“Coco” vs. “The Book of Life”: Một lễ hội, hai câu chuyện về niềm tin và sự trưởng thành

Quang BD

Hai bộ phim hoạt hình có nhiều nét tương đồng nhưng đều được khán giả yêu mến như nhau.

Coco - bộ phim hoạt hình thứ 19 của hãng phim Pixar, được đánh giá là kỳ quan xứng đáng nối tiếp Inside Out. Với bối cảnh diễn ra vào Lễ hội người Chết, Coco lập tức được khán giả và giới mộ điệu so sánh với The Book of Life, phim hoạt hình ra mắt cách đây ba năm cũng lấy cảm hứng từ ngày lễ truyền thống của Mexico. Sẽ ra sao nếu đặt hai bộ phim đầy màu sắc này bên cạnh nhau?

Lễ hội người Chết – Cảm hứng chủ đạo của cả hai bộ phim

Lễ hội người Chết - Día de Muertos là một nét đặc trưng văn hóa của Mexico, thường được tổ chức từ 31 tháng 10 đến 2 tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, những người đã khuất sẽ được tự do trở về Vùng đất Sống để thăm lại những người thân yêu của mình. Coco và The Book of Life đều cách điệu những bộ xương đặc trưng của ngày hội thành những nhân vật sống động, dễ thương và giàu cảm xúc trên màn ảnh.

Nếu The Book of Life là câu chuyện về chàng người hùng Manolo Sánchez (Diego Luna) với danh nghĩa giải cứu tình yêu, tìm lại chính mình qua cuộc hành trình tới các vùng đất ở cõi chết, thì Coco lại đơn thuần bắt nguồn từ tình cảm gia đình và đam mê của cậu bé Miguel (Anthony Gonzalez).

Đều xây dựng tình huống một nhân vật đi ngược lại với ý muốn gia đình và lấy âm nhạc là yếu tố chính xuyên suốt câu truyện, nên khi Coco ra mắt trailer đầu tiên đã bị cho là một bản “ăn theo” của The Book of Life. Thế nhưng, mỗi chuyến hành trình lại mang đến những giá trị khác nhau, tuy cùng chung cảm hứng ở những bước đầu, cả hai bộ phim đều có tiếng nói riêng của mình.

Một bản anh hùng ca và một chuyến hành trình của sự trưởng thành

Được xem như một “lá thư tình” dành trọn cho Mexico, đạo diễn Jorge R. Gutierrez đã xây dựng The Book of Life mang đậm chất sử thi với anh hùng Manolo dũng cảm chiến đấu chống lại cái ác, cứu người mình yêu và bảo vệ dân làng khỏi bọn cướp bóc. Câu chuyện lại được chi phối bởi yếu tố thần thoại khi mọi sự việc đều đặt dưới cuộc cá cược của hai vị thần cõi âm La Muerte và Xibalba. Chàng Manolo đứng trước số mệnh được định sẵn là trở thành một dũng sĩ đấu bò của dòng họ, cuối cùng đã nghe theo con tim của mình, chọn âm nhạc để hóa giải mọi hận thù, chấp nhận bản thân và tự viết nên câu chuyện đời mình.

Cậu bé Miguel trong Coco cũng chọn âm nhạc, đi ngược lại ý nguyện của gia đình. Nhưng không như Manolo, Miguel cảm thấy âm nhạc là đam mê lớn nhất trong đời. Cậu đấu tranh quyết liệt với sự cấm đoán của gia đình – nơi xem âm nhạc như một lời nguyền xấu xa, để bảo vệ niềm yêu thích đó. Và sau một chuyến phiêu lưu đến Vùng đất của Người chết, tìm hiểu về bí ẩn của tổ tiên, Miguel nhận ra có những thứ còn lớn lao hơn cả ước mơ và đam mê, đó là tình cảm gia đình.


