt cho game thủ.