“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix

“Death Note” của đạo diễn Adam Wingard tiếp tục là một phiên bản “tẩy trắng” thất bại của điện ảnh Mỹ kế ngay sau phiên bản phim người đóng “Ghost In The Shell”.

Những chỉ trích nặng nề về việc biến mọi nhân vật từ manga của Nhật thành người Mỹ nhắm vào những tác phẩm điện ảnh chuyển thể gần đây dường như hợp lý khi các bộ phim liên tục cho thấy sự yếu kém của kịch bản và khả năng nhập vai không trọn vẹn của những diên viên phương Tây. Death Note là nạn nhân kế tiếp.

“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix

Death Note có cốt truyện do Tsugumi Ohba viết và Takeshi Obata minh hoạ bằng hình ảnh, bộ manga đình đám này luôn luôn nằm trong top những manga đỉnh nhất mọi thời đại. Chính vì vậy, những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời từ hoạt hình (anime) đến người đóng với tham vọng chuyển thể được phần hồn cốt của bộ truyện gốc bằng sự chuyển động của hình ảnh không phải không có những thành công nhất định. Anime xuất sắc. Phim người đóng của Nhật vào năm 2006 có sự chỉn chu và hấp dẫn nhất định. Nhưng đến Death Note của Adam Wingard, thì chỉ có thể nói rằng, đáng lẽ bộ phim không bao giờ nên được sản xuất.

Câu chuyện bắt đầu khi cậu học sinh sống khép kín Light Turner (Nat Wolff) tình cờ nhặt được quyển sổ thần chết (Death Note). Lúc này thần chết Ryuk xuất hiện, hắn nói với Light rằng cậu đang cầm trong tay quyền năng có thể giết chết kẻ khác chỉ cần viết tên kẻ đó vào quyển sổ. Tình cờ ngay lúc đó, Light chứng kiến một vụ bắt nạt học sinh ngay dưới sân trường. Cậu do dự và rồi cuối cùng thử tính năng của quyển sổ. Kẻ bị viết tên bị giết theo cách thức tàn bạo. Cuộc sống của Light sang trang mới, đầy bi kịch của một kẻ không thể kiểm soát cảm xúc, và không thể kiểm soát cô bạn gái máu lạnh Mia của mình.

“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 2

Nếu Death Note được tôn vinh vì sự thông minh trong câu chuyện khi để hai nhân vật chính L và Light đấu trí với nhau bằng sự khôn ngoan, độc ác và không từ thủ đoạn nào thì Death Note của Adam Wingard hời hợt trong cách xây dựng nhân vật với một câu chuyện lỏng lẻo và hời hợt. L do nam diễn viên Lakeith Stanfield thủ vai (nổi lên từ phim kinh dị độc lập Get Out). Khi con số người chết lên đến 400, L xuất hiện, vì người ta tin rằng đây là những cái chết đầy bí ẩn và kì lạ.

Sự thông minh của L giúp cậu ta nhanh chóng khoanh vùng tội phạm. Cậu xác định kẻ thủ ác nằm trong sở cảnh sát nơi bố của Light (Shea Whigham) đang làm việc. Cố gắng bám vào câu chuyện, những đạo diễn và biên kịch không đủ tốt để xây dựng tính cách các nhận vật hòng tạo cho câu chuyện một kịch tính cần có. Bộ phim đầy những lỗ hổng với việc cắt dựng nhanh hòng đẩy nhanh câu chuyện.

Light chỉ giống như một cậu học sinh đang vật lộn với sự ngớ ngẩn của mình hơn là một cậu bé cực kì thông minh với việc tạo ra một vị thần Kira khiến người dân ngưỡng mộ, đồng thời che mắt được mọi cảnh sát, và thậm chí L cũng không thể dễ dàng tìm ra mình như trong truyện. Thêm vào đó, điệu bộ của nam diễn viên Stanfield khi cố tình bắt chước L trong anime tạo cảm giác kệch cỡm và diễn mà không hề tạo ra sự chân thực về một nhân vật L có quá khứ bí ẩn, cũng như có tính cách khó lường. 

“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 3

Là một đạo diễn thành danh từ các bộ phim kinh dị như Blair WitchYou’re Next, Adam Wingard dễ dàng đặt dấu ấn của mình trong phim bằng việc xử lý những tình huống chết chóc rất máu me và bạo lực. Tuy nhiên, điều đó trở nên lố bịch trong một câu chuyện vốn đề cao trí tuệ, và sự sâu sắc trong cách đặt vấn đề về thiện ác, vai trò của luật pháp và con người trong xã hội hiện đại.

Chúng ta có thể hiểu cho việc người Mỹ “tẩy trắng” vai diễn, vì bộ phim do người Mỹ làm, và họ muốn làm theo văn hoá của họ. Tuy nhiên, sự thông cảm đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu những bộ phim live-action chuyển thể từ manga Nhật không được đầu tư tới nơi tới chốn về mặt kịch bản, cũng như về mặt chỉ đạo sao cho phù hợp với cốt truyện và ý nghĩa của câu chuyện. Death Note là một bộ phim thảm hoạ, không hơn không kém.

Theo Muzuco


Một số hình ảnh trong phim

“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 4“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 5“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 6“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 7“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 8“Death Note” - thảm hoạ điện ảnh của Netflix 9

Bài liên quan

Bài đọc nhiều nhất

Bài mới trong ngày

Lên đầu trang