Monolo và Miguel đều là những nhân vật đứng trước sự lựa chọn giữa nguyện vọng của gia đình và điều mong muốn thật sự của bản thân.

Cả hai đều là câu chuyện về tình yêu và sự trưởng thành. Một bên cuối cùng cũng nhận ra, cần phải sống và tự viết nên số phận của mình, một bên là sự thấu hiểu dành cho gia đình, biết chấp nhận hi sinh để bảo vệ những điều tốt đẹp. Nhưng điểm chung lớn nhất là niềm tin và cách họ theo đuổi đam mê của mình - điều mà chắc hẳn rất nhiều người khi xem phim sẽ được khơi gợi lại như đã bỏ quên từ lâu.

Một bên độc đáo trong tạo hình, một bên gần gũi và dễ mến


Tạo hình nhân vật của “The Book of Life” là những hình nhân bằng gỗ, được chạm khắc cầu kì với màu sắc đặc trưng của Mexico.

The Book of Life cách điệu toàn bộ trong phần hình ảnh của mình. Câu truyện được diễn tả bằng những nhân vật hình nộm bằng gỗ, được chạm khắc tinh xảo với màu sắc rực rỡ, mang đậm dấu ấn của văn hóa Mỹ Latinh. Bộ phim như một quyển artbook chuyển động khiến người xem ngỡ ngàng.


Tạo hình nhân vật của “Coco” mang tính chất gần gũi, đáng yêu như truyền thống của Pixar từ trước đến giờ.

Coco vẫn như mọi tác phẩm trước của Pixar, trung thành với tạo hình tả thực mang tính thân thuộc và dễ chiếm được cảm tình. Ekip thực hiện Coco chia sẻ, điều khó khăn nhất khi thực hiện bộ phim là tạo được vẻ đáng yêu cho các nhân vật “bộ xương” để không gây ám ảnh với các khán giả nhỏ tuổi. Hình ảnh của Coco nổi bật nhất phải nói đến màu cam của những cánh hoa cúc vạn thọ xuất hiện xuyên suốt bộ phim, như một cầu nối giữa hai thế giới.


Cả hai phim đều gây choáng ngợp về màu sắc và hình ảnh.

Âm nhạc là điều sẽ đọng lại rất lâu trong tâm trí bạn

Là một bộ phim về Mexico, nhưng nhạc phim trong The Book of Life đều là những bản nhạc pop nổi tiếng của nước Mỹ, được phối lại theo phong cách Latinh. Chính điều này đã mang lại sự thú vị và bất ngờ cho người xem. Giọng hát chính đương nhiên là chàng trai Manolo, đàn lên những bản tình ca mà ấn tượng nhất là Can’t Help Falling in Love khi anh tỏ tình với Maria (Zoe Saldana) và bài hát The Apology Song khi Manolo quyết chiến với nỗi sợ lớn nhất của mình.

Trong khi đó, Coco mang lại âm hưởng Mexico mạnh mẽ qua những bài hát dành riêng cho bộ phim thông qua nhân vật Ernesto de la Cruz (Benjamin Bratt) – được xem là danh ca huyền thoại của xứ sở xương rồng. Nhưng có lẽ ấn tượng và xúc động nhất là bản Remember Me được cất lên ở giây phút bạn hiểu được vì sao bộ phim được đặt tên là Coco.


Âm nhạc trong “The Book of Life” và “Coco” như điểm nhấn tròn đầy sẽ chạm đến trái tim người xem.

Cuối cùng, dù có chung bối cảnh, The Book of Life và Coco đều là những câu truyện xuất sắc mang đến ấn tượng riêng biệt cho khán giả. Xin được mượn tên gọi của bài Remember Me kể trên để bày tỏ, cả hai bộ phim hoạt hình này sẽ luôn được nhớ đến với đầy đủ cảm xúc, sự trân trọng và những giá trị cao đẹp mà các nhà làm phim mang lại.

Nguồn: infonet.vn

Bài cùng chuyên mục